CÁC ĐỀ TIÊU BIỂU
1. Anh (chị) hãy tóm tắt ngắn gọn nội dung tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.
2. Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng nhân vật Tnú và cụ Mết.
3. Hình tượng cây xà nu, rừng xà nu đã được nhà văn miêu tả như thế nào? Ý nghĩa của việc miêu tả đó.
4. Theo anh (chị), chất sử thi đã được biểu hiện như thế nào trong truyện ngắn Rừng xà nu?
6. Hãy trình bày một số nét nổi bật trong giá trị nghệ thuật của truyện Rừng xà nu.
GỢI Ý LÀM BÀI
1. Tóm tắt nội dung truyện Rừng xà nu:
Làng Xô Man “ở trong tầm đại bác” của giặc. Đạn giặc tàn phá khốc liệt rừng xà nu, nhưng cũng như người Xô Man, nó vẫn kiên cường vươn tới. Nhân Tnú về thăm làng, nghỉ tại nhà cụ Mết; đêm đó cụ kể cho dân làng nghe về cuộc đời Tnú. Những năm ấy, bọn địch khủng bố dã man phong trào cách mạng, nhưng làng Xô Man vẫn nuôi dưỡng cán bộ. Tnú và Mai là những thiếu niên dũng cảm vào rừng tiếp tế cho cán bộ. Tnú được cán bộ Quyết dìu dắt . Tnú làm liên lạc, sau khi bị địch bắt đi tù. Thoát tù, anh trở về cùng dân làng chuẩn bị chiến đấu. Được tin này, giặc kéo về làng. Trước cảnh vợ con bị giặc tra tấn, Tnú đã nhảy vào giữa bọn lính định cứu vợ con. Nhưng anh đã bị giặc bắt, vợ con bị chết. Giặc đốt hai bàn tay Tnú bằng giẻ tẩm dầu xà nu. Trước cảnh dã man này, dân làng đã nhất tề vùng lên giết giặc. Cụ Mết kêu gọi mọi người tự trang bị vũ khí để chiến đấu. Đêm ấy, cả rừng Xô Man ào ào rung động. Rồi Tnú gia nhập bộ đội giải phóng. Anh khắc sâu mối thù quân giặc và chiến đấu dũng cảm. Sau ba năm, Tnú được về thăm dân làng Xô Man.
2. Nhân vật Tnú.
Tnú là một đứa trẻ cha mẹ mất sớm, lớn lên nhờ sự nuôi dưỡng, đùm bọc của dân làng Xô Man. Có lẽ vì thế, hơn ai hết, Tnú gắn bó với dân làng và có những phẩm chất của dân làng. Tnú được già làng nhận xét: “Đời nó khổ, nhưng bụng nó sạch như nước suối làng ta”.
Đây là con người của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ rất gan góc, táo bạo. Ta không thể không ngạc nhiên và khâm phục Tnú, khi đọc đoạn văn nhà văn kể việc Tnú và Mai học chữ. Tnú nhận mặt chữ chậm hơn Mai. Vì không nhớ được mặt chữ, Tnú đã đập vỡ bảng, bỏ ra suối ngồi xuốt một ngày, sau đó lấy một hòn đá “tự đập vào đầu, chảy máu ròng ròng" để sáng hôm sau ngượng ngùng gọi Mai ra phía sau hốc đá hỏi xem “chữ o có móc là chữ chi”. Khi làm liên lạc, Tnú không được đi đường mòn. Qua sông, không lội chỗ nước êm, mà “cứ lựa chỗ thác mạnh mà bơi ngang, vượt lên trên mặt nước, cưỡi lên thác băng băng như một con cá kình”. Khi bị địch đốt cháy mười ngón tay, Tnú nghiến răng chịu đựng chứ quyết “không thèm kêu than”.
Đây cũng là con người có mối thù chồng chất đối với quân địch. Chúng không chỉ giết hại dân làng, mà còn giết hại vợ con anh và khiến anh trở thành người tàn tật.
