I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Trong Truyện Kiều, nghệ thuật miêu tả của Nguyễn Du là hiện thực và ước lệ.

- Tả các nhân vật phản diện, ông dùng bút pháp tả thực.

- Tả các nhân vật chính diện, ông dùng bút pháp ước lệ.

- Tả cảnh, ông dùng bút pháp tả cảnh ngụ tình.

- Hai đoạn trích Chị em Thuý Kiểu và Cảnh ngày xuân thể hiện rất rõ điều đó.

2. Thân bài:

a/ Đoạn trích Chị em Thuý Kiều:

Nguyễn Du dành tâm huyết và tài năng để tả vẻ đẹp của Thuý Vân, Thuý Kiều. Ông trận trọng gọi họ là tố nga, (cách gọi tôn vinh những người con gái xinh đẹp); khẳng định họ đẹp cả về nhan sắc bên ngoài lẫn phẩm giá bên trong: Mai cốt cách, tuyết tinh thần. Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười. (Mai, tuyết là hình ảnh ước lệ thường thấy trong thơ ca cổ điển. Mười phân vẹn mười: thành ngữ chỉ sự hoàn hảo.)

- Sắc đẹp Thuý Vân: Nhìn khái quát thì hơn hẳn người khác ở vẻ quý phái. Tả cụ thể: Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang, có nghĩa là gương mặt phúc hậu, mắt phượng mày ngài. Nụ cười tươi như hoa, tiếng nói trong như tiếng ngọc rơi. Da trắng như tuyết, tóc đen như mây. Vẻ đẹp Thuý Vân hoàn hảo, báo trước cuộc đời bình yên, sung túc.

- Sắc đẹp Thuý Kiều: Nguyễn Du nhận xét so với Thuý Vân, Kiều đẹp hơn bởi vẻ sắc sảo mặn mà (So bề tài sắc lại là phần hơn.) Đẹp nhất là đôi mắt: Làn thu thuỷ, nét xuân sơn (mắt long lanh như nước hồ thu, lông mày thanh tú như dáng núi mùa xuân).

- Nguyễn Du dùng những ẩn dụ ước lệ có sức gợi tả, gợi cảm đặc biệt để tả Thuý Kiều nhằm khẳng định: Thuý Kiều đẹp nghiêng nước nghiêng thành. (Thành ngữ chỉ những người con gái có nhan sắc tuyệt mĩ, gây ra nhiều sóng gió.) Sắc đẹp khiến Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh của Kiều ẩn chứa những tai hoạ sẽ xảy ra trong tương lai.

b/ Đoạn trích Cảnh ngày xuân:

Tiêu biểu cho bút pháp tả cảnh ngụ tình: Cảnh được tả qua con mắt đầy tâm trạng của Thuý Kiều.

+ Lúc đầu (buổi sáng): Cảnh ngày xuân trong tiết Thanh minh thật tươi sáng, đẹp đẽ. (Ngày xuân con én đưa thoi..., Cỏ non xanh tận chân trời, Cành lê trắng điểm một vài bông hoa). Bức tranh thiên nhiên mùa xuân mà Nguyễn Du miêu tả có xa và gần, cao và thấp, diện và điểm, tương phản về màu sắc... Tất cả kết hợp hài hoà, tôn thêm vẻ đẹp cho nhau để làm nổi bật sức sống phơi phới của mùa xuân. Thuý Kiều nhìn khung cảnh bằng đôi mắt háo hức, yêu đời của một cô gái trẻ nên thấy cái gì cũng đẹp cũng vui: Gần xa nô nức yến anh... Dập dìu tài tử giai nhân, Ngựa xe như nước áo quần như nêm.

+ Lúc sau (buổi chiều): Người vãn dần, mặt trời gác núi. Cảnh hoàng hôn gợi buồn trong khi niềm vui đã lắng xuống. Tâm trạng Kiều chợt se buồn nên nhìn cảnh vật mới cảm thấy: Nao nao dòng nước uốn quanh, Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang. (Nao nao là tính từ tả tâm trạng.) Trong cách cảm nhận của Kiều cũng thấp thoáng một dự báo chẳng lành về số phận của nàng.

