BÀI LÀM

Nhốt cả sông Đà vào một quyển sách, công việc trị thủy ấy của văn chương thật khó thay. Vậy mà Nguyễn Tuân làm được. Nhưng phải là cật lực. Phải bám những người lái đò sông Đà (kể cả ông đò hay cởi truồng) để trôi dài theo bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử, phải tìm một lối riêng, lặn sâu xuống hút nước để từ cái rốn sống ấy mà thấy bụng nước như một cái thành giếng xây toàn bằng nước sông xanh ve một áng thủy tinh khối đúc dày, phải bay lên thật sự, nâng con người tới tầm cao có thể nhìn con sông năm trăm cây số dài chỉ còn là một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc... Phải đi đến cùng từng trải, tài năng, khổ công... thâu tóm lấy con sông hung tợn để rồi chính nó ngoan ngoãn theo đầu ngọn bút mà bền bỉ bồi đắp đầy ắp những trang Sông Đà ta đang có trên tay.

Một con sông văn như thế viết ra được đã khó, đọc nó cũng không phải dễ. Đã đành phải theo Nguyễn Tuân xuôi đến trang cuối của tác phẩm nhưng nhiều khi phải thoát ra sự hạn chế của dòng văn, trang văn để tìm ra cái đẹp toàn bài văn. Thoát ra rồi nhìn lại toàn bài Người lái đò sông Đà mới hay, cho mãi đến dòng cuối của bài viết, cái bến đò màu cờ mới được xuất hiện khi đoàn thuyền khoa học gắn quốc kì đã ghé vào và thả neo như hạ một quyết tâm đỏ, trị con sông dữ tợn này bắt nó phải phục vụ cuộc sống, nhưng cứ nghĩ, cái bến đỏ cờ ấy chính là cái bến xa nào đó trong sương mù mà người lái đò Sông Đà ngay khi bước vào trang văn đã hướng nhỡn giới vòi vọi mong chờ, đã mong chờ từ ngay thượng nguồn của bài tùy bút này.

Mối liên hệ nghệ thuật giữa nhỡn giới của ông lái đò và bến đậu của ngọn quốc kì có thể xem như phép kết cấu đầu cuối tương ứng, xem như chuyện phục bút kịp thời ở đoạn đầu để thuận đà mà hạ bút đắc địa nơi phần cuối, nhưng tất cả các kĩ thuật kĩ xảo đó, ở văn tài Nguyễn Tuân đã diễn ra tự nhiên như một sáng tạo ngẫu hứng. Sau khi đã mở được nhỡn giới cho nhân vật và xác định cái bến sẽ cắm cột cờ trị thủy, định hướng cho dòng cảm hứng của chính mình, Nguyễn Tuân thả sức viết, viết như cày xới vốn sống, như tỉa tót chữ nghĩa. Ngòi bút không ngại bới sâu vào lịch sử đời Trần, đời Lí, đời Lê, đào ngang khơi tắt vào địa mạo, địa danh, quyết bắt cho được thần thái con sông với thượng lưu, hạ lưu nước cuốn, với tả ngạn hữu ngạn đất trụ, với ngọn nguồn tích tụ sự cuốn đi cùng trụ lại kia... Và trên một dòng sông chở nặng thông tin về chính nó, một dòng văn ăm ắp những biện pháp nghệ thuật, Nguyễn Tuân khắc họa hình tượng hiên ngang một người lái đò sông Đà.

Nguyễn Tuân khéo đưa vào thiên tùy bút một ông và một cô đò để dễ bề thể hiện cả sự hiên ngang và sự đằm thắm của những khách thương hồ ấy. Đằm thắm như câu chuyện kể nơi đuôi én thuyền then của cô đò người Thái, thỏ thẻ, thật thà không nói chuyện vượt thác, vận chuyển quân lương qua những khúc sông chưa giải phóng ban ngày mà cũng tối sầm như ban đêm, dành lời để tri ân chú gà trống đè sóng, giữ nhịp thời gian cho con người chèo chống: “Đi đường xa qua bờ này bến khác, có tiếng gà gáy đem theo, nó đỡ nhớ nương ruộng, bản mường”.