Đây cũng là chàng trai dũng cảm và trung thành với cách mạng. Xin lưu ý: truyện kể về những năm ác liệt nhất, kẻ thù điên cuồng khủng bố. Những vụ thảm sát liên tiếp diễn ra, nhiều chiến sĩ cách mạng hi sinh, Mỹ ào ạt đưa quân viễn chính vào miền Nam. Cách mạng gặp không ít tổn thất, khó khăn. Ở làng Xô Man, “không bữa nào nó không đi lùng, không đêm nào chó của nó và súng của nó không sủa vang cả rừng”. Anh Xút bị giặc treo cổ lên cây vả đầu làng; bà Nhan bị chặt đầu cột tóc vào đầu súng vì đã vào rừng nuôi cán bộ. Sau cùng đến lũ trẻ thay người già làm việc này. Trong đó Tnú và Mai là những người hăng hái nhất. Có đêm, chúng ngủ luôn ở ngoài rừng, vì đề phòng giặc lùng phải có người “dẫn cán bộ chạy”. Lòng trung thành với cách mạng của Tnú đã được bộc lộ qua thử thách. Khi bị giặc bắt, giải về làng, tra hỏi chỗ ở của cộng sản , Tnú đặt tay lên bụng mình và nói: “ở đây này”. Lưng Tnú ngang dọc vết dao chém của bọn lính. Khi chứng kiến cảnh vợ con bị tra tấn dã man. Khi dân làng đứng lên chiến đấu, Tnú gia nhập lực lượng giải phóng quân như một tất yếu...
Khi xây dựng nhân vật Tnú, Nguyễn Trung Thành đặc biệt dụng công miêu tả bàn tay của nhân vật. Từ đôi bàn tay này, người đọc có thể thấy hiện lên không những cuộc đời mà cả những tính cách của nhân vật. Có thể nói bàn tay Tnú được miêu tả trải dài theo suốt cả câu chuyện. Dường như mọi nét tính cách cũng như số phận và chiến công của Tnú đều gắn với hình ảnh hai bàn tay ấy. Cũng như nhiều nhân vật trong văn học trong thời chống Mỹ, Tnú được xây dựng trong bút pháp lãng mạn, giàu chất lí tưởng. Qua nhân vật này, Nguyễn Trung Thành muốn thể hiện số phận và nhất là con đường của nhân dân Tây Nguyên, nhân dân miền Nam trong quá trình đấu tranh giành giải phóng.
- Nhân vật cụ Mết.
Cụ Mết là một già làng quắc thước “sáu mươi tuổi rồi mà tiếng nói vẫn ồ ồ, dội vang trong lồng ngực”, râu “ đã dài tới ngực và vẫn đen bóng”, mắt sáng và xếch ngược, ở trần, “ngực căng như một cây xà nu lớn”. Cụ tin tưởng mãnh liệt vào dân tộc mình, quê hương mình. Theo cụ, “không cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta” và thứ gạo mà dân tộc Strá làm ra là thứ gạo “ngon nhất rừng núi này”. Cụ Mết chính là nhân vật tượng trưng cho lịch sử, cho truyền thống hiên ngang bất khuất, cho sức sống bền bỉ của dân làng Xô Man. Cụ Mết có những nét gần gũi với các nhân vật tù trưởng hùng mạnh thể hiện khát vọng, hoài bão của cả cộng đồng trong một số sử thi Tây Nguyên. Viết về cụ Mết, có thể nói, tác giả đã phát huy cao độ sức mạnh của bút pháp sử thi với cảm hứng lãng mạn lí tưởng hóa, mặc dù đây là một già làng có thật, người đã lập nhiều thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp (có thể sánh ngang với anh hùng Núp) ở làng Xóp Dùi, bắc Kon Tum.
3. Hình tượng cây xà nu.
Ở truyện ngắn này, rừng xà nu (và cây xà nu) là một “nhân vật” cực kì quan trọng, chính vì thế, Nguyễn Trung Thành đã lấy tên nó để đặt nhan đề của tác phẩm. Có đến khoảng hai mươi lần nhà văn trực tiếp hoặc gián tiếp nói đến cây xà nu như củi xà nu, khói xà nu, nhựa xà nu, lá xà nu,...
Mở đầu câu chuyện là một đoạn văn được viết rất công phu tả rừng xà nu rất kiên cường vươn lên bất chấp bom đạn của kẻ thù: “Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương... nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm đen lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn. Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng có ít loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng [...]. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã... Cứ thế hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng. Kết thúc tác phẩm, nhà văn lấy lại gần như nguyên văn câu viết về rừng xà nu ở phần mở đầu. Đây là lối kết cấu vòng tròn mang tính luân hồi, dường như vừa khép câu chuyện này lại vừa mở ra một câu chuyện khác. Một mặt, nó khiến người đọc có cảm tưởng như kì tích anh hùng của Tnú, của dân làng mà tác giả vừa kể chỉ là sự tiếp nối lịch sử ngàn xưa của những tù trưởng danh tiếng, và câu chuyện sẽ còn được nối tiếp bởi những thế hệ mới ở làng Xô Man. Mặt khác, dường như câu chuyện không còn bó hẹp trong không gian của làng Xô Man mà được mở rộng ra khắp mọi miền đất nước.
