BÀI LÀM

Theo dòng hồi tưởng từ quá khứ đến hiện tại, tôi có nhiều cảm nghĩ về khung cảnh, cuộc sống Hà Nội và tính cách, phẩm chất con người Hà Nội. Tôi đã sống với Hà Nội qua nhiều thời đoạn, nhiều chặng đường của hiện thực đất nước, tôi thấy “thời nào nó cũng đẹp, một vẻ đẹp riêng cho một lứa tuổi”. Năm 1955, khi cùng đồng đội về tiếp quản Thủ đô, tôi còn trẻ lắm, “mới hăm bốn hai nhăm cái xuân xanh”, tôi thấy Hà Nội thật đẹp ở cái vẻ ngoài rực rỡ náo nhiệt, với bao nhiêu “phố phường”, lung linh “ánh điện”, những rạp “chiếu bóng, cải lương”, những “cái chợ đông người giữa ban ngày”... Năm tháng qua đi, khi đã có tuổi, tôi lại thấy Hà Nội đẹp ở vẻ trầm mặc, cổ kính. Từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội đúng dịp giáp Tết, trời rét “mưa rây lả lướt”, nhìn cô Hiền, một người “thuần túy Hà Nội”, đang lau đánh cái bát bày thủy tiên, tôi “thấy Tết quá, Hà Nội quá, muốn ở thêm ít ngày ăn lại một cái Tết Hà Nội”. Tôi còn thấy Hà Nội đẹp ở sức sống bên trong mãnh liệt, trường tồn, như cây si cổ thụ ở đền Ngọc Sơn “tưởng là chết đứt bổ ra làm củi, mà lại sống”. Đặt biệt, với tôi, Hà Nội đẹp nhất ở những con người hào hoa, có bản lĩnh văn hóa, tinh tế trong ứng xử nhưng cũng đầy nghị lực kiên cường, thiết tha yêu Thủ đô, yêu đất nước thân thương. Đó là cô Hiền của tôi, cô làm hoa giấy rất khéo, kiên nhẫn dạy con từ những việc làm nhỏ nhất “cách ngồi, cách cầm bát đũa, cách múc canh, cả cách nói chuyện trong bữa ăn” đến cái lớn nhất là quan niệm sống, lẽ sống: “Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng nói năng phải có chuẩn, không được sống tùy tiện, buông tuồng. Tao chỉ dạy cho chúng nó biết tự trọng, biết xấu hổ..” Đó là Dũng, đứa con trai đầu mà cô Hiền rất yêu quý, anh đã sống đúng với những lời mẹ dạy về cách sống. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt, vừa tốt nghiệp trung học, anh “tình nguyện đăng kí xin đi đánh Mĩ”. Anh đã chiến đấu suốt mười năm và đã trở về, nhưng có bao đồng đội của anh không có mặt trong ngày toàn thắng. Trong số 660 thanh niên ưu tú của Hà Nội lên đường cùng Dũng ngày ấy, “bây giờ còn lại khoảng trên dưới bốn chục”, hơn 600 người đã hiến dâng tuổi xuân của mình cho ngày hạnh phúc hôm nay của đất nước. Tôi còn nhớ tới chú tôi, chồng cô Hiền, một người thật hiền lành, điềm đạm, nhớ tới anh bếp và chị vú, hai vợ chồng thật mộc mạc mà tình nghĩa, nhớ tới những người bạn của chú tôi, những người thật phong nhã hào hoa,... Cũng có những người Hà Nội khác khiến mỗi khi nhớ lại, tôi cảm thấy “không mấy vui vẻ”. Đó là “ông bạn trẻ đạp xe như gió” đã làm xe người ra suýt đổ, lại còn phóng xe vượt qua rồi lại chửi: “Tiên sư cái anh già”. Đó là những người mà tôi quên đường phải hỏi thăm, “có người trả lời, là nói sẵng hoặc hất cằm, có người cứ giương mắt nhìn mình như nhìn con thú lạ.” Hà Nội còn phải làm rất nhiều điều để không còn những hạt bụi bẩn như thế trong lối sống, ứng xử văn hóa, để “đất kinh kì chói sáng những ánh vàng”.