BÀI LÀM
1. MỞ BÀI
Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu nhất trong sáng tác của Quang Dũng và cũng là thành phần không thể thiếu trong bức tranh bằng thơ về người lính kháng chiến chống Pháp. Được viết năm 1948 khi Quang Dũng vừa rời xa đơn vị Tây Tiến một thời gian, bài thơ dạt dào những cảm tưởng xúc động, chân tình về một thời chinh chiến đầy gian lao khổ ải nhưng vô cùng anh dũng. Nét độc đáo nhất của bài thơ là cảm hứng lãng mạn và tính chất bi tráng. Cảm hứng lãng mạn thể hiện ở một “cái tôi” cảm xúc hay dùng thủ pháp tương phản, cường điệu để nhấn mạnh cái dữ dội, phi thường, tô đậm cái đẹp đẽ, mộng mơ. Còn tính chất bi tráng thể hiện ở chỗ bài thơ không lẩn tránh những gì bi thảm đau thương mất mát, đồng thời lại mang tới cho những cái bi thảm ấy âm hưởng hùng tráng của cuộc chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc.
2. THÂN BÀI
+ Mở đầu bài thơ, Quang Dũng gợi cảm xúc chung bằng nỗi nhớ, nhà thơ không tránh khỏi bao xúc động, bồi hồi như thốt lên, kêu lên để tưởng nhớ những kỉ niệm sâu sắc đã đi qua trong cuộc đời:
Sông Mã... chơi vơi
Nhà thơ gọi tên những gì quen thuộc, thân thiết nhất: đó là dòng sông Mã như hình ảnh tượng trưng cho tính chất thất thường, lúc hiền hòa, lúc dữ dội của thiên nhiên Tây Bắc, đó là đơn vị Tây Tiến gồm phần lớn những thanh niên Hà Nội đi chiến đấu. Chính Quang Dũng cũng đã cùng đoàn quân ấy trải qua bao tháng ngày đầy gian khổ hi sinh nhưng cũng thắm thiết tình đồng đội, nghĩa đồng bào. Do đó trong câu thơ thứ hai, điệp từ “nhớ” được nhắc lại hai lần như để nhấn mạnh, khắc sâu nỗi nhớ khôn nguôi. Quang Dũng còn rất tài hoa khi dùng hai chữ “chơi vơi” để gợi cảm giác mờ ảo, xa xôi của sự hồi tưởng cũng như tính chất bay bổng, lãng mạn của trí tưởng tượng. Điều đó phù hợp với nỗi nhớ từ miền đồng bằng lên miền cao xa vời (Quang Dũng nhớ về Tây Tiến và viết bài thơ này khi đang ở làng Phù Lưu Chanh thuộc tỉnh Hà Đông cũ).
+ Nếu trong hai câu đầu nỗi nhớ có phần chung chung, mờ ảo thì đến hai câu tiếp theo nỗi nhớ đã có phần cụ thể hơn làm hiện hình ngày càng rõ nét những kỉ niệm về đoàn binh Tây Tiến trên núi rừng Tây Bắc năm xưa:
Sài Khao... đêm hơi
Ở đây, tên những bản làng quen thuộc như Sài Khao, Mường Lát in đậm trong trí nhớ của nhà thơ cùng với những hình ảnh vừa hiện thực, vừa lãng mạn. Đoàn quân mỏi mệt đi trong buổi sáng mờ sương, đi trong đêm tối qua các bản làng dường như chỉ được cảm nhận bằng hương thơm của các loài hoa. Nhiệm vụ chiến đấu cấp bách của họ phải hành quân suốt ngày đêm, tuy vất vả, gian khổ nhưng họ vẫn cảm nhận thật tinh tế mọi vẻ đẹp của cuộc sống xung quanh. Họ đúng là những con người hào hoa từ Thủ Đô ra đi kháng chiến.
+ Với bút pháp lãng mạn, Quang Dũng đã miêu tả thiên nhiên Tây Bắc vừa bao la hùng vĩ, vừa dữ dội hiểm trở như thử thách ý khí, nghị lực của con người.