Ngoài phần mở đầu và kết thúc, trong câu chuyện về cuộc đời của Tnú, cuộc nổi dậy của dân làng, cây xà nu luôn được nhắc đến với một dụng ý nghệ thuật rõ nét. Trước hết, cây xà nu gắn bó mật thiết với cuộc sống thường nhật của dân làng Xô Man , từ già chí trẻ, có thể nói là nó đã ăn đời ở kiếp với mọi người. Đúng vậy, bao đời nay, “lửa xà nu cháy giần giật” trong bếp mỗi nhà. Trẻ con làng Xô Man “mặt mày lem luốc khói xà nu”.
Không những thế, cây xà nu còn gắn liền với những sự kiện trọng đại của dân làng Tây Nguyên. Đấy là khi mọi người theo cụ Mết vào rừng lấy vũ khí , họ đã theo ánh sáng phát ra từ ngọn đuốc xà nu. Đấy là lúc giặc dùng giẻ tẩm nhựa xà nu để đốt tay Tnú. Và chính hành động dã man này đã khiến dân làng Xô Man vùng lên chiến đấu, kết quả là “đống lửa xà nu lớn giữa nhà vẫn đỏ. Xác mười tên lính giặc ngổn ngang quanh đống lửa đó”...
Cây xà nu không những gắn với sinh hoạt hằng ngày, gắn với những sự kiện trọng đại của dân làng Xô Man mà nó còn thấm sâu vào nếp suy nghĩ và cảm xúc của họ. Như vậy , rõ ràng nhà văn đã miêu tả rất nhiều về cây xà nu, rừng xà nu. Nhờ đó, trước hết tạo ra trước mắt người đọc một làng Xô Man cụ thể và xác thực, góp phần quan trọng tạo nên không khí Tây Nguyên, chất Tây Nguyên độc đáo cho tác phẩm. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây, thì cây xà nu mới chỉ là một hình ảnh, cho dù hình ảnh ấy rất đậm nét. Để nó biến thành một biểu tượng, nhà văn phải khắc họa theo lối tượng trưng hóa. Nguyễn Trung Thành đã làm công việc này một cách xuất sắc.
Cây xà nu được miêu tả trong sự hòa nhập, tương ứng với những phẩm chất cao đẹp của dân làng Xô Man. Ở đây, tác giả đã sử dụng rộng rãi thủ pháp nhân hóa, tức là ông đã miêu tả cây xà nu với biểu hiện giống như con người. Thực ra, Nguyễn Trung Thành không phải là cây bút đầu tiên viết theo kiểu này. Điều đáng lưu ý là ông biến rừng xà nu, cây xà nu thành một hệ thống hình ảnh, được miêu tả song song với hệ thống hình tượng nhân vật, tính cách nhân vật. Có thể nhận thấy khá rõ điều đó qua toàn bộ tác phẩm và rõ nhất là trong hai đoạn văn tập trung nói về hình ảnh cây xà nu, rừng xà nu ở đầu và cuối như phân tích ở trên.
Việc dùng một sự vật để làm một biểu tượng nghệ thuật không phải là điều đáng nói. Trong văn chương, ta đã gặp không ít những biểu tượng như thế. Đáng nói là Nguyễn Trung Thành đã xây dựng hình tượng cây xà nu một cách hoàn hảo, không những tạo không khí Tây Nguyên hùng vĩ, hoang dã mà còn gởi gắm nhưng suy tư sâu sắc và niềm tin mãnh liệt vào sức sống bất diệt của con người và mảnh đất này.
4. Truyện ngắn Rừng xà nu tiêu biểu cho khuynh hướng sử thi của văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975, đặc biệt trong thời chống Mỹ cứu nước.
