I. DÀN Ý
1. Mở bài:
- Chuyện xảy ra vào thời kì nào? Ở đâu? (Ngày xưa, ở vùng Nam Xương.)
- Nhân vật chính là ai? (Vũ Thị Thiết.)
2. Thân bài:
* Diễn biến câu chuyện:
- Chiến tranh xảy ra, Trương Sinh phải đi lính, xa mẹ già, vợ trẻ.
- Vũ Nương thay chồng đảm đang công việc gia đình, chăm sóc mẹ già, nuôi dạy con nhỏ.
- Nàng giữ gìn ý tứ, không để xảy ra điều tiếng gì, một lòng một dạ chờ chồng.
- Đêm đêm, nàng bế con rồi chỉ vào bóng mình in trên vách, nói đùa : Cha Đản về kìa!
- Năm sau, Trương Sinh trở về. Nghe con hỏi: “Ơ hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư?” liền sinh nghi và nổi cơn ghen tuông, giận dữ.
- Vũ Nương thanh minh hết cách, Trương Sinh không tin. Vũ Nương đành gieo mình xuống sông tự vẫn.
- Tấm lòng trong sạch của nàng được Trời chứng giám. Nàng được các tiên nữ đưa về sống với Linh Phi dưới Thuỷ cung.
- Tuy đầy đủ, sung sướng nhưng Vũ Nương không nguôi nhớ chồng con.
- Vợ chết, Trương Sinh đau khổ không nguôi. Một đêm, đứa con chỉ bóng chàng trên vách và nói: “Cha Đản lại về kìa!”. Trương Sinh chợt hiểu ra sự thật, vô cùng đau đớn và ân hận nhưng đã quá muộn.
- Chàng ra bờ sông, nhìn thấy Vũ Nương ngồi trên kiệu nhấp nhô giữa dòng, chỉ được nghe tiếng nàng chứ không được gặp. Vũ Nương không thể trở về cõi trần được nữa.
3. Kết bài:
- Chuyện người con gái Nam Xương là một câu chuyện cảm động và hấp dẫn.
- Bài học rút ra từ câu chuyện bi thương này là vợ chồng phải tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau thì hạnh phúc gia đình mới được trọn vẹn. Sự ghen tuông mù quáng chỉ đem lại đau khổ, mất mát mà thôi.
II. BÀI LÀM
Ngày xửa ngày xưa, ở vùng Nam Xương có Vũ Thị Thiết là người con gái tài sắc vẹn toàn. Nàng kết duyên cùng Trương Sinh, con một gia đình khá giả. Chiến tranh xảy ra, Trương Sinh phải sung vào lính. Chàng đành dứt áo chia tay với mẹ già, vợ trẻ để lên đường ra trận. Trong phút tiễn đưa, mẹ già gạt nước mắt dặn con hãy cẩn trọng giữ mình nơi hòn tên mũi đạn.
Trương Sinh đi lính được ít lâu thì Vũ Nương sinh ra đứa con trai bụ bẫm, khối ngô. Có đứa bé, cảnh nhà đỡ hiu quạnh. Một mình Vũ Nương đảm đang gánh vác mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà. Nàng siêng năng làm lụng, hết lòng chăm sóc mẹ già, dạy dỗ con nhỏ và đoan trang giữ gìn ý tứ, không để xảy ra điều tiếng gì. Mọi người trong vùng đều khen Vũ Nương là một nàng dâu hiền thảo.
Vì quá thương nhớ con trai nên mẹ chồng Vũ Nương lâm bệnh nặng rồi qua đời. Vũ Nương lo cho bà mồ yên mả đẹp và thờ cúng bà chu đáo. Căn nhà vốn đã rộng nay như càng rộng thêm bởi chỉ còn có hai mẹ con Vũ Nương lủi thủi ra vào. Đêm đêm, nàng thắp đèn cho sáng rồi ôm con vào lòng, chỉ bóng mình in trên vách mà nói đùa rằng: “Cha Đản về kìa!”. Đứa bé tin là thật.
Ít năm sau, nạn giặc giã đã được dẹp yên, Trương Sinh sống sót trở về quê. Biết tin mẹ đã mất, chàng bế con ra mộ mẹ thắp nhang. Đứa con quấy khóc, chàng dỗ dành: “Nín đi Con, đừng khóc. Cha về, bà đã mất, lòng cha buồn khổ lắm rồi”. Đứa con nhìn chàng đăm đăm rồi hỏi: “Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít”.
Vốn sẵn tính đa nghi, Trương Sinh cho rằng vợ có tư tình với người đàn ông khác trong khi mình vắng nhà nên đùng đùng nổi giận, gọi Vũ Nương tra hỏi. Nàng thanh minh, giải thích thế nào Trương Sinh cũng không tin và trách mắng nàng thậm tệ. Vũ Nương vừa tủi thân vừa đau khổ tột cùng. Nàng thề trước đất trời, mong đất trời chứng giám cho tấm lòng trong sạch của mình rồi nhảy xuống sông tự vẫn. Các tiên nữ thương xót, đưa nàng về Thuỷ cung chung sống với Linh Phi. Cuộc sống sung sướng, nhàn hạ ở đây không thể làm cho Vũ Nương nguôi nhớ chồng con.
Từ sau ngày vợ mất, Trương Sinh lâm vào cảnh gà trống nuôi con. Một đêm, chàng ôm con vào lòng, ngồi trước ngọn đèn hiu hắt. Bóng chàng in trên vách chập chờn lay động. Đứa con vui thích vỗ tay reo: “Cha Đản lại đến kia kìa!” Trương Sinh chợt hiểu ra tất cả. Chàng vò đầu bứt tai than khóc, tự trách mình sao quá nhẫn tâm, dẫn đến cái chết bi thương của người vợ hiền thục, đảm đang. Đêm ấy, hồn Vũ Nương hiện về báo mộng rằng chiều tối ngày mai, Trương Sinh hãy bế con ra bờ sông để vợ chồng, mẹ con gặp nhau.
Trương Sinh làm theo đúng lời dặn của Vũ Nương. Chàng dõi mắt nhìn ra xa, chỉ thấy chiếc kiệu sơn son trên có Vũ Nương ngồi, xung quanh có rất nhiều tiên nữ cứ thấp thoáng ẩn hiện giữa dòng. Văng vẳng trong gió là tiếng nói quen thuộc, tha thiết của Vũ Nương: “Thiếp xin chàng hãy cố gắng nuôi dạy cho con trai của chúng ta khôn lớn, trưởng thành. Thiếp luôn nhớ tới hai cha con nhưng không thể trở về cõi trần được nữa! Chuyện đã qua rồi, chàng đừng phiền muộn làm chi mà tổn hao sức khoẻ! Chào chàng, thiếp đi đây !”.
Trương Sinh đau đớn như đứt từng khúc ruột. Chàng lấy tay áo lau nước mắt và bàng hoàng khi thấy tất cả đã biến mất, chỉ còn dòng sông lặng lẽ chảy về biển cả trong bóng chiều đang sẫm lại.
Nhân dân trong vùng lập đền thờ Vũ Nương ngay bên bờ sông để tưởng nhớ đến nàng; lấy cái chết bi thảm của nàng nhắc nhở rằng vợ chồng phải yêu thương, tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau thì mới có được cuộc sống hạnh phúc dài lâu.