I. DÀN Ý.
1. Mở bài:
- Giới thiệu sơ lược về Nguyễn Du và Truyện Kiều.
- Tác giả nhận xét về nhân vật Thuý Kiều: Người sao hiếu nghĩa đủ đường.
2. Thân bài:
a/ Phân tích và chứng minh Thuý Kiều là người con hiếu thảo:
- Dẫu là phận gái nhưng Thuý Kiều ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình là người con lớn, chỗ dựa đáng tin cậy của cha mẹ và các em.
- Trong cơn gia biến, Thuý Kiều rơi vào bi kịch: Bên tình, bên hiếu, bên nào nặng hơn? Nàng chấp nhận hi sinh chữ tình để đáp đền chữ hiếu:
Để lời thệ hải minh sơn,
Làm con trước phải đền ơn sinh thành.
- Biểu hiện cao nhất của lòng hiếu thảo ở Kiều là hành động bán mình chuộc cha.
- Suốt quãng đời truân chuyên lưu lạc, lúc nào trong lòng Kiều cũng canh cánh nỗi xót xa, tưởng vọng về cha già mẹ yếu; tủi phận làm con không được gần gũi, chăm sóc mẹ cha:
Nhớ ơn chín chữ cao sâu,
Một ngày một ngả bóng dâu tà tà...
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
- Hi vọng được đoàn tụ gia đình, gặp lại cha mẹ và các em đã trở thành nguồn an ủi và sức mạnh giúp Kiều bao phen vượt qua giông tố của cuộc đời.
- Hân hoan và cảm động khôn cùng trong ngày hội ngộ: Trông xem đủ mặt một nhà, Xuân già còn khoẻ, huyên già còn tươi. (Ý chỉ những người thân trong gia đình đều có mặt đầy đủ và quý nhất là cha mẹ đều còn khoẻ mạnh.)
b/ Phân tích và chứng minh Thuý Kiều là người rất trọng đạo nghĩa ở đời:
+ Đối với Kim Trọng:
- Thuý Kiều và Kim Trọng đã thề nguyền vàng đá:
Vầng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai miệng một lời song song.
- Trong cơn vật vã đau đớn trước lúc bán mình cho Mã Giám Sinh, nàng tha thiết gọi người yêu là Kim lang, coi chàng đã thực sự là chồng của mình, rồi tự trách: Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!
- Thuý Kiều cố quên nỗi khổ tâm ghê gớm của bản thân để nghĩ cách đáp đền nghĩa tình với Kim Trọng. Nàng năn nỉ Thuý Vân thay mình nối duyên với chàng: Giữa đường đứt gánh tương tư, Giao loan chắp mối tơ thừa mặc em... Ngày xuân em hãy còn dài, Xót tình máu mủ thay lời nước non...
+ Đối với những ân nhân khác:
Trong quãng đời mười lăm năm lưu lạc, Kiều nhiều lần gặp được người tốt bụng sẵn lòng cưu mang giúp đỡ nàng trong cơn hoạn nạn (Kiều Nhi, sư Tam Hợp, vãi Giác Duyên, Thúc Sinh...). Khi có điều kiện, Thuý Kiều nghĩ ngay đến việc đền ơn đáp nghĩa một cách đầy đủ và trân trọng. Nàng nhờ Từ Hải cho quân lính đi khắp nơi mời họ tới: Thoắt đưa tới trước, vội mời lên trên... Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân, Tạ lòng dễ xứng báo ân gọi là... Dù đã tạ ơn rất hậu hĩnh, nàng vẫn tự nhủ lòng phải khắc cốt ghi xương công lao của họ. Điều đó càng khẳng định Kiều là người rất trọng nghĩa tình.
3. Kết bài:
Nguyễn Du viết Truyện Kiều với cảm hứng chủ đạo là thân phận con người và với mục đích xây dựng nhân vật Thuý Kiều như một tượng trưng cho tất cả những gì là đẹp, là tinh hoa của con người. Hơn hai trăm năm qua, nhân vật Thuý Kiều đã từ trong trang sách bước ra cuộc đời. Nàng được người đọc yêu mến, xót xa và thông cảm bởi chính phẩm chất cao quý của nàng: một con người đầy nghĩa tình và hiếu hạnh.
