CÁC ĐỀ TIÊU BIỂU
1. Qua tùy bút Người lái đò Sông Đà, anh (chị) thấy Nguyễn Tuân đã miêu tả con sông này với những đặc điểm gì và vì sao nhà văn lại miêu tả như vậy?
2. Có người cho rằng, tùy bút Người lái đò Sông Đà là một bài ca ngợi ca con người Tây Bắc. Anh (chị) suy nghĩ như thế nào về ý kiến ấy?
3. Hãy tìm một số câu văn thể hiện tài năng của Nguyễn Tuân trong việc chọn lựa hình ảnh, tạo nhịp điệu, trong cách liên tưởng, so sánh.
4. Vì sao có thể nói, qua Người lái đò Sông Đà, Nguyễn Tuân đã chứng tỏ là một cây bút có kiến thức phong phú, đa dạng.
5. So sánh ông Huấn Cao (chữ người tử tù) và ông lái đò để nhận xét về phong cách Nguyễn Tuân sau 1945.
GỢI Ý LÀM BÀI
1. Con sông Đà cũng được nhà văn xây dựng thành một “nhân vật” có mặt suốt từ đầu đến cuối tác phẩm, góp phần không nhỏ tạo nên giá trị độc đáo của thiên tùy bút. Dưới ngòi bút tài hoa và uyên bác của Nguyễn Tuân, sông Đà không còn là một con sông vô tri, vô giác, như trăm ngàn con sông ta đã từng nhìn thấy, mà là một nhân vật có cá tính, có tâm trạng, có hoạt động thật phong phú và phức tạp. Tác giả đã có nhận xét khái quát: đây chính là “con sông Tây Bắc hung bạo và trữ tình”. Hai đặc điểm “hung bạo và trữ tình” này sẽ được nhà văn triển khai một cách tỉ mỉ và tài nghệ trong suốt cả bài tùy bút.
Miêu tả sông Đà, trước hết Nguyễn Tuân muốn tô đậm trong mỗi người đọc cách “hung bạo” của nó. Mở đầu thiên tùy bút Người lái đò Sông Đà, bằng những tư liệu phong phú và chính xác, nhà văn liệt kê một loạt con thác tính từ đất Vạn Yên trở về Thác Bờ thuộc địa phận Hòa Bình. Cái đáng sợ của sông Đà đâu phải chỉ ở những con thác, mà còn ở quang cảnh hùng vĩ với vẻ huyền bí, hoang sơ của dòng sông chảy giữa điệp trùng rừng núi của Tây Bắc. Đấy là những cảnh thật hiếm thấy: đá hai bên bờ sông dựng thẳng đứng như xây vách thành. Vì thế cả ngày mặt sông không có ánh nắng; chỉ khi nào đến giữa trưa, mặt trời rọi đúng đỉnh đầu, mặt sông chỗ ấy mới có ánh nắng. Rõ ràng, cách so sánh bờ sông dựng đứng như vách thành nói trên tạo ra được ấn tượng khá đậm về vách đá dựng đứng với độ cao hun hút khôn cùng. Chưa hết, “có chỗ vách đá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu”. Vì thế, dòng chảy của con sông bị thu lại rất hẹp. Để độc giả có thể hình dung rõ nét sự nhỏ hẹp của dòng chảy, Nguyễn Tuân đã sử dụng liên tiếp hai chi tiết: hẹp đến mức “đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách”; hẹp đến mức “con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia”. Như vậy, để miêu tả cảnh tượng hùng vĩ có phần huyền bí của dòng sông, nhà văn chẳng những sử dụng thị giác, mà ông còn kết hợp vận dụng các giác quan khác (như xúc giác) với những so sánh thật mới mẻ, bất ngờ. Vách thành dựng đứng gợi được sự hiểm trở, hùng vĩ. Còn lòng sông hợp lại gián tiếp gợi được sức nhảy ghê gớm, dữ dằn của thác lũ.
Tính chất hung bạo còn thể hiện qua cái dữ dằn của ghềnh sông với sự hợp sức của gió, của sóng và của đá, của những cái hút nước, những thác nước khủng khiếp. Nhiều thác nước như bày sẵn thế trận, sẵn sàng chặn đánh, tiêu diệt người lái đò, lái mảng; đặc biệt đối với những ai xuôi dòng. Nguyễn Tuân đã khiến cho sự dữ dội ấy hiện lên thành hình dáng cụ thể và gầm thét trong những âm thanh phong phú, tác động mạnh đến cả thính giác lẫn thị giác của người đọc.
Quả thật, ở ngoài đời, sông Đà vốn hung bạo, nhưng sự hung bạo này được nhân lên gấp bởi tài nghệ sử dụng đội quân Việt ngữ điêu luyện, công phu của Nguyễn Tuân. Miêu tả cái hung bạo của dòng sông thực ra là nhà văn muốn khắc họa sức mạnh kì diệu và vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ của sông Đà, nói rộng ra là của thiên nhiên Tây Bắc – mảnh đất mà ông yêu mến thiết tha.
