BÀI VĂN
Nhà văn Xô viết lỗi lạc, người có công đầu trong việc tạo lập nền văn học Xô viết M.Gorki (1858 - 1936) ngay từ thuở ấu thơ đã phải trải qua một cuộc sống trăm ngàn cay đắng. Mới lên mười tuổi, mồ côi cha mẹ. A.M.Pescốp (tên thật của nhà văn) đã phải lăn vào đời, làm đủ nghề, nay đây mai đó để kiếm sống. Mười lăm năm tôi luyện trong trường đời gian khổ, với ý chí nghị lực phi thường, với niềm khát khao hiểu biết, say mê học hỏi đồng thời là lòng nhân hậu... A.Pescốp đã vượt lên số phận, vươn tới ánh sáng văn hóa và trở thành nhà văn M.Gorki (trong tiếng Nga có nghĩa là nhà văn của sự cay đắng).
Trong hơn bốn mươi năm cầm bút (bắt đầu từ 1892), M.Gorki đã viết hàng chục tiểu thuyết, trong đó có nhiều tác phẩm nổi tiếng như Cuộc đời Klim Xamghin, Người mẹ; hàng trăm truyện vừa, truyện ngắn, bút kí, chân dung văn học; hàng chục vở kịch (Dưới đáy) và nhiều bài phê bình, phát biểu xuất sắc. Toàn bộ sáng tác của ông gắn liền với số phận nhân dân Nga, đất nước Nga, lịch sử - xã hội Nga trong thời đại vang dội của những người Cách mạng (1905 - 1917). Từ là “nhà văn của những người chân đất” (cuối thế kỉ XIX) ông trở thành “chim báo bão” của Cách mạng Nga đầu thế kỉ XX. Sau Cách mạng tháng Mười thành công, với tài năng, tâm huyết và những cống hiến to lớn, ông được tôn vinh là “bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Dù ở giai đoạn nào, thể loại nào, đề tài nào, bao trùm và thấm đượm trong toàn bộ sáng tác của Gorki vẫn là một cảm hứng nhân văn cao cả: thương yêu, trân trọng, tin tưởng ở con người.
Truyện ngắn Một con người ra đời (1912) được viết trong bối cảnh nước Nga đang trải qua thời kì “đêm trước của Cách mạng tháng Mười”. Trên cái ranh giới của sự hủy diệt xã hội cũ và sự nảy sinh của một xã hội mới, một vấn đề bức xúc đặt ra cho văn học thời đại lúc bấy giờ là vận mệnh nước Nga, số phận nhân dân Nga, con người Nga sẽ ra sao? Trong khi không ít những nhà văn, nhà thơ sa vào bi quan, mất lòng tin vào cuộc sống. M.Gorki thông qua truyện này đã biểu lộ một niềm tin mãnh liệt vào tương lai. Cơ sở của truyện dựa trên sự việc có thật xảy ra với chính tác giả vào cuối mùa hè năm 1892 (một năm đói kém), khi ông đang làm việc tại công trường ở Kapkaz. Nhưng với tài năng sáng tạo nghệ thuật và cái nhìn nhân văn cao cả, tác phẩm này đã vượt ra khỏi giới hạn của một truyện ngắn như là “một mẩu”, “một mảnh”, “một lát cắt” của hiện thực Nga đương thời và mang dáng dấp của một bản trường ca.
