CÁC ĐỀ TIÊU BIỂU

1. Hãy xác định thể loại của tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Từ đó, anh (chị) thấy cần phải lưu ý điều gì khi tìm hiểu tác phẩm này?

2. Dưới ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương đã hiện lên với vẻ đẹp như thế nào?

3. Có ý kiến cho rằng trong bút kí này, Hoàng Phủ Ngọc Tường có cách ví von, so sánh rất sáng tạo, bất ngờ, hấp dẫn người đọc.

Anh (chị) hãy tìm một số câu văn có cách ví von, so sánh đó và lí giải sức hấp dẫn của chúng.

4. Qua Ai đã đặt tên cho dòng sông?, anh (chị) hiểu gì về tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường? Hãy phát biểu chủ đề của bài bút kí này.

GỢI Ý LÀM BÀI

1. Ai đã đặt tên cho dòng sông? Trước hết được coi là tác phẩm bút kí (gọi tắt là bài kí). Bút kí thường không sử dụng hư cấu vào việc phản ánh hiện thực mà “ghi lại những con người thực và sự việc và nhà văn đã tìm hiểu, nghiên cứu cùng với những cảm nghĩ của mình nhằm thể hiện một tư tưởng nào đó. Sức hấp dẫn và thuyết phục của bút kí tùy thuộc vào tài năng, trình độ quan sát, nghiên cứu, khám phá, diễn đạt của tác giả đối với các sự kiện được đề cập đến” (Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (đồng Chủ biên), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2004). Tuy vậy, Ai đã đặt tên cho dòng sông? Là một bài kí giàu chất tùy bút, thậm chí có thể coi là tùy bút. Tùy bút theo cách định nghĩa của Nguyễn Tuân là lối văn “độc tấu”, trong đó nhân vật chính là cái tôi cá nhân, cá thể của tác giả. Và vì thế xét đến cùng, cái tôi này phải có phải có những phẩm chất nào đó mới tạo nên sức hấp dẫn của thiên tùy bút.

Từ những điều trên đây, chúng ta có thể khẳng định, muốn phát hiện được cái hay, cái đẹp của tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông?, cần thấy được sự độc đáo, sự sắc sảo thông minh, vốn văn hóa, sự lịch lãm từng trải, tâm hồn nhạy cảm, tinh tế và cách sử dụng ngôn ngữ điêu luyện của Hoàng Phủ Ngọc Tường thể hiện qua bài kí.

2. Với sự tinh tế của một nghệ sĩ, với tình yêu thiết tha sông Hương và xứ Huế, với sự hiểu biết tường tận về dòng sông này, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã diễn tả thành công vẻ đẹp kiều diễm của Hương Giang, cố đô Huế. Trước hết, đây là một dòng sông có vẻ đẹp “phong khoáng và man dại”. Khi chảy qua lòng dãy Trường Sơn, sông Hương tựa như “một bản trường ca của rừng già”. Nó “rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác”. Bên cạnh vẻ đẹp “man dại”, huyền bí ấy, sông Hương còn là một dòng sông thơ mộng, “dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”. Chỉ chảy qua thành phố Huế, màu sắc Hương giang thay đổi theo mỗi thời điểm trong ngày: “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”. Nó mang vẻ đẹp kín đáo “trầm mặc” khi uốn lượn vòng qua ngoại ô xứ Huế để rồi “mơ màng” trong sương khói bảng lảng qua những khu vườn xanh mướt những khóm tre và bụi trúc của thôn Vĩ Dạ nên thơ.

Hơn nữa, vẻ đẹp của Hương giang không chỉ được phát hiện và diễn tả trong cảnh sắc thiên nhiên mà còn luôn được nhìn dưới góc độ văn hóa, lịch sử. Hoàng Phủ Ngọc Tường ví sông Hương "như một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya”. Theo ông, “toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế đã được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này”. Nhà văn nhắc tới thi hào Nguyễn Du, người đã từng làm quan ở xứ Huế. Ngay từ đầu bài kí, tác giả đã đưa người đọc vào không khí văn hóa cổ kính: “Tôi ngồi đọc Kiều dưới mái rêu phong của chiếc cổng vòm quay mặt ra sông”. Bởi vậy, nhà văn hoàn toàn có lí khi đưa ra chi tiết đầy gợi cảm: Tác giả Truyện Kiều đã bao đêm đi thuyền, nghe nhạc và ngắm “phiến trăng sầu” trên sông Hương. Ở đây, sự liên tưởng của tác giả dựa theo những nét gần gũi giữa cảnh và người trong Truyện Kiều với cảnh và người của sông Hương xứ Huế.