3. Kết bài:

- Dù tả thực hay ước lệ thì người và cảnh trong Truyện Kiều đều sinh động, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

- Bên cạnh sự kế thừa tinh hoa nghệ thuật cổ điển thì phần sáng tạo của Nguyễn Du là rất lớn.

II. BÀI LÀM

Đọc Truyện Kiều, chúng ta nhận ra rằng đặc điểm nghệ thuật miêu tả nhân vật của đại thi hào Nguyễn Du là khi tả các nhân vật chính diện, ông dùng bút pháp ước lệ thường thấy trong thơ cổ điển; còn khi tả các nhân vật phản diện, ông dùng bút pháp tả thực.

Trong đoạn trích Chị em Thuý Kiều, Nguyễn Du đã khai thác triệt để ưu thế của nghệ thuật ước lệ. Điều đó thể hiện tình cảm yêu mến, trân trọng của ông đối với Thuý Kiều, Thuý Vân, hai cô gái xinh đẹp xứng đáng với cách gọi có tính chất tôn vinh: Tố Nga.

Có thể nói Nguyễn Du đã dồn hết tâm huyết và tài năng của mình vào ngọn bút để làm nổi bật thần thái trong chân dung của hai chị em Thuý Kiều mà bước đầu, ông đã đánh giá là:

Mai cốt cách tuyết tinh thần,

Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.

Nhà thơ lấy những nét đẹp trong thiên nhiên để so sánh với vẻ đẹp của con người. Ở các nhà thơ khác, nếu tả theo công thức này thì nhân vật thường trở nên chung chung, mờ nhạt, nhưng với ngòi bút Nguyễn Du, nó lại biến hoá sống động, đầy tài hoa, sáng tạo.

Chúng ta có thể tưởng tượng ra hình dáng của Thuý Kiều, Thuý Vân thanh tú, yểu điệu (mai cốt cách), tâm hồn trong trắng như sương, như tuyết (tuyết tinh thần). Rõ ràng, họ là con nhà nề nếp gia phong, được thụ hưởng một nền giáo dục đầy đủ và nghiêm cẩn.

Dụng ý, dụng công của nhà thơ thể hiện khá rõ qua cách lựa chọn hình ảnh và từ ngữ để miêu tả. Ngay cả việc tại sao ông lại không tả Thuý Kiều trước mà lại tả Thuý Vân trước cũng là điều đáng để người đọc suy ngẫm.

Thuý Vân hiện lên với dáng dấp đài các, kiêu sa của một tiểu thư con nhà khá giả:

Vân xem trang trọng khác vời,

Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.

Thuý Vân có gương mặt phúc hậu, mắt phượng mày ngài. Nụ cười tươi như hoa mới nở, tiếng nói thánh thót như tiếng ngọc rơi trên mâm vàng:

Hoa cười ngọc thốt đoan trang,

Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.

Da nàng trắng hơn tuyết, tóc đen hơn mây. Có thể nói sắc đẹp của Thuý Vân dường như đã đạt tới độ hoàn thiện, hoàn mĩ. Nàng là kì công của Tạo hoá và Tạo hoá đã ban cho nàng nhan sắc “hoa nhường nguyệt thẹn”, “chim sa cá lặn” như cách nói trong văn chương cổ điển. Vẻ đẹp của Thuý Vân mặc nhiên được công nhận, không bị ai ganh ghét, đố kị. Nó báo trước đời nàng sau này sẽ là cuộc đời bình yên, viên mãn của một bậc phu nhân quyền quý giữa giàu sang, nhung lụa.