Truyện mở đầu bằng hai cảnh tương phản: cảnh thiên nhiên mùa thu ở Kapkaz và cảnh đoàn người nông dân Nga bị nạn đói lùa ra khỏi quê hương, lang thang, phiêu bạt trên khắp các nẻo đường nước Nga. Nếu cảnh thiên nhiên hiện ra vui tươi, lộng lẫy, mĩ lệ bao nhiêu thì cảnh đám người đói khát hiện ra chán ngắt, xám xịt, kiệt quệ bấy nhiêu. Sự tương phản được Gorki dụng công tô đậm ở đây không phải là để đối lập giữa thiên nhiên và con người mà để làm nổi bật lên cái cảm hứng chủ đạo: khẳng định cuộc sống. Có thể, cuộc sống còn nhiều nỗi khổ đau khiến trong ta chỉ còn là sự “căm ghét”, “nỗi buồn lo”. Có thể loài người chúng ta có lúc “sống chẳng ra gì” khiến cho “mặt trời nhiều lúc cũng phải buồn”. Nhưng theo nhà văn: “đó không phải là vĩnh viễn”. Được sống, “được thấy bao nhiêu điều kì diệu”, được “chiêm ngưỡng cái đẹp tuyệt vời” của trái đất đó là một diễm phúc. Trước cảnh thiên nhiên mùa thu mĩ lệ “lộng lẫy đến hoang đường” của núi non, biển cả Kapkaz, nhà văn như không nén nổi sự thán phục, sùng kính cuộc sống và đồng thời tự hào, hãnh diện về danh hiệu làm người: “Cao cả thay cái chức vị làm người trên trái đất”. Có thể xem đây là âm chủ trong bản trường ca về con người của M.Gorki.
Mặt khác, tạo nên hai cảnh tương phản giữa thiên nhiên và xã hội con người, Gorki đã đem lại cho thiên truyện một không gian nghệ thuật đặc sắc, vừa hiện thực vừa huyền ảo, Chính trong cái không gian nghệ thuật ấy. “Một con người ra đời” vừa như một sự việc bình thường lại vừa như một sự kiện thiêng liêng. Hiệu quả nghệ thuật của lối kết cấu tương phản – một đặc điểm trong truyện ngắn Gorki chính là ở chỗ đó và cũng không chỉ dừng lại ở mức đó.
Trọng tâm mô tả của truyện ngắn là cảnh sinh nở của người mẹ. Trong văn học thế giới từng có nhiều nhà văn lớn bậc thầy viết về cảnh tượng này. Song tùy thuộc vào ý đồ nghệ thuật, quan niệm, thẩm mĩ mà mỗi nhà văn lại có một cách mô tả cách khác nhau. Để miêu tả tâm lí hối hận của Andrây Bôncônxki (nhân vật trong Chiến tranh và hòa bình), L.Tônxtôi cũng đã từng thông qua cảnh sinh nở của người mẹ: Nhà văn lớn người Pháp Môpatxăng khi đề cao lòng nhân ái của một vị tinh mục, cũng dừng lại ở cảnh ông xắn tay đỡ đẻ cho một phụ nữ công dân trở dạ dọc đường. Paxternak lại thông qua cảnh sinh nở của người mẹ để suy ngẫm về sự sống và cái chết. Còn Gorki, khi “mô tả cảnh sinh đẻ và tô đậm lối đỡ đẻ nguyên thủy” phải chăng ông đã “xúc phạm trắng trợn thị hiếu thẩm mĩ” bạn đọc như một nhà văn Nga đương thời chê trách? Quả thật là, ngòi bút miêu tả của nhà văn khá tỉ mỉ, chi tiết, cặn kẽ, “lần lượt, không bỏ sót điều gì trong toàn bộ quá trình sinh nở của người mẹ: đau đẻ, trở dạ, cắt rốn, chờ nhau” (Nguyễn Hải Hà). Nhưng Gorki không mô tả theo cái nhìn của nhà y học. Trong khi chi tiết, tỉ mỉ mô tả quá trình, ông tập trung làm nổi bật “nỗi đau đớn vô cùng” và niềm vui khôn tả của người mẹ khi sinh ra một con người. Sự khác biệt của M.Gorki - nhà văn là ở chỗ ấy.