Ngoài đời, sông Hương vốn tươi đẹp, thơ mộng, khi vào trang sách của Hoàng Phủ Ngọc Tường, con sông này còn thơ mộng và tươi đẹp gấp bội phần qua những liên tưởng, so sánh tài hoa của người nghệ sĩ. Nhà văn ví Sông Hương như một thiếu nữ với những nét tính cách tưởng chừng đối lập nhau, vừa có chất “man dại”, “phóng khoáng” vừa “tế nhị”, vừa rất mực đa tình nhưng cũng tuyệt vời chung tình, trang điểm và vẫn kín đáo,...

3. Trong bút kí này, đúng là Hoàng Phủ Ngọc Tường có những cách ví von, so sánh, liên tưởng sáng tạo bất ngờ, hấp dẫn người đọc. Chẳng hạn như:

- “Phía đó, nơi cuối đường, nó (sông Hương - NBS) đã nhìn thấy chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non".

Ai đã đến Huế ít nhiều đều có ấn tượng về cây cầu Tràng Tiền có hình dáng khá đặc biệt: như những chiếc lược xếp liền nhau (Cầu cong như chiếc lược ngà – Sông dài mái tóc cung nga buông hờ – Nguyễn Bính, vài nét Huế). Và có lẽ vì vậy, ai đi thuyền trên sông Hương từ xa nhìn về phía cầu Tràng Tiền đều thấy cây cầu “in ngần trên nền trời” - chân trời. Và tác giả ví von ấy trước hết là lột tả rất đúng hình dáng độc đáo của cầu Tràng Tiền, nhưng có lẽ điều quan trọng hơn là nó đã gợi được sự thanh mảnh, dịu dàng, thơ mộng của sông Hương, của xứ Huế.

- “ Giáp mặt thành phố ở cồn Giã Viên, sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến Cồn Hến, đường cong ấy làm cho sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu”.

Như nhiều người đều biết, phần sông Hương chảy qua thành Phố Huế có đoạn dòng sông uốn lượn tạo thành một cánh cung. Như vậy, trước hết câu văn trên đã tả rất đúng dòng chảy của sông Hương đoạn từ cồn Giã Viên đến Cồn Hến. Nhà văn ví dòng chảy ấy, đường cong ấy, “như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu”. Đây là cách ví von độc đáo, sáng tạo. Câu văn viết về dòng sông nhưng không chỉ nói được về dòng sông mà còn nói được về con người – những cô gái Huế dịu dàng, thướt tha, đa tình mà e lệ, kín đáo. Khi đã yêu, họ có ngôn ngữ riêng. Một ánh mắt, một nụ cười,... có thể là tín hiệu của sự thuận tình, đâu có phải lúc nào cũng cần đến tiếng “vâng”.

4. Qua tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông?, ta có thể nhận thấy Hoàng Phủ Ngọc Tường là một nhà văn tài hoa, tinh tế, có trí tưởng tượng lãng mạn bay bổng và không kém phần uyên bác. Đặc biệt, đây là con người có hiểu biết tường tận, gắn bó máu thịt và yêu mến thiết tha xứ Huế. Dường như ông có nét gần gũi với Nguyễn Tuân – một bậc thầy của thể tùy bút, bút kí.

Bằng tác phẩm này, nhà văn đã phát hiện và ngợi ca vẻ đẹp thơ mộng của dòng sông Hương, của thiên nhiên Huế, đặc sắc văn hóa, lịch sử của xứ Huế và tâm hồn dịu dàng đáng quý, đáng yêu của người xứ Huế.