BÀI LÀM
Trong bài thơ, hình tượng người mẹ hiện lên qua dòng hồi tưởng dào dạt nỗi nhớ niềm thương và lòng biết ơn của người con. Nhìn “chân nhang lấm láp tro tàn”, người còn liên tưởng đến dáng hình tất tưởi của mẹ những ngày còn sống “xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào”. Từ cái ấn tượng chung ấy, người con hình dung mẹ trong trang phục quá đơn sơ, thiếu thốn của một người nghèo khổ ở làng quê xưa. Mẹ không có nón quai thao, yếm đào – những thứ trang sức thường ngày của các cô gái, mẹ chỉ có cái mê nón (tức phần chóp còn lại của chiếc nón đã rách) và bộ váy áo nhuộm nâu lại dãi dầu bùn đất, nắng mưa. Đôi tay phụ nữ của mẹ yếu mềm như “tay bí tay bầu”, vậy mà cả đời phải “rối ren”, bận bịu, lo toan, thu xếp mọi việc cửa nhà. Dù phải chịu đựng mọi nhọc nhằn, vất vả, nhưng mẹ đã làm tất cả để nuôi con, cho con có một tuổi thơ êm đềm như những đứa trẻ khác với trái hồng, trái bưởi Trung Thu, với chiếc chiếu rải trên sân thảng thơi nằm đếm sao trời và thả hồn theo trí tưởng tượng lên cao. Nhưng mẹ không chỉ nuôi con nên người bằng dòng sữa của mình, bằng những lam lũ thường ngày của mình, mà mẹ còn dạy dỗ con thành người bằng lời ru thấm đẫm những lẽ đời sâu xa. Tình yêu thương vô bờ của mẹ với con thể hiện rõ nhất ở lòng vị tha, đức hi sinh: mẹ nhằn ra từng mẩu xương cá nhỏ lẫn vào thức ăn, mẹ nhai cơm thật kĩ để mớm cho đứa con thơ dại, dưới mái nhà dột đêm mưa, mẹ nằm chỗ ướt để nhường chỗ khô ráo cho con an giấc ngủ say,... Không thể nào kể hết những gì mà mẹ đã làm để nuôi dạy con lớn khôn. Bài thơ đã dựng lên một hình tượng chân thực về người mẹ Việt Nam, có sức lay động sâu xa tâm hồn mọi người con dù ở bất cứ nơi đâu.