Thế nhưng, vẻ đẹp trang trọng khác vời của Thuý Vân vẫn nằm trong khuôn khổ được người đời công nhận, thán phục và chiêm ngưỡng. Đặt Thuý Vân bên cạnh Thuý Kiều thì cái nhan sắc tuyệt mĩ ấy bỗng nhiên mờ nhạt hơn, chỉ còn tác dụng như một phông nền để làm nổi bật vẻ đẹp lộng lẫy, phá vỡ mọi khuôn mẫu từ trước tới nay:

Kiều càng sắc sảo mặn mà,

So bề tài sắc lại là phần hơn

Nguyễn Du khẳng định chắc chắn như vậy và ông nhấn mạnh đến bản chất cái đẹp từ bên trong toả chiếu ra bên ngoài qua các tính từ đặc tả chính xác: sắc sảo, mặn mà và sự đánh giá khái quát: tài sắc Thuý Kiều vượt trội hơn hẳn Thuý Vân.

Không phải ngẫu nhiên, Nguyễn Du tả Thuý Vân chỉ bằng bốn câu, còn dành tới mười hai câu để ca ngợi vẻ đẹp Thuý Kiều. Tả Thuý Kiều, Nguyễn Du tập trung vào đôi mắt - cửa sổ tâm hồn - cũng là điểm sinh động nhất, cuốn hút nhất trên gương mặt người đẹp:

Làn thu thuỷ nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.

Vẫn những hình ảnh ước lệ nhưng không sáo mòn; ngược lại, dường như không còn gì hợp hơn để tả đôi mắt long lanh như nước hồ thu, nét mày thanh tú như dáng núi mùa xuân của Thuý Kiều. Quả là đôi mắt mà ai trông thấy một lần, ắt chẳng thể nào quên.

Sắc đẹp của Thuý Kiều khiến hoa phải ghen, liễu phải hờn. Theo quy luật, trên đời này, phàm cái gì tốt đẹp đều khó mà giữ được bền lâu. Thuý Kiều đẹp đến mức không ai có thể so sánh nổi:

Một hai nghiêng nước nghiêng thành,

Sắc đành đòi một tài đành hoạ hai.

Ngoài sắc đẹp hiếm có, Kiều còn là một cô gái đa tài, nhất là tài chơi đàn đạt đến mức tuyệt kĩ:

Thông minh vốn sẵn tính trời,

Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.

Cung thương làu bậc ngũ âm,

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.

Trong đời, ít người con gái nào có nhiều tài đến như vậy. Trong cách tả, Nguyễn Du đã hé lộ một dự cảm bất an về cuộc đời Kiều, Kiều ắt sẽ bị người đời ghen ghét và đày đoạ: Chữ tài liền với chữ tai một vần.

Tâm hồn mẫn cảm báo trước cho Kiều một tương lai đầy sóng gió. Điều đáng lo ngại ấy thấm đẫm trong từng nốt nhạc, từng câu chữ của thiên bạc mệnh mà Kiều đã soạn riêng cho mình:

Khúc nhà tay lựa nên chương,

Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân.

Đọc những dòng thơ Nguyễn Du tả Thuý Kiều, ta thấy rõ tình cảm yêu mến, trân trọng mà tác giả dành cho nhân vật chính trong tác phẩm. Vẻ đẹp của Thuý Kiều ẩn chứa tài năng, cùng với đức hạnh cao quý, tâm hồn phong phú và một thành tâm thiện ý. Đó là sự hội tụ cao nhất của vẻ đẹp mặn mà về hình thức và sắc sảo về trí tuệ, tạo nên chân dung bất hủ của người con gái tài sắc vẹn toàn.

Trong đoạn trích Cảnh ngày xuân, nghệ thuật tả cảnh của Nguyễn Du cũng đạt đến trình độ điêu luyện. Nhắc đến mùa xuân là nhắc tới hình ảnh của chim én chao liệng như thoi đưa giữa bầu trời trong xanh, cao rộng:

Ngày xuân con én đưa thoi,

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.