Dốc lên... xa khơi
Trong hồi tưởng của Quang Dũng có lẽ đây là những chặng đường hành quân khác nhau. Có chặng con đường ngày càng lên cao mãi, vừa gập ghềnh khúc khuỷu, vừa mờ mịt xa vời, cái khó khăn trắc trở của đường đi cũng như cái vất vả nặng nhọc của người chiến sĩ được gợi tả qua hàng loạt âm tiết mang thanh trắc:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Có chặng đường ẩn hiện trong mây, người chiến sĩ như đang bước đi trên những cồn mây với cảm giác mũi súng chạm tới đỉnh trời “Heo hút cồn mây súng ngửi trời”. Hình ảnh nhân hóa có phần cường điệu “súng ngửi trời” là cách nói đùa vui tinh nghịch, cho thấy dù gian khổ vất vả đến đâu cũng không làm mất đi tính cách lạc quan yêu đời của người chiến sĩ.
Có chăng con đường như gấp khúc giữa chiều cao và chiều sâu, hai bên dốc núi gần như dựng đứng: “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống” – Người chiến sĩ vượt qua chặng đường hiểm trở ấy phải là người bình tĩnh, tự chủ, có nghị lực kiên cường. Đặc biệt câu thơ: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” được cấu tạo bằng toàn âm tiết mang thanh bằng - dường như đấy là cảm giác nhẹ nhõm của người chiến sĩ khi tạm dừng chân trên đỉnh dốc, đây cũng là một chút mơ màng khi họ phóng tầm mắt ra xa để thấy những mái nhà thấp thoáng trong màn mưa mênh mông như biển khơi.
+ Cũng trên con đường hành quân gian khổ còn có sự cảm thông của tình đồng đội, có những hồi tưởng đầy ấn tượng mạnh mẽ về thiên nhiên và con người Tây Bắc:
Anh bạn... thơm nếp xôi
Có thể thấy Quang Dũng không giấu giếm bao nỗi gian khổ, vất vả, hi sinh của cuộc đời chiến binh, do đó có thể hiểu hai câu thơ đầu là nói về cái chết trên đường hành quân nhưng cũng có thể hiểu đấy là trạng thái nghỉ ngơi của người chiến sĩ khi tạm ngừng chân trên đỉnh dốc. Có thể thấy Quang Dũng cảm thông sâu sắc với đồng đội khi anh quá mệt mỏi phải gục trên súng mũ như để tạm quên đi bao nỗi nhọc nhằn vất vả của cuộc đời hiện tại. Nhưng nhà thơ biết rõ đằng sau vẻ ngoài “bỏ quên đời” tâm hồn của người đồng đội mơ mộng đang hướng về phía sau, nơi họ vừa ra đi – nơi đó vừa có cái thắm thiết của thiên nhiên Tây Bắc diễn ra hàng ngày (chiều chiều, đêm đêm) với bao thác cao, sông sâu, bao thú dữ (thác gầm thét, cọp trêu người). Còn tình cảm của nhân dân Tây Bắc được biểu hiện qua hình ảnh người con gái Mai Châu mời người chiến sĩ Tây Tiến những gói xôi mới đầu mùa gặt. Có lẽ nỗi nhớ người mạnh mẽ hơn nỗi nhớ cảnh nên nhà thơ mới cất thành tiếng gọi “Nhớ ơi” thật bồi hồi và thiết tha.
3. KẾT LUẬN
Qua đoạn thơ, khung cảnh thiên nhiên Tây Bắc đã hiện ra với vẻ hùng vĩ mà hiểm trở. Nhưng nổi bật trong khung cảnh thiên nhiên đó vẫn là hình ảnh con người chiến sĩ Tây Tiến với nghị lực phi thường, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, với tình đồng đội, tình quân dân thắm thiết, với tâm hồn mơ mộng, lãng mạn của thanh niên Thủ Đô đi kháng chiến.