GỢI Ý LÀM BÀI

Các ý chính:

1. Giới thiệu khái quát về bài thơ và vị trí của bốn câu thơ trích.

- Tây Tiến là bài thơ hay nhất của Quang Dũng được viết vào cuối năm 1948 khi ông rời đơn vị Tây Tiến (mà ở đó ông từng là đại đội trưởng) và nhớ về kỉ niệm gắn bó một thời với Tây Tiến.

- Bốn câu thơ được trích trong đoạn đầu của bài thơ Tây Tiến đã tái hiện lại bức tranh hoành tráng, hùng vĩ và thơ mộng của núi rừng Tây Bắc với sự hoang sơ, heo hút, khắc nghiệt, hiểm trở, với sự hùng vĩ, dữ dội mà trữ tình, thơ mộng. Cảnh thơ không chỉ nói lên sự vất vả, khó khăn, gian khổ mà còn diễn tả được vẻ hào hùng, tài hoa và tinh thần lãng mạn của người lính Tây Tiến.

2. Bức tranh thơ được miêu tả dưới nhiều điểm khác nhau (nhìn lên cao, nhìn xuống thấp, nhìn ra xa) tô đậm chất hoành tráng với độ cao chót vót, chiều sâu thăm thẳm và bề rộng trải dài đến hút tầm mắt. Dưới cái nhìn đậm màu sắc lãng mạn, cảnh vật thiên nhiên như được nhân lên cả về sự hiểm trở lẫn nên thơ của núi đèo Tây Bắc.

3. Bốn câu thơ sử dụng nhiều từ ngữ giàu giá trị tạo hình (khúc khuỷu, thăm thẳm, cồn mây, súng ngửi trời, ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống...), cách ngắt nhịp độc đáo và lối tiểu đổi của các câu thơ “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”. “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”, cùng với sự phối hợp các thanh trắc ở ba câu đầu làm cho hình ảnh thơ giàu chất hội họa diễn tả thật đắc địa sự trùng điệp, hiểm trở của núi đèo Tây Bắc và những thử thách khắc nghiệt, gian khổ của người lính Tây Bắc.

- “Súng ngửi trời” là sự sáng tạo hình ảnh lạ của nhà thơ - người lính, là một cách nói vui, tinh nghịch về cách đo chiều cao riêng của lính. Hình ảnh “súng ngửi trời” đã bắc được một nhịp cầu phi lôgíc giữa hai sự vật cách xa nhau trong không gian, trong thời gian (tạo liên tưởng về hình ảnh “đầu súng trăng treo” trong thơ Chính Hữu).

- Câu thơ thứ tư toàn thanh bằng tạo âm hưởng, nhịp điệu dàn trải (sau ba câu trên với tiết tấu mạnh, khỏe, gay gắt) làm cho sự hoang vu, heo hút trở nên gần gũi, ấm áp, sự hùng vĩ hiểm trở mang nét trữ tình thơ mộng, đồng thời làm toát lên chất trẻ trung, lạc quan của những chàng trai Tây Tiến.