Nhưng sông Đà đâu chỉ có hung bạo, đây còn là một dòng sông tuyệt vời thơ mộng. Nguyễn Tuân ví sông Đà như một áng tóc trữ tình. Tác giả ngắm nhìn sông Đà từ nhiều thời điểm, nhiều không gian khác nhau. Với tình cảm trìu mến thiết tha, nhà văn tinh tế phát hiện được một cách lí thú màu sắc của dòng sông biến đổi theo từng mùa. Xuân về, dòng sông xanh ngọc bích, tức là màu xanh rất đẹp vừa trong xanh lại vừa óng ánh “chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm, Sông Lô”; tuy cả ba con sông cùng chảy qua vùng phía Bắc của Tổ quốc. Khi thu sang, nước sông Đà chuyển thành màu “lừ lừ chín đỏ”... Như vậy, mỗi mùa dòng sông có một vẻ đẹp riêng. Chính vì thế, Nguyễn Tuân bực bội khi bọn thực dân cướp nước lại gọi một cách thô bạo sông Đà là dòng sông Đen - sông có màu đen.
Tác giả dành những đoạn văn hay nhất tả cảnh vật ven sông Đà. Để tôn thêm tính cách trữ tình của dòng sông, nhà văn sử dụng nhiều hình ảnh trong sáng, gợi cảm và đầy chất thơ. Qua mỗi câu văn, ta đều cảm nhận được tấm lòng trìu mến, hoan hỉ của ông đối với tạo vật. Nhịp điệu câu văn lúc thì hối hả, mau lẹ do cách ngắt câu và diễn đạt theo lối điệp (Bờ Sông Đà, bãi Sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên Sông Đà) để diễn tả niềm sung sướng đang trào dâng trong lòng tác giả. Lúc thì chậm rãi, như tãi ra để diễn tả cái vắng lặng rất nên thơ của con sông này: “Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm”.
Với một tình yêu thiên nhiên Tây Bắc tha thiết, tác giả “nhìn Sông Đà như một cố nhân” và nhớ mái ấn tượng: ở rừng lâu ngày, một lần “bám gót anh liên lạc” bất chợt bắt gặp dòng sông Đà lóa nắng, khiến ông nhớ tới một câu thơ đầy gợi cảm của Lí Bạch nói về buổi tiễn Mạnh Hạo Nhiên ở bên sông: Yêu hoa tam nguyệt hạ Dương Châu.
Vậy, vì sao nhà văn lại miêu tả con sông Đà với hai đặc điểm đối lập gay gắt? Trước hết, miêu tả sông Đà như vậy là phản ánh đúng dòng sông này ngoài đời. Ai đã từng có may mắn dọc theo sông Đà một lần dù đi vào mùa khô nước cạn, trên một con thuyền đuôi én, ngược dòng; hay trên một bè nứa về xuôi... thì đều có thể nhận xét: có những chỗ sông Đà cực kì dữ dằn, nguy hiểm, nhưng cũng có không ít chỗ hết sức dịu dàng, thơ mộng: Người lái đò Sông Đà là một bài tùy bút, nhưng có chất kí, tức là có cảnh một “nhân vật” có tâm trạng, có cá tính lúc thì hiền hòa, khi thì dữ dội, giống như con người; vì thế, lôi cuốn, hấp dẫn độc giả. Thứ ba, việc miêu tả Đà Giang với hai đặc điểm như vậy còn có tác dụng làm phông nền để khắc họa hình ảnh ông lái đò - một nghệ sĩ vừa dũng cảm vừa tài hoa trong nghề leo ghềnh vượt thác.
2. Người lái đò Sông Đà đúng là một bài ca ngợi con người Tây Bắc.
Ông lái đò trong tác phẩm này tiêu biểu cho những con người Tây Bắc đang ngày đêm âm thầm lao động dựng xây cuộc sống mới. Nguyễn Tuân khắc họa đậm nét hình tượng người lái đò trí dũng tài hoa, với một tình cảm yêu quí và khâm phục. Ông lái đò sinh ra bên bờ sông Đà. Con sông này cung cấp nguồn sống cho ông ngay từ khi còn để chỏm. Ông có ngoại hình và những tố chất khá đặc biệt. Thân hình cao to và gọn quánh như chất sừng chất mun, tay “lêu nghêu”, chân “khuỳnh khuỳnh”; giọng “ào ào như tiếng nước trước mặt ghềnh”; nhỡn giới “vòi vọi như lúc nào cũng mong một cái bến xa nào đó trong sương mù”... Miêu tả những điểm này, không những Nguyễn Tuân đã đưa đến cho người đọc một bức thảo chân dung vẽ được thần thái người lái đò, mà điều quan trọng hơn, nhà văn muốn nhấn mạnh đây là con người đã gắn bó với nghề sông nước từ nhiều năm. Vì thế, những đặc điểm của công việc đã hiển hiện rất rõ qua dáng hình ông.
