GỢI Ý LÀM BÀI
Các ý chính:
1. Về tác giả và tác phẩm
- Nguyễn Minh Châu là nhà văn xuất sắc, có vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam hiện đại cả trước và sau mốc 1975. Ông có nhiều tìm tòi và thử nghiệm trong sáng tạo nghệ thuật (cả tiểu thuyết lẫn truyện ngắn). Cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược và con người trong cuộc kháng chiến đó được ông cắt nghĩa với cái nhìn khách quan để phát hiện vẻ đẹp tâm hồn và hành động anh hùng của họ...
- Mảnh trăng cuối rừng (lúc đầu có tên là Mảnh trăng) là truyện ngắn xuất sắc tiêu biểu cho phong cách của Nguyễn Minh Châu thời chống Mĩ cứu nước. Truyện rút từ tập Những vùng trời khác nhau (1970) của ông, miêu tả cuộc tình đẹp giữa Nguyệt và Lãm thời chiến tranh. Cảm hứng bao trùm của truyện là cảm hứng lãng mạn, trữ tình trên cái nền hiện thực...
2. Phân tích vẻ đẹp của nhân vật Nguyệt
Nguyệt là nhân vật trung tâm của truyện, được tác giả miêu tả như “những viên ngọc ẩn giấu” trong sâu thẳm tâm hồn con người, được bộc lộ dần qua cảm nhận của Lãm từ ngoại hình đến tâm hồn.
- Nguyệt là cô gái đẹp, hiện thân của sự tinh khiết, trẻ trung và tươi sáng.
+ Qua cái nhìn của Lãm, vẻ đẹp của Nguyệt hiện ra qua những ánh sáng khác nhau: qua ánh đèn gầm, Nguyệt hiện ra tinh khiết, thanh sạch (đôi gót chân hồng sạch sẽ, đôi dép cao su cũng sạch sẽ...); qua ánh đèn xe xích loang loáng, Nguyệt hiện ra nhẹ nhàng, kín đáo (một vẻ đẹp giản dị, mát mẻ như sương núi...); dưới ánh trăng, Nguyệt đẹp một cách kì ảo, lạ thường (mái tóc dày và trẻ trung, khuôn mặt tươi mát ngời lên vẻ đẹp lạ thường...).
+ Qua lời kể của chị Tính, Nguyệt càng đẹp (trên đời khó mà tìm được một người con gái như thế...).
- Nguyệt là cô gái dũng cảm biết sống vì người khác.
+ Trong chiến đấu, Nguyệt càng dũng cảm và dày dạn kinh nghiệm (khi xe Lãm bị máy bay đuổi, Nguyệt nhanh nhẹn dẫn đường, làm cọc tiêu cho xe đi theo, dũng cảm dập lửa cứu xe cháy, nhận hiểm nguy về mình, khi bị thương vẫn mỉm cười...).
+ Trong cuộc sống, Nguyệt đầy nữ tính, biết quan tâm, sống vì người khác (“Anh cho em đi nhờ xe, lúc khó khăn lại bỏ anh ư?”).
- Nguyệt là cô gái có tình yêu trong sáng và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống.
+ Tự nguyện đính ước với Lãm – người chưa quen biết – nhưng Nguyệt vẫn trung thành, thủy chung (“Qua bao năm tháng sống giữa bom đạn và tàn phá... vậy mà Nguyệt vẫn không quên tôi sao?”, “cái sợi chỉ xanh óng ánh ấy, bao nhiêu bom đạn giội xuống cũng không hề đứt, không thể nào tàn phá nổi ư?”...). Con người ấy khiến cho Lãm “dấy lên một tình yêu gần như mê muội lẫn cảm phục”.
- Vẻ đẹp của Nguyệt hòa nhập vào ánh trăng.
+ Đây là bút pháp lãng mạn của Nguyễn Minh Châu, tạo cho Nguyệt một vẻ đẹp hiếm có (xe chạy trên lớp sương bồng bềnh, anh lái xe cũng bồng bềnh trong tâm trạng lạ lùng giữa hư và thực).
+ Ánh trăng từ ngoại nhập vào trong cửa xe, hòa nhịp với hình ảnh cô gái đến nỗi “từng sợi tóc của cô cũng sáng lên”, khuôn mặt cô ngời lên trong ánh trăng (“Trăng sáng soi thẳng vào khuôn mặt Nguyệt, làm cho khuôn mặt tươi mát ngời lên vẻ đẹp lạ thường”).
+ Ánh trăng như là một phần của hình tượng Nguyệt khiến cho nhân vật mang vẻ đẹp vừa tươi mát, dịu dàng vừa kì ảo, lung linh.
3. Nét đặc sắc nghệ thuật
- Vẻ đẹp của Nguyệt hiện dần lên qua con mắt nhìn ngắm và sự cảm nhận của Lãm (đây là nét đặc sắc trong nghệ thuật xây dựng nhân vật). Hiệu quả của nó là tác giả không trực tiếp miêu tả mà nhân vật vẫn hiện lên trọn vẹn, khách quan qua cảm nhận của nhân vật khác.
- Vẻ đẹp ấy mang tính chất phát hiện, từng lúc từng vẻ đẹp, để cuối cùng bộc lộ toàn vẹn vẻ đẹp của nhân vật, khiến cho người đọc hồi hộp theo dõi và thú vị nhận ra các tình huống truyện, qua đó thấy được sự chuyển biến về tình cảm, thái độ của nhân vật (cả Nguyệt và nhân vật người kể chuyện).
- Tác giả khai thác triệt để những tương phản, đối nghịch để làm hiện lên ánh sáng lạ thường của cái đẹp, cái thiện của con người Việt Nam trong chiến tranh (chiến tranh hủy diệt đối lập với tình yêu và sự sống của con người...).
- Tạo tình huống cho câu chuyện tình rất lạ (yêu qua giới thiệu, chưa biết mặt nhau, lại gặp nhau trong trò ú tim, khi nhận ra nhau thì đã xa rồi), tạo nên tính chập chờn, hư ảo, hồi hộp của truyện.
Ánh trăng và Nguyệt là hình tượng sóng đôi, đẹp như một tứ thơ trăng - thiếu nữ, hai vẻ đẹp hòa quyện. Ánh trăng đi suốt câu chuyện tình làm cho truyện thêm huyền ảo, mơ hồ, giàu kịch tính.
4. Vẻ đẹp của Nguyệt qua cảm nhận của Lãm, cũng tức là qua con mắt phát hiện của tác giả. Đó là vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng của con người Việt Nam trong chiến tranh; đồng thời, đó cũng là tình yêu thủy chung và niềm tin trong sáng vào cuộc sống với tấm lòng vị tha và đức hi sinh cao cả...
Nguyễn Minh Châu đã đi tìm và đã phát hiện được “viên ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người” và lưu giữ lại trong người đọc một hình tượng đẹp như Mảnh trăng cuối rừng.