BÀI LÀM
Chế Lan Viên là nhà thơ lãng mạn nổi tiếng trong phong trào Thơ mới. Nếu trước Cách mạng, tác giả đã từng viết:
Với tôi tất cả đều vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau
và ông đã từng mong có được một “tinh cầu giá lạnh” để ẩn thân trốn tránh mọi đau khổ, thì sau cách mạng, trong sự đổi mới của đất nước, của nhân dân nhà thơ đã làm một cuộc hóa thân kì diệu tìm về với nhân dân và cũng là với chính mình. Tiếng hát con tàu chính là tiếng thơ tiêu biểu cho sự đổi mới ấy của thơ Chế Lan Viên. Bài thơ là khúc ca say mê rạo rực và lãng mạn của một hồn thơ đang tìm đến “cánh đồng vui”. Nó tiêu biểu cho phong cách thơ Chế Lan Viên vừa trữ tình, lãng mạn vừa đậm chất triết lí, giàu chất trí tuệ. Trong khúc hát ấy, hay nhất, dễ thuộc, dễ nhớ nhất có lẽ là đoạn thơ:
... Nhớ bản sương giăng nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương?
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn
Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương...
Bài thơ ra đời trong những năm tháng miền Bắc đang bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đất nước đang rất cần những con người đi khai phá vùng đất mới xây dựng kinh tế. Các văn nghệ sĩ cũng đang tự vượt mình để đi tới “cánh đồng vui”, nhằm góp sức xây dựng đất nước. Chế Lan Viên cũng vậy, ông đang cùng con tàu tâm hồn của mình tìm về với nhân dân, với cảnh, với cảnh vật Tây Bắc, với cuộc sống bình dị mà đầy ắp chất liệu và cảm hứng nuôi dưỡng thơ ông. Trên con tàu trong cuộc hành trình ấy, Chế Lan Viên đã nhớ lại, gặp lại những con người, những cảnh vật Tây Bắc thân thương. Ông nhớ những con người bình dị, những anh du kích, những em liên lạc, những chị nuôi quân và cả người mế già đầy tình nghĩa. Tất cả đã trở thành sợi dây thiêng liêng nối kết nhà thơ với mảnh đất này:
Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương
Thường trực trong tâm hồn nhà thơ là nỗi nhớ, một nỗi nhớ không “chơi vơi” như Quang Dũng mà nó là một nỗi nhớ rất cụ thể. Cảnh vật Tây Bắc hiện lên thật đẹp, thật hùng vĩ. Những ngọn núi, những sườn đèo, những áng mây, tất cả đều rất tự nhiên đi vào thơ ông, sống động và đẹp đến diệu kì. Nhớ con người rồi nhớ đến mảnh đất, nỗi nhớ của nhà thơ đi từ cái nhỏ đến cái lớn, từ chi tiết đến tổng thể. Ông nhớ đất Tây Bắc bởi vì đó là nơi những con người nhân nghĩa thủy chung đang sống. Và kia, cảnh vật Tây Bắc vẫn còn đó, vẫn ẩn hiện thấp thoáng trong sương khói mây ngàn. Sương khói ở đây, có lẽ cũng chính là sương khói của hoài niệm, của nỗi vấn vương lưu luyến trong lòng nhà thơ về một Tây Bắc ân tình thủy chung. Vì thế cho nên:
Nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương
Câu thơ là một sự thực của tình cảm con người tuy rất giản dị nhưng sâu sắc mà thấm thía. Câu thơ như là minh chứng cho sự thật, một sự thật được rút ra từ chính sự trải nghiệm thấm thía của nhà thơ. Hai câu thơ với đôi ba hình ảnh, tuy ngắn gọn nhưng gợi thật nhiều, thật sâu sắc, là cái gì đó cụ thế, là điểm tựa để nhà thơ viết tiếp hai câu thơ tuyệt bút:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn
Rõ ràng từ nghĩa thực, nghĩa cụ thể - nỗi nhớ Tây Bắc - nhà thơ đã nâng lên thành nghĩa khái quát tượng trưng. Đất là nơi ta đến và cũng là nơi ta ở với bao kỉ niệm buồn vui, bao nghĩa tình sâu nặng. Đất là nơi chứng kiến và ghi nhận toàn bộ những hành động những công việc, những niềm vui, nỗi buồn, và có khi là toàn bộ cuộc đời của một con người. Mảnh đất cũng như “con người”, cũng sinh ra, cũng sống rồi cũng chết nhưng đất là một “con người câm”. Nó chỉ nhìn, chỉ nắm bắt, chỉ phát sinh ra sự sống nhưng nó không thể nói thành lời. Có lẽ chính vì vậy mà trong cuộc sống bươn chải hằng ngày, mấy người chúng ta nghĩ tới đất và tình yêu với mảnh đất mình sống cũng bị bỏ qua. Nhưng rồi, một ngày ta đi xa, ta trở thành người của một vùng đất khác thì ta sẽ thấy đất hóa thành ngọc thành vàng. Nó trở nên cao quý và đáng trân trọng, bởi vì toàn bộ mảnh đất ấy được bao bọc bởi kỉ niệm. Mảnh đất Tây Bắc, nơi ta sống những ngày gian khổ, nơi cái chết và sự sống không có ranh giới lại càng đáng nhớ đáng trân trọng hơn. Có lẽ chính vì thế mà hai câu thơ chứa chan, tràn đầy tình cảm yêu thương.