Trong tác phẩm Rừng xà nu, khuynh hướng sử thi đã được thể hiện khá rõ trong việc lựa chọn đề tài, việc xây dựng nhân vật, việc sử dụng hình ảnh lẫn giọng điệu của tác phẩm,... Đề tài của truyện Rừng xà nu nói đến vấn đề sinh tử hết sức hệ trọng không chỉ của cả cộng đồng làng Xô Man mà của cả dân tộc Việt Nam. Truyện viết về thời điểm lịch sử trọng đại của cách mạng miền Nam (Những năm đen tối sau Hiệp định Giơ-ne-vơ cho đến lúc Đồng Khởi, nhưng đây cũng là thời điểm tức nước vỡ bờ, nhân dân miền Nam đã chuẩn bị vũ trang chiến đấu. Chủ đề của tác phẩm mang đậm tính sử thi: trước sự tàn ác của kẻ thù, nhân dân miền Nam chỉ có con đường duy nhất là cầm vũ khí vùng đứng lên chiến đấu giải phóng quê hương. Những nhân vật trong tác phẩm, tiêu biểu như Tnú, cụ Mết như đã phân tích ở trên, thực chất là những con người kết tinh cao độ nhưng phẩm chất tiêu biểu của cả cộng đồng gắn bó với dân làng, trung thành với cách mạng, căm thù giặc sâu sắc, kiên cường bất khuất, dũng cảm chiến đấu hi sinh). Lí tưởng sống của những nhân vật này luôn gắn liền với vận mệnh của cả cộng đồng. Hơn nữa, các nhân vật ở đây cũng được xây dựng thể hiện sự tiếp nối của các thế hệ cách mạng làng Xô Man. Cụ Mết đại diện cho thế hệ cách mạng từ thời chống Pháp, cụ truyền lại cho con cháu truyền thống oanh liệt của làng, Tnú tiêu biểu cho ý chí và sức mạnh của cộng đồng, Dít, Heng là thế hệ non trẻ tiếp nối cha anh,... Vì thế, tất cả số phận của mọi nhân vật đều thống nhất với nhau, thống nhất với số phận của cả cộng đồng. Điều đó cũng thể hiện rõ nét tính sử thi của tác phẩm.
Ngòai ra, chất sử thi còn bộc lộ qua cách trần thuật. Câu chuyện về cuộc đời Tnú và cuộc nổi dậy của dân làng Xô Man thực ra là câu chuyện hiện tại, mới diễn ra. Tuy vậy, chúng được kể như một câu chuyện của lịch sử với không khí và thái độ trang nghiêm, đầy ngưỡng vọng giống như lối kể về các tù trưởng hùng mạnh tiêu biểu cho ý chí và sức mạnh của cộng đồng trong cách lịch sử thi Đam Săn, Xinh Nhã,... của các bộ tộc Tây Nguyên.
Ở tác phẩm này, Nguyễn Trung Thành đã xây dựng được nhiều hình ảnh chói lọi, kì vĩ như hình ảnh cây xà nu, rừng xà nu, hình ảnh hai bàn tay bị đốt của Tnú. Giọng văn trong truyện này là giọng văn trang trọng, trang nghiêm, hùng tráng (chẳng hạn những đoạn tường thuật lời cụ Mết nói với dân làng, những đoạn đặc tả rừng xà nu hiên ngang vươn lên bất chấp bom đạn kẻ thù). Đây cũng là những hình ảnh sử thi, giọng văn của sử thi.
Như vậy, chất sử thi thể hiện qua nhiều yếu tố của tác phẩm. Và điều cần phải nhấn mạnh là chất sử thi này rất phù hợp trong việc khắc họa tư tưởng chủ đề tác phẩm.
5. Chất Tây Nguyên đã được thể hiện đậm nét trong tác phẩm, góp phần không nhỏ tạo nên sức hấp dẫn của truyện ngắn Rừng xà nu. Chất Tây Nguyên đó được tạo nên bởi nhiều yếu tố thấm vào toàn bộ tác phẩm. Tuy nhiên, có thể nêu ra một số yếu tố chính như:
Hình tượng cây xà nu, rừng xà nu “ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho dân làng” không những xuất hiện ở phần đầu và phần kết thúc tác phẩm mà còn xuất hiện rất nhiều trong toàn bộ câu chuyện, gắn với sinh hoạt thường nhật, cũng như những sự kiện trọng đại của dân làng Xô Man. Cây xà nu là cây đặc trưng của Tây Nguyên. Sự hiện diện rất nhiều lần của cây xà nu, rừng xà nu đã tạo được không khí Tây Nguyên vừa hùng vĩ vừa hoang dã rất cần thiết cho tác phẩm.