Sau hàng chục năm xuôi ngược, ông lái đò hiểu biết tường tận về dòng sông hay trái tính trái nết này. Tuy đã “nghỉ đò” nhưng ông vẫn “nhớ tỉ mỉ như đóng đanh vào lòng tất cả những luồng nước của tất cả những con thác hiểm trở”, vẫn “nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá”, “thuộc qui luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở”, vẫn biết rõ từng cửa tử, cửa sinh trên những “thạch trận” Sông Đà. Nói như Nguyễn Tuân, ông lái đò đã “nắm được qui luật tất yếu của dòng sông nước Sông Đà”. Và chính nhờ nắm được qui luật tất yếu ấy ông luôn tự do và tự tin.
Ông lái đò còn là một người có tài nghệ đặc biệt trong nghề leo ghềnh vượt thác. Để làm nổi bật đặc điểm quan trọng này, Nguyễn Tuân đã tạo ra một cuộc vượt thác có một không hai, bằng vốn từ vựng giàu có và kiến thức uyên bác về nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực quân sự và võ thuật. Ở đó, ông lái đò xuất hiện như một viên tướng tả xung hữu đột trong một trận đồ bát quái, nhiều cửa nhiều vòng, mỗi vòng đều có những viên tướng đá dữ dằn, nham hiểm đón đánh. Người lái đò chỉ cần có một sơ suất nhỏ, thì trong nháy mắt đã có thể phải trả giá bằng chính tính mạng của mình.
Thì ra, với Nguyễn Tuân, chủ nghĩa anh hùng đâu chỉ ở nơi giáp mặt với quân thù, mà có thể xuất hiện hằng ngày trong cuộc sống lao động của bao con người bình thường giản dị, không tên tuổi, ở ngay cả những nơi xa xôi, hẻo lánh của Tổ quốc. Cuộc sống lao động của người lái đò vô danh nơi hoang vu kia xứng đáng là một thiên anh hùng ca lao động.
3. Trong tùy bút Người lái đò Sông Đà, đúng là Nguyễn Tuân đã sáng tạo được những câu văn đầy hình ảnh và nhịp điệu với những so sánh, liên tưởng rất táo bạo, bất ngờ. Dưới đây chỉ là một vài ví dụ:
- “Con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đài tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”.
- “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”.
4. Đọc tùy bút Người lái đò Sông Đà, ta được cung cấp những tri thức thuộc nhiều ngành nghệ thuật và khoa học khác nhau: tri thức về địa lí: sông Đà bắt nguồn từ đâu, “nhập quốc tịch” Việt Nam ở đâu, chiều dài bao nhiêu, có những con thác nào..; tri thức về lịch sử: khu vực sông Đà thời phong kiến thuộc đạo lộ nào, nhất là trong thời thực dân Pháp thống trị và thời kháng chiến chống Pháp, sông Đà đã chứng kiến những sự kiện gì, tri thức về quân sự và võ thuật: tả thạch trận và cuộc vượt thác; tri thức về văn học: tục ngữ, ca dao, truyền thuyết, thơ Đường, thơ Nguyễn Quang Bích, thơ Tản Đà... ; tri thức về điện ảnh: tả hút nước sông Đà; tri thức về âm nhạc: tả âm thanh của thác nước; tri thức về hội họa, điêu khắc: tả màu sắc sông Đà, cảnh thiên nhiên ven sông Đà, tả vóc dáng ông lái đò...
5. Hình tượng ông lái đò trong tùy bút này và hình tượng nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù có điểm giống nhau: họ đều được Nguyễn Tuân xây dựng như những nhân vật tài hoa nghệ sĩ. (Huấn Cao là một nghệ sĩ có tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp, ông lái đò tuy là người lao động bình thường nhưng có thể coi là một nghệ sĩ trong nghệ thuật leo ghềnh vượt thác). Tuy vậy, họ có nhiều điểm khác nhau: Huấn Cao là con người của quá khứ, của lịch sử, nay chỉ còn “vang bóng”, ông lái đò là con người của hiện tại, của hôm nay; Huấn Cao là người đặc biệt, siêu phàm, ông lái đò là con người bình thường của cuộc sống thường nhật; Huấn Cao đối lập sâu sắc với xã hội, trở thành kẻ tử thù của xã hội bất công, ông lái đò là một nhân vật đang ngày đêm đem sức lực và trí tuệ xây dựng quê hương đất nước...
Điều đó nói lên phần nào đặc điểm phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân với sự ổn định lẫn sự vận động trong phong cách đó ở hai giai đoạn trước và sau Cách mạng tháng Tám.