DÀN Ý

I. TÁC GIẢ

- Nguyễn Khoa Điềm - sinh năm 1943 - ở Huế. Tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội.

- Năm 1964 trở về quê hương tham gia chiến đấu. Thuộc lớp nhà thơ lớn lên trong những ngày hòa bình, được học tập dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.

- Đã từng là Tổng biên tập tạp chí Sông Hương, Tổng thư kí Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên.

- Hiện là Tổng thư kí Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin.

- Tác phẩm tiêu biểu: Đất ngoại ô (1971), Mặt đường khát vọng (1972), Đất và khát vọng (1974).

II. TÁC PHẨM

- Hoàn cảnh sáng tác:

• Trích từ chương V - có tựa đề Đất nước trong bản trường ca Mặt đường khát vọng - ra đời 1971 - khi Nguyễn Khoa Điềm đang tham gia chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên.

• Là sáng tác viết nhằm mục đích thức tỉnh thanh niên, tuổi trẻ thành thị miền Nam xuống đường đấu tranh.

- Thể loại trường ca:

• Đặc điểm chung:

+ Những bài thơ dài – thường chia thành nhiều chương, khúc.

+ Đề tài tập trung vào những vấn đề lớn của thời đại, lịch sử, xã hội.

+ Giọng điệu sôi nổi, hào hùng, hình ảnh hoành tráng.

• Trường ca Mặt đường khát vọng:

+ Gồm 9 chương.

+ Viết về nhận thức của Nguyễn Khoa Điềm - lớp trẻ về tội ác của giặc Mĩ, cuộc sống của dân tộc, về đất nước, về trách nhiệm của tuổi trẻ đối với đất nước, với cuộc kháng chiến.

III. NỘI DUNG CHÍNH

Cảm nhận về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm

- Đất nước gắn liền với cuộc sống nhân dân bình dị (9 câu đầu)

• Đất nước gắn liền với những sự vật, những hình ảnh cụ thể về sự vật hết sức gần gũi, thân quen: Câu chuyện cổ “ngày xửa ngày xưa”, “miếng trầu”, “cây tre”, “gừng cay muối mặn”, “kèo, cột”, “hạt gạo”.

• Đất nước gắn liền với những mối quan hệ thân thiết ruột rà: với bà, với cha, với mẹ, với cộng đồng “dân mình”.

→ Đất nước là những gì rất gắn bó, thân thiết, ruột thịt. Lịch sử hình thành và trường tồn của đất nước gắn liền với cuộc sống dài lâu, gian lao mà tình nghĩa, lao động và chiến đấu anh dũng chống ngoại xâm để xây dựng và bảo vệ đất nước.

• Nghệ thuật: Lối thơ như kể, như nhỏ to tâm sự, giãi bày, chất liệu được mượn từ tình ý của ca dao, truyện cổ dân gian có sức lôi cuốn, thuyết phục.

- Đất nước gắn liền với những không gian gợi cảm (6 câu tiếp)

• Không gian sinh hoạt “nơi anh đến trường, nơi em tắm”.

• Không gian tình cảm rất riêng của lứa đôi “nơi ta hò hẹn”, “nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”.

• Không gian của những truyền thuyết hùng vĩ “nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”, “nơi con cá ngư ông móng nước biển khơi”.

Đất nước đã trở nên hữu tình, thân thiết vô cùng: là mảnh đất nơi ta lớn lên, là núi cao, sông dài, núi rừng, biển bạc, là kỉ niệm của tuổi trẻ, của tình yêu.

• Nghệ thuật nổi bật: Nghệ thuật chơi chữ, những câu thơ giàu chất suy luận, triết lí, hình ảnh gần gũi với những chất liệu từ ca dao dân ca.

- Đất nước gắn liền với cội nguồn thiêng liêng (14 câu tiếp)

• Đất nước là điểm hội tụ của nhân dân, của cộng đồng: “nơi dân mình đoàn tụ”.

• Đất nước là sự tiếp nối đầy ý thức trách nhiệm của bao thế hệ, gắn liền với một cội nguồn thiêng liêng rất đỗi tự hào.

“Lạc Long Quân...

... Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”

• Đất nước là nơi đất lành chim về, nước thiêng rồng ở - là cội nguồn con Rồng cháu Tiên.

→ Đất nước là lịch sử.

- Đất nước hiện hữu trong từng người, mỗi ngày (13 cầu tiếp)

• Đất nước không chỉ hiện hữu xung quanh chúng ta, mà đất nước còn có trong mỗi con người, làm nên sự sống thiêng liêng, cao đẹp của mỗi con người “trong anh và em”, “đều có một phần Đất nước”.

• Trong sự gắn bó hòa hợp của mỗi con người, của anh và em, của mọi người. Đất nước sẽ trở nên hài hòa, lớn lao, thắm đẹp.

• Tình yêu đất nước là tình yêu máu thịt, yêu chính sự sống của mình.

• Trách nhiệm của mỗi con người đối với đất nước rất cụ thể, rất cao cả, thiêng liêng: “gắn bó, san sẻ, hóa thân cho dáng hình xứ sở”. Là trách nhiệm yêu thương, chia sẻ cùng đất nước, và khi cần, phải biết hi sinh cho đất nước. Có như vậy, đất nước mới trường tồn đến muôn đời.

- Đất nước hôm nay “Sau bốn nghìn năm” là đất nước nhân dân

• Những con người bình dị, những cuộc đời nhỏ bé, những tâm hồn cao đẹp đã góp phần làm nên vóc dáng hình hài đất nước “núi Vọng Phu, hòn Trống Mái, Hạ Long, núi Bút non Nghiên, đất Tổ Hùng Vương”...

• Những con người đã thầm lặng đi qua cuộc đời, sống đầy trách nhiệm đối với đất nước đã góp phần mình vào sự bền vững, phát triển của đất nước: “Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi...”.

- Lời thơ rất giản dị, chân tình đã thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và tình yêu thiết tha, nồng ấm của nhà thơ, của tuổi trẻ đối với đất nước.

- Là một trong những sáng tác thành công của nhà thơ.