II. BÀI LÀM
Nguyễn Du là một nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa sâu sắc, hết lòng thương yêu con người và căm ghét, lên án những thế lực hắc ám, tàn bạo chà đạp con người trong xã hội phong kiến đương thời. Truyện Kiều của Nguyễn Du nói về nỗi đau đớn của người con gái tài sắc vẹn toàn Vương Thuý Kiều trong giai đoạn suy tàn của chế độ phong kiến.
Có thể nói nhà thơ đã dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho nhân vật này qua lời nhận xét đầy thán phục: Người đâu hiếu nghĩa đủ đường. Quả thật dưới ngòi bút thiên tài Nguyễn Du, nhân cách cao cả của Thuý Kiều dẫu giữa chốn bùn nhơ vẫn lung linh toả sáng.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung lưu nề nếp, từ nhỏ Thuý Kiều đã được thụ hưởng một nền giáo dục khá đầy đủ và kĩ lưỡng. Dẫu là phận gái nhưng nàng có nhận thức rất rõ ràng về vai trò và trách nhiệm của mình đối với cha mẹ và các em. Trong cơn vạ gió tai bay bất kì, tổ ấm gia đình nàng phút chốc tan thành mây khói bởi bàn tay tham lam của lũ quan nha độc ác và một bầy ruồi xanh tanh tưởi. Trước cảnh cha và em bị tra tấn dã man: Giường cao rút ngược dây oan, Dẫu là đá cũng nát gan lọ người, trái tim đa cảm của Kiều rướm máu. Nhà cửa bị tàn phá, của cải bị cướp bóc đến sạch sành sanh, hỏi nàng kiếm đâu ra ba trăm lạng để chuộc tính mạng cho cha và em ra khỏi nanh vuốt của bầy lang sói?!.
Suốt một đêm trường, Thuý Kiều vật vã trong nỗi đau của gia đình và bản thân, trăn trở dằn vặt với câu hỏi xé lòng: Bên tình, bên hiếu, bên nào nặng hơn? Rồi tự trả lời sau khi đã cân nhắc mọi bề: Để lời thệ hải minh sơn, Làm con trước phải đền ơn sinh thành.
Tình yêu trong sáng, thắm thiết đầu đời, lời thề nguyền vàng đá sắt son thiêng liêng với chàng Kim có Vầng trăng vằng vặc giữa trời chứng giám; trái ngọt hạnh phúc lứa đôi đã trong tầm tay... Tất cả, tất cả trong phút chốc đã vỡ tan trước hiện thực đen tối, phũ phàng bất ngờ phủ chụp lên gia đình nàng, lên thân phận liễu yếu đào tơ của nàng. Tác giả miêu tả nỗi đau thương tột đỉnh của Thuý Kiều bằng ngòi bút dường như thấm máu và nước mắt, khiến người đọc rưng rưng xót xa, cảm phục và bàng hoàng trước nghĩa cử lớn lao của nàng:
Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha!
Nghĩa cử ấy đã tôn vinh phẩm giá Thuý Kiều mãi mãi, cho dù suốt mười lăm năm lưu lạc, nàng bị đoạ đày trong chốn bùn nhơ. Nguyễn Du đã chân thành khẳng định: Như nàng lấy hiếu làm trinh, Bụi nào cho đục được mình ấy vay? Thuý Kiều đúng là một hiếu tử đáng khâm phục trong lịch sử cổ kim. Đạo hiếu của nàng là bài học thấm thía có ý nghĩa muôn đời.
Có thể nói đạo lí nhân nghĩa luôn được Thuý Kiều coi là điểm tựa cho mọi suy nghĩ và hành động của nàng trong suốt cuộc đời. Bán mình chuộc cha, cứu cả gia đình qua cơn nguy biến, đó là nghĩa cử cao quý đầu tiên của người con gái tài sắc Thuý Kiều.
Chữ hiếu đã được đáp đền, còn chữ tình chữ nghĩa với chàng Kim?! Sóng gió của gia đình đã tạm yên nhưng sóng gió trong lòng Kiều lại nổi lên dữ dội hơn bao giờ hết. Còn gì đau đớn, ngang trái, éo le bằng cảnh:
Thề hoa chưa ráo chén vàng,
Lỗi thề thôi đã phụ phàng với hoa!
Quên nỗi bất hạnh của riêng mình, Kiều chỉ xót xa cho người yêu đang ở tận chốn chân mây cuối trời. Chàng có hay chăng, chỉ sau đêm nay thôi, ngày mai nàng đã rơi vào tay kẻ khác? Hi vọng như chim liền cánh, như cây liền cành đã trở nên vô vọng. Thảm thương thay cho duyên phận của đôi trai tài gái sắc đã bị những thế lực hắc ám trong xã hội đẩy vào cảnh trâm gãy bình tan!