Đỡ nhớ đất để mà nhớ đóng đanh vào lòng tất cả những nguồn nước của tất cả những con thác hiểm trở. Nhưng kiểu nhớ đóng đanh này là đã là nhớ của những ông đồ hiên ngang với giọng nói ào ào như tiếng nước trước mặt ghềnh sông, với thân hình cao to và gọn quánh như sừng như mun với vẻ phớt đời có lần lượt thác vừa xuôi vừa dám ngủ gật nữa kia nhưng sẵn sàng chỗ bằng thì chèo, chỗ dựng vách đá thì chống, vượt thác mà bờ bằng thì kéo. Sẵn sàng, chỉ với ba tiếng chống, chèo, kéo đơn giản như ba phách mạnh của một nhịp hò dô vậy thôi, người lái đò đã vào cuộc thì chỉ có lao đi chứ không lùi lại!

Bằng ấy chi tiết cho một nhân vật cũng đã là nhiều, nhưng với Nguyễn Tuân, ngần ấy chưa đủ, ông cho họ lao vào trùng vi thạch trận để từ trận thủy chiến giáp lá cà quyết liệt này mà cực tả mà khắc họa sắc nét hơn khí phách hiên ngang của ông lái đò sông Đà. Tả cuộc đối đầu giữa con người với sức nước tàn phá, trước Nguyễn Tuân hàng ngàn năm đã có truyện Sơn Tinh - Thủy Tinh. Nhưng đó là thần thoại, với phép thần thông, chỉ cần một câu thôi “nước dâng bao nhiêu núi lại cao bấy nhiêu” thế là phân thắng bại, cái hiện thực chống lũ chỉ còn như chút bóng nhòe đổ xuống từ câu chuyện. Sau Nguyễn Tuân, cuộc đối đầu ấy được thể hiện trong chương kể chuyện giữ đê biển trước gió to sóng lớn của Bão biển (Chu Văn). Nhưng Bão biển là tiểu thuyết hiện thực, cho nên sóng gió vẫn chỉ là sóng gió mù quáng tàn phá và con người dù phải xả thân chống lại thì vẫn chỉ là xả thân trong một công trường, cái mà một thời người ta thuận miệng gọi là cuộc chiến đấu chống thiên nhiên lại chưa ra một chiến trường. Với Nguyễn Tuân thì khác, ngay từ đầu, ông đã xác định cuộc đối đầu ấy là một chiến trường, một mặt trận. Và để dựng cho ra chiến trường, mặt trận ấy, Nguyễn Tuân đã hà hơi, đã ban phép nhân hóa khiến nước sông, đá thác sống dậy làm tướng dữ, quần tợn.

Nhờ phép ấy, nước xiết thành lời; “Tiếng nước thác nghe như lời oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo”. Chỉ trong một câu mà nước dữ đã lật lọng đổi giọng đến bốn lần. Mới van xin đã khiêu khích, oán trách chưa xong đã chế nhạo. Khi cái hòa âm nghịch bốn giọng ấy, hình tượng thính giác ấy được tăng cấp rống lên, gầm thét bằng tiếng một ngàn con trâu da cháy bùng bùng thì sự lật lọng đã thành điên loạn.

Nhưng chưa hết, hãy nhìn đồng bọn của lũ lật lọng điên loạn này, hãy cùng Nguyễn Tuân điểm mặt đá. Đá mai phục ngàn năm để chờ dịp nhóm cả dậy vồ lấy thuyền. Chưa vồ được thì dụ, thì hất hàm thách thức, lừa đối phương vào thế đá trái, thúc gối của nước dữ, để nước túm chặt lưng ông đò rồi ra đòn hiểm độc nhất, bóp chặt lấy hạ bộ. Nguyễn Tuân đã đá thì mạnh tay bút như khắc để tạo cái cằm sắc nhọn đưa ra như mũi dao của đá tảng hất hàm, tả nước lại nhanh tay như nghệ sĩ nhiếp ảnh, bấm máy kịp lúc bàn tay nước chộp vào chỗ hiểm để ghi lại được cái tích tắc kinh hoàng, mặt ông đò méo bệch vì hột sinh dục vụt muốn thọt lên cổ.