Trước hết, để thể hiện nỗi đau sinh nở của người mẹ, Gorki đã vận dụng dồn dập một loạt các chi tiết ngoại hình trong sự biến dạng dễ sợ của chúng. Trong cơn đau, miệng người sản phụ nữ “bè ra”, “méo xệch”, “đôi môi tím bầm”, “khuôn mặt căng bự”, mắt khi thì “trợn ngược”, khi “lồi lên như muốn nổ tung”, khi “dại đờ chạy đầy những tia máu”. Nỗi đau ngày càng tăng đến mức chị không thể ghìm giữ, không thể kêu khóc mà chỉ có thể bật lên những “tiếng rên khò khè”, “tiếng thở dữ dội khác thường”, “tiếng róng”, “tiếng gầm gừ” đầy bản năng như của những con thú. Không phải là quá tay khi Gorki còn vận dụng những hình ảnh so sánh của “sói”, “gấu”, “miếng vỏ bạch dương hơ lửa” để diễn tả sự vật vã, quằn quại đau đớn của chị. Con người có thể trải qua trăm ngàn nỗi đau và không nỗi đau nào giống nỗi đau nào. Nhưng nỗi đau sinh nở của người mẹ thì không gì sánh nổi. Đó là nỗi đau tột cùng của thể xác, khủng khiếp như trong “ngày tận thế”. Để cho ra đời một con người, người mẹ đã trải qua một cơn đau động đất động trời vậy đó.
Nhưng đứa con ra đời cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao của mẹ. Sóng gió còn chưa qua, cơn đau còn chưa dứt, nụ cười đã trở lại trên “đôi môi xanh nhợt" và ngày càng trở nên “đẹp đẽ”, “rạng rỡ, “chói lọi” trên gương mặt người sản phụ khi nghe tiếng khóc chào đời của con. Nếu như trước đó, khi miêu tả nỗi đau sinh nở, Gorki “hiện thực đến tàn nhẫn” thì giờ đây, ngòi bút của ông lại lãng mạn, bay bổng đến lạ kì trước vẻ đẹp của đôi mắt bà mẹ. Đôi mắt “đẹp vô cùng”, “sâu thẳm”, “như hai hồ nước xanh mênh mông”, “cháy bừng lên ngọn lửa xanh biếc”. Chẳng phải ngẫu nhiên, Gorki nhấn mạnh đến năm lần “màu xanh biếc” như “ngọn lửa cháy bừng lên trong đôi mắt người mẹ”. Hẳn không phải là để tả cái “xanh biếc” của màu mắt. Đây là cái ánh sáng “xanh biếc” được hắt lên từ ngọn lửa tình yêu, hạnh phúc, niềm tin, niềm hoan hỉ biết ơn đang cháy sáng trong tâm linh người mẹ. Chính là cái ánh sáng xanh biếc ấy, đã làm cho đôi mắt người mẹ trở nên “đẹp vô cùng” sánh tựa “đôi mắt thần thánh”. Nó như tỏa một vầng hào quang bao quanh người mẹ. Và không chỉ thế nó còn như chiếu sáng, lan tỏa cả thiên nhiên xung quanh: bầu trời xanh biếc, lá thu vàng rực, biển vỗ ì ầm, sóng lao xao, cây lá thì thầm, mặt trời rọi nắng chói lọi. Có cảm tưởng như thiên nhiên cũng như mừng vui chào đón sự ra đời của đứa trẻ. Cảnh tượng thật là kì vĩ. Dưới ngòi bút của Gorki, con người ra đời đã trở thành sự sáng tạo thiêng liêng. Thiên truyện như một bài ca, ngợi ca sự vĩ đại của người mẹ, đấng sáng tạo ra cả anh hùng lẫn nhà thơ.
Nhân vật tôi cũng là một sáng tạo nghệ thuật đặc sắc của Gorki. Nó vừa đóng vai trò người kể truyện, vừa là nhân vật bộc lộ quan điểm trực tiếp của tác giả. Dĩ nhiên nhân vật “tôi” không phải là tác giả. Nhưng trong nhân vật “tôi” in đậm dấu ấn tự thuật – tinh thần của nhà văn; giàu lòng nhân ái, cảm thông sâu sắc với nỗi đau đồng loại, từng trải, tháo vát, hành động vẫn luôn yêu đời, yêu tự do. Vì thế, những suy nghĩ của nhân vật “tôi” cũng là những suy nghĩ của tác giả. Thông qua nhân vật “tôi”, M.Gorki gửi gắm những suy nghĩ của mình về vấn đề của thời đại và cũng là của nhân loại muôn đời: con người và số phận của nó trong tương lai.
