GỢI Ý LÀM BÀI

Trong phần trích được học, lời văn được tổ chức thành những đoạn ngắn. Có đoạn gồm chục câu văn, đoạn vài câu, đoạn chỉ có một câu. Tuy vậy, các đoạn văn đó không tồn tại rời rạc mà có liên quan tất yếu với nhau bởi mạch ngầm nội dung xuyên suốt từ bên ngoài. Khi được ngắt ra thành từng đoạn ngắn, các ý cần diễn tả, thể hiện trở nên mạch lạc, sáng rõ, làm nổi bật những nét lớn của cục diện thời cuộc, những hoạt động chính của đất nước, những quyết sách sáng suốt của Đảng, Chính Phủ và Bác Hồ. Khung cảnh nước ta những ngày đầu sau Cách mạng thực sự là cảnh chiến trường ngổn ngang với bao kẻ thù, những khó khăn, tai ương chồng chất - nhận xét toàn cảnh ấy cần một cái nhìn rạch ròi, những nét phác họa chính xác, dứt khoát, từ đó nêu bật những hành động, những giải pháp đúng đắn. Thể hiện những ý tưởng ấy, các đoạn văn ngắn còn hợp với văn phong của một vị tướng, một người chỉ huy quân sự tài ba, quen với cái nhìn chiến cuộc ở những nét tổng thể.

Sau đây là một đoạn văn tiêu biểu cho cách viết đó của tác giả:

“Hạnh phúc mà Người muốn đem lại cho dân là một niềm hạnh phúc trọn vẹn. Hạnh phúc đó không chỉ ở những thành quả mà hôm nay cách mạng vừa đem lại cho toàn dân. Hạnh phúc đó còn đang tiếp tục đến với nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh để tiêu diệt tận cùng nguồn gốc mọi nỗi khổ đau của con người, xây dựng nên một xã hội mà mọi hiện tượng người bóc lột người đều hoàn toàn bị xóa bỏ. Trong cuộc đấu tranh vĩ đại ấy, Đảng và Hồ Chủ Tịch đã chọn cho nhân dân ta một con đường ngắn nhất”.

Đoạn văn đã nêu bật vấn đề cốt lõi của cách mạng, đó là cái mục đích lớn lao “hạnh phúc cho dân”. Đoạn văn này có liên quan tất yếu với đoạn văn trước đó nói về nội dung Tuyên ngôn Độc lập (khẳng định “Dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”) và đoạn văn sau đó nói về việc giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền (những việc để đem lại “hạnh phúc cho dân”). Với tầm nhìn khái quát, tác giả thấy rõ “hạnh phúc cho dân” không chỉ có ở cuộc cách mạng vừa thắng lợi mà còn tiếp tục được khẳng định ở cuộc đấu tranh lâu dài để “tiêu diệt tận cùng nguồn gốc mọi nỗi khổ đau của con người”. Tác giả còn gợi mở “con đường ngắn nhất” để thực hiện lí tưởng của cuộc đấu tranh vĩ đại ấy (con đường đi lên chủ nghĩa xã hội). Một đoạn văn ngắn đã thể hiện những tư tưởng lớn một cách lôgic.