I. TÁC GIẢ

- Tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh 1942 – mất 1988, quê ở Hà Đông (Hà Tây).

- 1955 gia nhập đoàn ca múa Trung ương, sau chuyển sang làm công tác văn học và sáng tác thơ.

- Là ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.

- Là một nữ thi sĩ có phong cách độc đáo (mạnh mẽ, táo bạo mà vẫn đằm thắm, dịu dàng). Được bạn đọc đặc biệt yêu thích với mảng thơ tình. Nhiều bài thơ của Xuân Quỳnh đã được phổ nhạc: Thuyền và biển, Bức thư tình cuối thu, Sóng.

- Tác phẩm chính: các tập thơ: Hoa dọc chiến hào (1968), Gió Lào cát trắng (1974), Sân ga chiều em đi (1984), Thơ viết tặng anh (1989).

II. HOÀN CẢNH SÁNG TÁC

- 29-12-1967

- Những ngày chiến tranh chống Mĩ rất dữ dội, ác liệt.

III. NỘI DUNG CHÍNH

1. Nghệ thuật nổi bật và ý nghĩa biểu tượng của hình tượng sóng

- Thể thơ 5 chữ, nhịp điệu linh hoạt, tươi tắn, giàu cảm xúc tạo cảm giác nối tiếp vô tận, triền miên của những con sóng, của cảm xúc, tình yêu.

- Nghệ thuật nhân hóa ẩn dụ liên hoàn: hình ảnh sáng suốt toàn bài vừa là biểu tượng tình yêu của con người, vừa là tình yêu của Xuân Quỳnh, của người con gái.

- Hai nhân vật trữ tình: Sóng và em - lúc song hành, có khi hòa nhập, thống nhất làm một diễn tả một cách đầy đủ, tinh tế về tình yêu của người con gái.

→ Cả bài thơ là lời thổ lộ, tự bạch rất chân tình, thành thực của Xuân Quỳnh về tình yêu của chính mình.

2. Nội dung chính

- Đặc điểm về tình yêu của con người nói chung và người con gái nói riêng: (2 khổ đầu).

• Có rất nhiều biểu hiện, muôn màu muôn vẻ, luôn thay đổi, thất thường, bí ẩn và phức tạp như con sóng ngoài bể khơi. Dữ dội – dịu êm, ồn ào - lặng lẽ.

• Luôn trẻ trung, vĩnh hằng, bất diệt với thời gian, năm tháng cũng như tình yêu luôn tồn tại, gắn liền với ước mơ, khao khát về hạnh phúc, cuộc sống của tuổi trẻ

Con sóng ngày xưa... ngày sau vẫn thế...

Nỗi khát vọng... bồi hồi ngực trẻ.

Đó là đặc điểm tình yêu của con người, cũng như của người con gái.

- Tình yêu của Xuân Quỳnh: (8 khổ còn lại).

• Mượn đối tượng gợi nhớ “muôn trùng sóng biển” – đại dương mênh mông sâu thẳm, vĩ đại, Xuân Quỳnh đã thổ lộ, giãi bày một tình yêu lớn lao, thiêng liêng nhưng cũng rất riêng tư, thầm kín của mình.

• Cũng như sóng, Xuân Quỳnh cũng muốn hiểu tình yêu của chính mình. Xuân Quỳnh di truy tìm điểm xuất phát của tình yêu và để rồi cũng như mọi người, Xuân Quỳnh đành thú nhận một cách thành thực, dễ thương: tình yêu thật bí ẩn.

Em cũng không biết nữa. Khi nào ta yêu nhau.

• Cũng như con sóng “Ngày đêm nhớ bờ - Không ngủ được” - người con gái trong tình yêu, khi yêu luôn thao thức, sống hết mình với tình yêu.

Lòng em nhớ đến anh, cả trong mơ còn thức

-> tình yêu của người con gái thật nồng cháy, tha thiết, sâu thẳm

• Tình yêu ấy lại trải rộng theo không gian, nhiều phương, nhiều hướng, nhiều tầng với tất cả niềm tin yêu, ngưỡng mộ và hi vọng.

Dẫu xuôi – ngược - phương Nam - phương Bắc - vẫn nghĩ về anh – một phương

→ Khi yêu, người con gái luôn hướng về tình yêu, về người mình yêu, coi đó là nguồn sống, sự sống của đời mình.

• Tình yêu không chỉ gắn liền với nỗi nhớ, tình yêu còn gắn liền với nỗi khát khao được sống trọn vẹn, đến được với bến bờ hạnh phúc cũng như qui luật của tự nhiên, niềm khao khát mãnh liệt của mọi con sóng.

Con nào cũng tới bờ - Dù muôn vời cách trở,

• Tình yêu của Xuân Quỳnh còn là một tình yêu chung thủy, trường tồn như qui luật của tự nhiên vĩnh hằng dù cuộc đời con người là hữu hạn so với thời gian, năm tháng.

Như biển kia dẫu rộng - mây vẫn bay về xa.

Tình yêu của Xuân Quỳnh, của người con gái thật trong sáng, mãnh liệt, nồng nàn.

• Tình yêu của người con gái không nhỏ hẹp, tầm thường, vị kỉ, chỉ biết có “một người”, mà tình yêu ấy luôn là nỗi trăn trở, là khát vọng làm sao được bất tử với thời gian.

Được tan – thành trăm con sóng - để ngàn năm còn vỗ.

→ Đó là khát vọng về một tình yêu cao thượng, được chia sẻ, được hòa nhập vào trong biển lớn tình yêu của cuộc đời để ngàn đời bất diệt.

→ Là một trong những bài thơ hay, sáng tạo, đặc sắc của Xuân Quỳnh - của thi ca Việt Nam. Là nét đẹp tâm hồn của con người Việt Nam - của tuổi trẻ Việt Nam thời chống Mĩ.