Câu thơ trên còn mang ý nghĩa ngày xuân thấm thoắt qua mau. Tháng giêng, tháng hai đã hết, bước sang tháng ba với tiết Thanh minh tảo mộ, đâu đâu cũng tràn ngập màu sắc ngời ngời sức sống của mùa xuân:

Cỏ non xanh tận chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Tưởng chừng như màu xanh bát ngát của cỏ non nối liền với sắc xanh vời vợi của bầu trời, làm mát mắt và mát cả tâm hồn khách du xuân. Trên cái phông nền tươi xanh ấy, nổi lên sắc trắng tinh khôi của mấy đoá hoa lê vừa nở. Nguyễn Du đã nắm rất vững nghệ thuật hội hoạ. Bức tranh thiên nhiên mùa xuân mà ông miêu tả có xa và gần, cao và thấp, có diện và điểm, có động và tĩnh... Màu sắc vừa tương phản vừa hài hoà. Đường nét thanh tú, uyển chuyển, hình ảnh đẹp đẽ có khả năng gợi tả, gợi cảm cao. Chỉ bằng hai câu thơ lục bát mà thi hào đã thể hiện được một cách thần tình sức sống mạnh mẽ của mùa xuân. Ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du đã dệt nên bức tranh xuân tuyệt mĩ bằng ngôn ngữ thơ ca. Quả đúng là “thi trung hữu hoạ”.

Không gian mênh mông, khoáng đãng, tiết xuân mát mẻ, êm đềm, cảnh xuân phơi phới, tươi đẹp... rất hợp với nhu cầu giao cảm tâm linh. Sự cách biệt giữa hai thế giới âm dương hầu như đã bị xoá nhoà bởi nhịp sống rộn ràng, náo nức:

Gần xa nô nức yến anh,

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.

Dập dìu tài tử giai nhân,

Ngựa xe như nước áo quần như nêm...

Hoà giữa dòng người đông đúc ấy, ba chị em Thuý Kiều cùng nhau thưởng ngoạn thiên nhiên và tâm hồn cũng phơi phới niềm vui. Nhưng nói như Nguyễn Du: Ngày vui ngắn chẳng tày gang. Ánh thiều quang rực rỡ của ngày xuân nhanh chóng lụi tàn, nhường chỗ cho bóng tà dương:

Tà tà bóng ngả về tây,

Chị em thơ thẩn dang tay ra về.

Bước dần theo ngọn tiểu khê,

Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.

Nao nao dòng nước uốn quanh,

Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

Đọc kĩ, chúng ta sẽ nhận ra một điều là bức tranh mùa xuân mà Nguyễn Du miêu tả không chỉ đơn thuần là cảnh thực mà còn là bức tranh tâm cảnh được nhìn qua đôi mắt đầy tâm trạng của Thuý Kiều.

Đang sống trong chốn: Êm đềm trướng rủ màn che, lần đầu tiên chị em Thuý Kiều làm một cuộc “viễn du” nhân tiết Thanh minh. Tất nhiên, mọi điều được chứng kiến đối với Thuý Kiều đều mới lạ. Từ cảnh: Gần xa nô nức yến anh..., đến cảnh: Dập dìu tài tử giai nhân, Ngựa xe như nước, áo quần như nêm... mang lại cho nàng cảm giác ngỡ ngàng, thích thú và tâm hồn người con gái mới bước vào tuổi cài trâm cũng háo hức, xốn xang.

Những phút vui không dài. Lúc hoàng hôn, nắng đã nhạt nhoà và người đã thưa vắng thì Thuý Kiều bỗng dưng rơi vào trạng thái bâng khuâng khó tả trước cảnh: Nao nao dòng nước uốn quanh, Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang. Có một cái gì đó u uẩn, kì bí dẫn dắt bước chân nàng đến với điềm báo trước số mệnh đoạn trường. Đó là mả Đạm Tiên - một kĩ nữ Nổi danh tài sắc một thì. Ngôi mộ ấy giờ đây chỉ là: Sè sè nắm đất bên đường, Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh, không ai thăm viếng, lạnh lẽo khói nhang. Cũng chính tại chỗ này, Thuý Kiều đã nghe Vương Quan kể về Đạm Tiên và số kiếp người con gái tài hoa bạc mệnh ấy bắt đầu vận vào cuộc đời Thuý Kiều.

Nguyễn Du tả cảnh ngụ tình. Cảnh buồn hay vui là tuỳ thuộc vào tâm trạng con người. Dù tả thực hay ước lệ, Nguyễn Du cũng vẫn giữ vững nguyên tắc mà ông đã đúc kết trong nhận định: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!