Khi ta ở đất chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn
Quả đúng là khi ta ở thì đất chưa hóa tâm hồn. Nhưng lẽ nào vườn rau, bụi chuối, căn nhà, tiếng chim... không đọng lại chút gì trong tâm hồn ta, không đáng để ta biến nó thành tâm hồn? Quá trình để đất thành hồn là cả một quá trình vận động của tiềm thức. Khi kỉ niệm lắng sâu vào kí ức, khi khách thể hòa nhập vào chủ thể, khi sự sống bên ngoài được soi bóng, được in dấu vào đời sống của mỗi người thì nó sẽ trở thành một phần của cuộc đời, sẽ thành một mảng tâm hồn theo ta trong cả cuộc đời. Lúc chúng ta nhận ra đất “hóa tâm hồn” cũng chính là lúc chúng ta xa đất. Quả thực, Chế Lan Viên đã rất tinh tế và tài tình khi nhận ra được quá trình vận động phức tạp mà mãnh liệt ấy, lại càng tài tình hơn khi ông đưa được nó vào thơ, làm cho nó trở thành linh hồn của bài thơ, trở thành một triết lí. Đó cũng là nét độc đáo, nét rất riêng của thơ Chế Lan Viên.
Có nhiều người không biết vô tình hay hữu ý đã thay chữ “đã” trong câu thơ: “Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn” thành chữ “bỗng”. Quả thực chữ “bỗng” gợi cho ta một cảm giác mạnh hơn nhưng sao nó có vẻ bột phát và tức thì làm vậy. Ca dao Việt Nam có câu:
Cầm lược thì nhớ tới gương
Cầm khăn nhớ áo, nằm giường nhớ nhau
Phải có gương, lược, khăn áo rồi mới nhớ nhau. Đó là cả một quá trình thay đổi từ từ trong tâm lí của một con người chứ đâu có bột phát. Là một “kĩ sư tâm hồn”, Chế Lan Viên đã nắm chắc được quy luật ấy vì vậy ông đã chọn chữ “đã”. “Đã” gợi đến cả một quá trình, nó dần dần, sâu lắng, thủ thỉ, thấm dần thấm dần cô đúc dần thành tâm hồn để rồi khi đi xa, thì ta nhận ra “đất đã hóa tâm hồn”. Chữ “đã” đắt hơn chữ “bỗng” chính là ở chỗ đó. Quả thực, nghệ thuật chọn từ ngữ của Chế Lan Viên đã trở thành bậc thầy, không câu nào thừa, không từ nào thừa, dù chỉ là một chữ, không chữ nào có thể đổi chỗ cho nhau và cũng như không chữ nào có thể thay cho chữ “đã” trong câu trên. Quả thực Chế Lan Viên đã:
... trả chữ với giá cắt cổ
Như khai thác chất hiếm (radium)
Lấy một gam phải mất hàng năm lao lực
Lấy một chữ phải mất hàng tấn quặng ngôn từ
(Malakôpxki)
Đó có lẽ nào không phải là một phong cách, một nghệ thuật độc đáo của thơ Chế Lan Viên. Hai câu thơ như một phát điện, một triết lí về quy luật tình cảm mà không khô khan, giáo huấn vì nó được rút ra từ sự rung động của trái tim, kết tinh từ sự sống, tình cảm của chính tác giả. Có lẽ chính vì thế mà người đọc yêu thơ, ông thích đọc thơ ông.
Mạch thơ tiếp theo là sự suy ngẫm về tình yêu và miền đất lạ.
Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương
Bốn câu thơ lấp lánh màu sắc rực rỡ, xôn xao của sự sống. Tâm trạng nhà thơ như rung động mơ hồ trong thế giới đầy ắp tình yêu và căng tràn nhựa sống. Nhà thơ bỗng nhớ đến em, nhớ đến tình yêu thủy chung đậm đà. Trên con tàu tìm về quê hương lại nhớ đến người yêu, lãng mạn quá, tươi đẹp quá. Nhưng đúng như mọi bài thơ khác của Chế Lan Viên, như phong cách nghệ thuật của thơ ông, trong cái lãng mạn bao giờ cũng có một triết lí sâu sắc. Nói tới nỗi nhớ trong tình yêu lãng mạn giữa anh và em, nhà thơ ví với những quy luật đất – trời “đông về nhớ rét” với cái gần gũi của tình yêu “như cánh kiến hoa vàng” và vẻ đẹp của tình yêu thì như “xuân đến chim rừng lông trở biếc”. Mỗi sự vật hiện tượng chỉ tồn tại và sinh thành được trong mối quan hệ với sự vật và hiện tượng khác. Tình yêu cũng vậy. Nó sinh ra trong cuộc sống, trong lao động chiến đấu và trong cả những cuộc gặp mặt hằng ngày. Có tình yêu là có sự sống và có sự sống là có tình yêu, chúng khăng khít và gắn chặt như mùa đông với giá lạnh. Dùng hai sự vật đối lập nhau: Tình yêu và giá lạnh, mùa đông và sự sống, quả thực Chế Lan Viên đã rất tài tình, rất tinh tế. Nhà thơ đã so sánh rất đúng và rất trúng. Và rồi ông reo lên khi phát hiện ra một quy luật nữa của tình yêu, một chân lí nữa của cuộc sống:
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương
Các cụ ta thường nói “Đất lành chim đậu”, con người cũng vậy luôn tìm nơi yên ổn thanh bình để sinh sống, làm ăn. Và hình như nơi đâu có tình yêu nơi đó có sự sống. Tình yêu là cái gì đó rất cao cả, nó nhân đạo hóa con người, làm cho cuộc sống trở nên gắn bó thân thương:
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương
Câu thơ như một mệnh đề ngắn gọn mà cô đúc, thật giản dị nhưng cũng thật cao cả. Ý nghĩa của câu thơ không bó hẹp trong tình yêu nam nữ, lứa đôi mà đó chính là tình yêu của con người với con người, con người với đất nước, quê hương. Ở đâu thắm thiết tình người thì ở đó là quê hương. Đó có lẽ chính là ý nghĩa sâu xa của câu thơ.
Rõ ràng khổ thơ là sự kết hợp hài hòa nhuần nhị giữa chất trữ tình bay bổng và triết lí sâu sắc, thâm thúy. Cũng là triết lí, nhưng triết lí của Chế Lan Viên không giống Huy Cận, cũng không giống Tố Hữu. Chế Lan Viên có một nét gì đó rất siêng, rất hiện đại. Những triết lí của ông không quá cao siêu rộng lớn, nó chỉ là những triết lí nhỏ nhưng quan trọng của tâm hồn con người, nó rất sống, rất gần gũi và rất dễ đi vào lòng người. Và vì thế, thơ ông ai cũng có thể đọc được, ngâm nga cũng được, bình phẩm cũng được. Nhưng để hiểu sâu, hiểu kĩ thì thật khó khăn. Sự kết hợp cảm xúc trữ tình và suy tưởng, nâng cao cảm xúc thành những suy nghĩ triết lí là thành công của đoạn thơ này.
Hình ảnh trong thơ Chế Lan Viên thường mới lạ, độc đáo, tạo nên bởi những liên tưởng so sánh thông minh, tài hoa sáng tạo đó là thế mạnh của ngòi bút Chế Lan Viên. Phát huy thế mạnh ấy nhà thơ đã kết lên hàng chùm những câu thơ, những hình ảnh đặc sắc vừa gần gũi dung dị, lại vừa sâu lắng cao cả. Cái tài trong năng lực dùng từ, sáng tạo hình ảnh của nhà thơ không lấn át mà lại càng tôn lên cái tình của nhà thơ đối với đất nước, đối với con người tạo nên một ấn tượng thẩm mĩ độc đáo đầy cá tính. Tất cả thành công đó đã tạo nên một phong cách nghệ thuật độc đáo nhất, vừa trữ tình sâu lắng vừa giàu chất trí tuệ suy tưởng - phong cách Chế Lan Viên.