Đọc tới đây, từ cận cảnh bàn tay nước chộp, trung cảnh hàm đá hất, mà nhớ ngược lên toàn cảnh trắng xóa cả một chân trời đá ngàn năm mai phục, người đọc như được xem như một chiến trận trên màn ảnh. Trên đó thế toàn rồi trung, rồi cận chiến tưởng đã hất ông lái và những người bạn chèo khỏi chiến cuộc như hất cái hột giống nòi nhỏ xíu kia. Nhưng ngay trong phút nghẹt thở ấy, ông lái vẫn lừng lững giữa dòng.

Trước ồn ào, ầm ĩ kiểu võ mồm của một mặt sông sùi bọt mép mà thở, kêu, ằng ặc, réo, rống, oán trách, van xin, khiêu khích, chế nhạo, gầm thét, reo hò... ông lái như không thèm chấp, chỉ ngắn gọn chỉ huy, để còn dành nội lực nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá, để thuộc qui luật phục kích. Ông lái dụng trí chứ không lạm ngôn, không bẻm mép. Khi đã có trí thì dù cho thế lực hung ác kia lấy hai chọi một, dù cho chúng tiểu nhân đến mức phải dụ, phải lừa, võ biền đến liều mạng, thúc gối đá, trái thì cũng đến lúc con người nắm chặt, đè xấn, chặt đôi, giành lấy chiến thắng, mở đường sống cho mình.

Đó là con đường anh chiến binh trở lại làm nhà đò, làm người chân sào, với khúc hò dô chống, chèo, kéo đã vang lên ở đoạn trên. Nguyễn Tuân thôi không để chữ nghĩa của mình hừng hực nộ khí xung thiên nữa. Nộ khí ấy đã làm xong cái việc bổ sung kịch tính cho thiên tùy bút, nó xèo xèo tan hòa trong chất trữ tình lai láng một tấm lòng muốn đề thơ vào sông nước, thơ hoài cổ một thời bi tráng Tây Bắc chống Pháp xâm lược, thơ cảm thán về một non sông đang ngày một đẹp lên để có được một cái gì khang khác, chưa từng thấy trên sông này, có được ngọn cờ đỏ chấm dấu son lãng mạn vào câu kết của tác phẩm. Bằng sự chuyển đổi giọng điệu ấy Nguyễn Tuân muốn ta hiểu ba thế võ “nắm chặt, đè xấn, chặt đôi” mà ông lái mới xuống tay kia cũng chỉ là cách điệu, thăng hoa, biến tấu của ba ngón nghề đưa đò chống, chèo, kéo mà thôi. Muôn đời ông lái vẫn là bạn của dòng sông. Một người bạn cao thượng sớm quên đi những tướng dữ quân tợn để nhớ về một con sông Đà của cả anh vũ đầm xanh. Một sông Đà đã vặn mình thay đổi.

“Thế là hết thác. Dòng sông vặn mình...” Chữ vặn có lẽ Nguyễn Tuân mượn của Tản Đà, mượn trong câu thơ ngày ấy Tản Đà lên chơi tỉnh Hòa Bình “Sông Đà ai vặn một dòng quanh”. Mượn chữ vặn chỉ là để có câu hỏi “ai vặn” kia cho cả cuốn Sông Đà trả lời rằng, những chủ nhân của một nước Việt Nam mới đã vặn, đã nắn, đã dẫn dòng sông chảy đúng vào tuốc bin thủy điện sông Đà để dòng nước hung hăng một thời, hóa thân thành ánh sáng. Về việc hóa thân này, Nguyễn Tuân, bằng văn chương của mình đã có công dự báo. Còn công đầu của việc nắn lại dòng sông thì thuộc về những người lái đò sông Đà.