Gorki không nghĩ về số phận một cách thần bí, siêu hình hay bi quan yếm thế. Suy nghĩ của ông thiết thực và tích cực. Trước những băn khoăn của người mẹ: “Chẳng biết đời nó sẽ ra sao? Anh đã giúp tôi, thật cảm ơn anh... Còn điều đó có tốt lành cho nó hay không tôi cũng chẳng biết nữa”, ông khẳng định: “Người cư dân mới của nước Nga, con người mà số phận chưa ai lường trước được”. Số phận, theo ông không hắn chỉ là những gì đáng âu lo mà có thể còn có nhiều điều để mà tin tưởng (không ai có thể lường trước). Nhưng dù tốt lành hay không, con người sinh ra không phải là để thụ động, đón chờ sự áp đặt của số phận. Ngay từ lúc mới sinh ra, con người đã mang trong nó mầm mống của sự phản kháng, “bất mãn với cuộc đời”, ít ai có được những phát hiện đặc biệt như Gorki và cũng ít ai có được sự nhiệt tình khích lệ, tin tưởng mãnh liệt vào con người Gorki. Nghe tiếng khóc “Ya, Ya”, ông liên tưởng đó như một lời Tuyên ngôn, lời khẳng định đầu tiên sự có mặt của con người trên trái đất. “Ừ thì mày, mày. Chú mày phải tự khẳng định cho khỏe vào mới được, không thì kẻ đồng loại sẽ vật cổ chú mày” và “Cứ làm ầm lên đi, chú bé Oren! Cứ gào toáng lên đi...”. Con người phải tự khẳng định mình. Con người phải tự quyết định số phận của mình, vượt lên số phận - nhà văn cổ vũ con người.
Thiên truyện kết thúc bằng cảnh tượng ba người tiếp tục cuộc hành trình. Người mẹ bồng con “ngoảnh nhìn xung quanh, nhìn biển, nhìn rừng, nhìn núi rồi lại nhìn đứa con trai”. Bên cạnh chị là “người bạn đường tin cậy và vững chãi”. Dường như chị muốn tìm một câu trả lời cho số phận tương lai của đứa trẻ. Câu trả lời có thể chưa tìm được. Trước mắt có thể còn nhiều khó khăn, gian khổ, thử thách chông gai, thậm chí cả “nước mắt đau thương” nhưng tình thương bao la, trách nhiệm của người mẹ và niềm khao khát “cảnh sống tự do” sẽ giúp chị vững bước trên con đường đi tới. Và đứa trẻ – “người cư dân mới của đất nước Nga” trong cuộc hành trình đi tìm số phận tương lai, nó đã không đơn độc. Trong tình yêu thương bao la của mẹ và với sự giúp đỡ của những “người bạn đường, con người tình cờ được đóng vai bà đỡ, nó sẽ lớn lên mãi trong cảnh tự do”.
Không phải ngẫu nhiên Một con người ra đời được xem là một trong những tác phẩm “trung tâm” trong toàn bộ sáng tác của nhà văn. Nó biểu hiện rực rỡ chủ nghĩa nhân đạo của Gorki: cảm thông, thương yêu, trân trọng và tin tưởng mãnh liệt ở con người. Về mặt nghệ thuật, truyện cũng thể hiện khá rõ tài năng truyện ngắn bậc thầy của tác giả. Hai bút pháp hiện thực và lãng mạn được vận dụng trong sự kết hợp nhuần nhuyễn. Các phương tiện nghệ thuật, phong cảnh, lời nhân vật, chi tiết ngoại hình, lời trần thuật... được sử dụng điêu luyện. Thủ pháp tương phản, đặc tả, nhấn mạnh... được phát huy tới hiệu suất tối đa của chúng.