Hình tượng những nhân vật trong tác phẩm mang đậm chất Tây Nguyên, từ ngoại hình (cụ Mết mắt xếch ngược, râu dài tới ngực, ở trần) tới tên gọi: anh Pro, Brôi, chị Blom, bà già Prôi, dân tộc Strá, tới ngôn ngữ cách thức đối thoại (đoạn Tnú đối thoại với dân làng về việc bóp chết thằng Dục ở cuối truyện)...
Câu chuyện về Tnú được cụ Mết - già làng kể trong một đêm ngòai trờ mưa lấm tấm, dân làng ngồi xung quanh bếp lửa chăm chú lắng nghe. Đây chính là cách kể các trường ca Tây Nguyên, gợi không khí Tây Nguyên.
Một loạt các chi tiết phản ánh những sinh hoạt chỉ có ở miền núi, thậm chí là chỉ có Tây Nguyên: chẳng hạn, tiếng chày giã gạo dồn dập; “máng nước lách tách trong đêm khuya, được tin Tnú về có người mừng quá không kịp bước xuống thang “nhảy phốc xuống một cái từ trên sàn nhà xuống đất”, còn những cụ già “lụm cụm bò xuống thang, từng bậc từng bậc”; cụ Mết chia cho mỗi người mấy hạt muối, “họ ăn sống từng hạt, ngâm rất lâu trong miệng để nghe chất mặn đậm đà tan dần”; các cô gái lấy nước ở vòi nước đầu làng thẹn thùng vác ống bương đứng tránh ra một bên cho Tnú rửa mặt, tắm mình trong vòi nước quê hương, cách chị bí thư Dít nghiêm nghị kiểm tra giấy phép của Tnú; “tiếng chiêng nổi lên”,..
Tất cả những yếu tố nêu trên đã khiến cho Rừng xà nu đậm đà không khí Tây Nguyên hùng vĩ hoang dã, mà như ta điều biết, tạo được không khí là điều hết sức quan trọng để một truyện ngắn thành công.
Sở dĩ Rừng xà nu có được không khí Tây Nguyên, chất Tây Nguyên trước hết vì Nguyễn Trung Thành đã sống nhiều năm ở Tây Nguyên, nhất là ông đã gắn bó máu thịt với Tây Nguyên, có hiểu biết tường tận về con người và cảnh vật ở cùng đất này.
6. Tuy là một tuyện ngắn với một số trang hạn chế, nhưng Rừng xà nu có sức khái quát cao, có sức chứa của một cuốn tiểu thuyết bi tráng về Tây Nguyên bất khuất. Đây là kết quả đúc kết, chắt lọc của một cây bút từng trải, khi tài năng đã chín.
Nhà văn không miêu tả dàn trải mà tập trung vào những điểm tiêu biểu nhất. Câu chuyện được kể gọn trong một đêm. Cụ Mết kể chuyện để truyền cho họ một bài học lịch sử đẫm máu kết tinh nhiều ý nghĩa. Truyền dồn chủ yếu vào nhân vật Tnú. Ở nhân vật này, dường như tác giả chủ yếu tập trung vào cái đêm vợ con bị giặc giết hại, bản thân bị chúng tra tấn dã man. Và trong cái đêm khủng khiếp ấy, nhà văn miêu tả đậm nét nhất là mười đầu ngón tay Tnú bị giặc quấn giẻ tẩm dầu xà nu đốt cháy đùng đùng “như mười ngọn đuốc”. Mười ngọn đuốc da thịt đó đã làm mồi châm lửa cho để dân làng Xô Man bột phát nổi dậy, tiêu diệt cả tiểu đội giặc, mở ra một thời kì đấu tranh mới... Ở đây, mỗi chi tiết đều góp phần đắc lực tô đậm chủ để tác phẩm.
Ngôn ngữ của nhân vật cũng được chọn lọc, đặc biệt là nhiều câu nói của cụ Mết như đúc kết chân lí, như hiệu lệnh chiến đấu: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”, “Thế là bắt đầu rồi . Đốt lửa lên! Tất cả người già, người trẻ, người đàn ông, người đàn bà, mỗi người phải tìm lấy một cây giáo, một cây mác, một cây dụ, một cây rựa. Ai không có thì vót chông, năm trăm cây chông. Đốt lửa lên!”.
Một thành công nữa về nghệ thuật ở truyện ngắn này là nhà văn đã xây dựng được một số hình ảnh biểu tượng có sức khái quát lớn. Chẳng hạn như hình ảnh cây xà nu, rừng xà nu, hay hình ảnh mười ngón tay của Tnú bị địch đốt cháy “thành mười ngọn đuốc” đã nói ở trên.