BÀI LÀM GỢI Ý

Gây ấn tượng sâu sắc nhất trong truyện ngắn này có lẽ là sự kiện Dũng kể những kỉ niệm về Tuất, người bạn chiến đấu của anh. Người con trai ấy thiết tha yêu Tổ quốc và cũng thương quý mẹ biết bao. Trên đường vào mặt trận, khi qua ga Hà Nội. Tuất nghe rõ tiếng mẹ mình trên loa phóng thanh sân ga, nếu anh nhào xuống nhà ga vào phòng phát thanh là anh sẽ được gặp mẹ, được từ biệt mẹ và lên đường. Nhưng vì nhiệm vụ chiến đấu “tất cả phải đều bí mật”, anh phải kìm nén bao nỗi niềm thương nhớ, mang hình bóng mẹ trong tim đi vào cuộc chiến đấu một mất một còn với quân thù. Đấy cũng là lần cuối cùng anh nghe giọng nói thân thương của mẹ. Anh đã hi sinh trong trận đánh vào Xuân Lộc, nơi cửa ngõ của Sài Gòn, trước ngày toàn thắng có mấy ngày. Dũng vô cùng thương bạn, vô cùng xót xa và cảm thông với nỗi đau của mẹ Tuất, anh không biết nói như thế nào với một bà mẹ có con hi sinh, mà bạn của con mình lại vẫn còn sống, sống đến bây giờ, đến hôm nay.

Thực ra mẹ Tuất đã biết tất cả nhưng bà nén chịu, vượt lên nỗi đau mất mát để tiếp tục sống và làm việc cho cuộc đời này. Nuốt nước mắt vào trong lòng, chính người mẹ ấy lại nói với đồng đội của đứa con “Nín đi con, nín đi Dũng.” Có thể nói, qua sự kiện Dũng kể lại những kỉ niệm về Tuất, người đọc thấu suốt chiều sâu thăm thẳm của tình đồng đội, tình mẹ con, tình nhân ái, tình yêu Tổ quốc, thấy được tinh thần nhân văn cao cả của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.