BÀI LÀM

1. MỞ BÀI

2. THÂN BÀI

+ Hai câu đầu:

Giữa khung cảnh thiên nhiên Tây Bắc vừa hùng vĩ, bao la, vừa dữ dội hiểm trở, hình ảnh đoàn quân Tây Tiến đã được khắc họa với nhiều chi tiết gây ấn tượng mạnh mẽ:

Tây Tiến... oai hùm.

Trước hết qua nhiều hình ảnh thật khác thường "không mọc tóc”, “quân xanh màu lá” có thể thấy đoàn quân Tây Tiến không những phải vượt qua nhiều chặng đường gian khổ, nhiều nỗi vất vả thiếu thốn mà còn phải chịu đựng những cơn sốt rét quái ác khiến cho họ da xanh tóc rụng. Điều này cũng từng được nói đến trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu:

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh.

Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi...

Trong bài thơ Cá nước của Tố Hữu: “Giọt giọt mồ hôi rơi, Trên má anh vàng nghệ”, và trong bài thơ Lên Cấm Sơn của Tân Sắc: “Họ vẫn gầy vẫn ốm. Mắt vẫn lõm da vàng”... Nhưng có lẽ ý thơ của Quang Dũng có sức gợi tưởng tượng và cảm nghĩ sâu xa hơn: bệnh tật khắc nghiệt đã biến những người lính Tây Tiến thành những anh “vệ trọc”, gầy yếu, xanh xao, nhưng tư thế, dáng vẻ của họ vẫn “dữ oai hùm” nghĩa là vẫn mạnh mẽ, hùng dũng, hiên ngang, biểu hiện một nghị lực thật kiên cường. Đây chính là sự tương phản giữa ngoại hình và nội tâm, giữa vẻ ngoài tiều tụy vì bệnh tật với sức mạnh tinh thần bên trong thật vững vàng của những người lính Tây Tiến.

+ Thủ pháp tương phản còn được Quang Dũng khai thác triệt để trong hai câu thơ:

Mắt... kiều thơm

Cách nói tương phản như vậy cho thấy đằng sau vẻ ngoài dữ dội đầy lòng căm thù giặc “Mắt trừng”. Người lính Tây Tiến vẫn có tâm hồn mơ mộng và đằm thắm trong tình cảm yêu thương. Thật ra nỗi nhớ về hậu phương, về những người thân yêu vốn là tình cảm phổ biến của nhiều người lính đi chiến đấu xa nhà. Trong bài thơ Đồng chí, Chính Hữu nói về nỗi nhớ ruộng nương, gian nhà, giếng nước gốc đa ở làng quê thân thuộc. Trong bài thơ Nhớ, Hồng Nguyên nói về nỗi nhớ người vợ vất vả ở quê nhà, “Mòn chân bên cối gạo canh khuya”. Đó là nỗi nhớ của những người nông dân mặc áo lính bình thường gắn bó với ruộng đồng, thôn xóm, lam lũ, nhọc nhằn. Còn nỗi nhớ của những người thanh niên Thủ đô đi kháng chiến lại gần với hình ảnh, vẻ đẹp thơ mộng của người con gái thành phố quê hương (dáng kiều thơm).

+ Hai câu thơ tiếp theo tái hiện cả một thế hệ thanh niên thành phố dấn thân vào cuộc sống mới đi theo cách mạng, đi theo kháng chiến với ước mộng lãng mạn về người anh hùng, có thể thấy trong đó bóng dáng của các trang sĩ, của các chinh phu thuở trước:

Rải rác... đời xanh?

Ở đây Quang Dũng không ngần ngại khi nói về cái chết của người chiến sĩ dù đấy là cái chết ở chiến trường biên giới xa xôi, dù cảnh những nấm mồ cô đơn giữa nơi núi rừng hoang vu, heo hút có gợi cảm giác ghê rợn, sầu thảm. Chính sự đối lập tương phản về ý nghĩa giữa hai câu thơ (giữa cái chết bi thảm với ý chí nặng nề của người còn sống), đã nêu bật cái triết lí sống, cái phương châm sống rất hào hùng của người lính Tây Tiến vì sự sống muôn đời của Tổ quốc, họ quyết tâm ra đi chiến đấu và sẵn sàng hi sinh cả tuổi xuân phơi phới của mình.

+ Quan niệm sống chết của người lính Tây Tiến được khẳng định sâu sắc trong hai câu thơ cuối:

Áo bào... độc hành

Đối với họ, còn sống là còn chiến đấu vì Tổ quốc, chiến đấu quên mình chẳng tiếc đời xanh, cũng vì hiểu rõ ý nghĩa cao đẹp của cuộc sống như thế nào nên họ chấp nhận một cái chết thật nhẹ nhàng thanh thản. Nếu trong hai câu thơ trên với cảm hứng lãng mạn Quang Dũng đã làm đẹp cuộc đời chiến đấu của người lính Tây Tiến bằng những từ ngữ Hán Việt mang sắc thái cổ kính (biên cương, viễn xứ, chiến trường) thì ở đây Quang Dũng vẫn tiếp tục cảm hứng đó: Cái áo bình thường sẽ đưa người chiến sĩ về nấm mộ của anh bỗng trở nên đẹp hơn, đậm màu chiến trận hơn và tăng thêm vẻ trang trọng thiêng liêng khi được gọi là “áo bào”. Còn cái chết của người chiến sĩ được diễn tả bằng hai chữ “về đất” – cách nói giảm như thế đã làm giảm bớt sự bi lụy, ghê sợ của cái chết đồng thời làm tăng thêm tính chất hào hùng thanh thản của sự hi sinh, mặt khác cách nói ấy còn tạo ra một ý nghĩa mới: Người chiến sĩ ngã xuống cũng là trở về với đất mẹ, trở về trong lòng Tổ quốc yêu thương. Đáng chú ý là trước cái chết của người đồng đội Quang Dũng không trực tiếp bày tỏ tình cảm của mình, ở đây chỉ có thiên nhiên chứng kiến và sông Mã cũng “gầm lên” đau đớn như cùng chia sẻ, cảm thông trước nỗi đau xót vô hạn. Do đó có thể nói “khúc độc hành” – tiếng sóng nước réo gào của sông Mã - là khúc nhạc bi tráng của đất trời, núi sông Tổ quốc tiễn biệt một người chiến sĩ hi sinh.

3. KẾT LUẬN

Sau đoạn thơ này, bài thơ đi vào kết thúc với những câu thơ ngậm ngùi bâng khuâng nhưng dạt dào thương nhớ. Sông Mã và Tây Tiến đều xa rồi, giữa nhà thơ với kỉ niệm năm xưa có một khoảng cách của thời gian và không gian thăm thẳm nhưng tấm lòng nhà thơ vẫn mãi gắn bó thiết tha với đoàn quân Tây Tiến, với những ngày Tây Tiến “Tây Tiến người đi không hẹn ước - Đường lên thăm thẳm một chia phôi - Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy - Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”