Thuý Kiều chấp nhận hi sinh tình yêu và hạnh phúc cá nhân vì chữ hiếu, đồng thời nàng cũng muốn bù đắp nỗi thiệt thòi của chàng Kim bằng cách nhờ em gái là Thuý Vân thay mình trả món nợ tình cho chàng. Với nàng, món nợ ấy quá lớn:
Nợ tình chưa trả cho ai,
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan.
Chính vì vậy mà nàng đã có những lời nói, hành động khiến người đọc ngỡ ngàng và xúc động khôn cùng:
Cậy em em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Giữa đường đứt gánh tương tư,
Giao loan chắp mối tơ thừa mặc em.
Lời nói của Kiều chân thành, thiết tha và đầy nước mắt:
Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ thay lời nước non.
Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.
Kiều khẩn nài em gái hãy vì tình ruột thịt mà thay nàng đáp nghĩa với chàng Kim. Có như thế nàng mới đỡ day dứt và yên tâm phần nào để cất bước dấn thân vào con đường gập ghềnh sóng gió, vào tương lai bấp bênh, bất trắc của thân phận lẽ mọn, chắc chắn là đầy tủi nhục nơi đất khách quê người. Nghĩa cử này một lần nữa bộc lộ đức hi sinh và lòng vị tha tột bậc của Thuý Kiều.
Suốt mười lăm năm lưu lạc: Khi Vô Tích, khi Lâm Tri, Nơi thì lừa đảo nơi thì xót thương, Kiều đã rơi vào tay lũ bán thịt buôn người tàn ác Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh; bị đoạ đày trong cảnh dấm chua, lửa nồng, ngứa ghẻ hờn ghen của ả tiểu thư họ Hoạn (vợ cả Thúc Sinh); phải nếm trải nỗi tủi nhục của đời kĩ nữ chốn lầu xanh: Dập dìu lá gió cành chim, Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Tràng Khanh và thấm thía nỗi cô đơn sầu tủi: Khi tỉnh rượu lúc tàn canh, Giật mình, mình lại thương mình xót xa... ở lầu Ngưng Bích.
Tuy sóng gió dập vùi liên tiếp nhưng Thuý Kiều chưa thể chết, bởi nàng Xem ra trong số đoạn trường có tên. Trong đêm đen dằng dặc, một đôi lần ánh sáng của niềm tin và hạnh phúc chiếu rọi số phận nàng nhưng yếu ớt, mong manh, thoáng qua rồi vụt tắt. Tuy vậy, nỗi khổ của Thuý Kiều cũng vơi bớt ít nhiều trước những tấm lòng nhân từ, thuần hậu của Kiều Nhi chốn lầu xanh, vãi Giác Duyên, sự Tam Hợp nơi am cỏ...
Lúc chia sẻ vinh hoa phú quý cùng Từ Hải, điều đầu tiên Thuý Kiều nghĩ đến là việc báo ân. Những ân nhân của nàng đều được nàng trân trọng báo đền ơn nghĩa: Thoắt đưa đến trước vội mời lên trên... Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân, Tạ lòng dễ xứng báo ân gọi là... Riêng đối với Thúc Sinh, người vì say đắm tài sắc của nàng mà chuộc nàng ra khỏi lầu xanh lần thứ nhất rồi cưới nàng làm vợ lẽ; sau đó vì sợ những cơn ghen ghê gớm của Hoạn Thư (vợ cả) mà nỡ bỏ rơi nàng trong cơn khốn quẫn, thì nàng cũng chỉ nghĩ đến ơn nghĩa của chàng và đáp đền chu đáo. Tấm lòng tri ân chân thành ấy bắt nguồn từ trái tim chứa chan tình nghĩa của Kiều.
Nguyễn Du viết Truyện Kiều với cảm hứng chủ đạo là thân phận con người và mục đích của ông xây dựng nhân vật Thuý Kiều như một tượng trưng cho tất cả những gì là đẹp đẽ, là tinh hoa của con người. Hơn hai trăm năm đã trôi qua, nhân vật Thuý Kiều từ trong trang sách bước ra cuộc đời. Người đọc bao thế hệ yêu mến, xót xa và thương cảm không chỉ bởi tài sắc vẹn toàn mà còn bởi chính phẩm cách cao quý của nàng, một con người đầy tình nghĩa và hiếu hạnh.