HƯỚNG DẪN CỤ THỂ
1. MỞ BÀI
Hồ Chí Minh đã để lại cho đời một sự nghiệp cách mạng vĩ đại cùng sự nghiệp văn chương phong phú bao gồm nhiều thể loại (thơ ca, văn xuôi, kịch), được viết bằng nhiều bút pháp (tự sự, trữ tình, châm biếm, chính luận) và bằng nhiều thứ tiếng. Đáng chú ý là tất cả những sáng tác ấy đều ra đời dưới ánh sáng của một quan điểm nghệ thuật đúng đắn.
2. THÂN BÀI
a) Nêu tóm tắt quan điểm nghệ thuật: (quan điểm giữa sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp văn học - quan điểm nghệ thuật).
Quan hệ giữa sự nghiệp cách mạng với sự nghiệp văn học
Trước hết cần thấy Bác Hồ là một người am hiểu nghệ thuật, có tài văn chương, có tâm hồn nghệ sĩ rất nhạy cảm, tinh tế. Trong cuốn Đường cách mệnh (1925), khi nói về việc viết văn, Bác xác định: “Hơn 20 triệu đồng bào của ta đang trong lòng tử địa. Phải kêu to, làm chóng để cứu lấy giống nòi, thì giờ đâu rảnh mà vẽ vời trau chuốt”. Bác là người yêu văn chương nhưng không bao giờ coi đây là sự nghiệp chính của Người. Ham muốn của Người là: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (Thư trả lời các nhà báo 1946). Tóm lại, sự nghiệp chính của Bác là việc cứu dân cứu nước, đem lại độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân.
Nhưng trên con đường làm cách mạng Bác nhận thấy văn chương là một vũ khí sắc bén để chiến đấu chống kẻ thù, là phương tiện hữu hiệu để tuyên truyền cho cách mạng, để vận động đồng chí đồng bào. Do đó Bác đã nắm chắc lấy cái công cụ tinh vi kì diệu ấy, đã mài sắc nó bằng tài năng nghệ thuật, bằng ý chí cách mạng của mình. Có lẽ vì thế mà Bác đã tạo nên được một sự nghiệp văn chương có giá trị, tưởng như ngoài ý định của Người.
+ Quan điểm nghệ thuật
* Bác xác định người nghệ sĩ có vị trí và vai trò to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và phát triển xã hội. Người tổng kết: “Nay ở trong thơ nên có thép - Nhà thơ cũng phải biết xung phong” (Cảm tưởng đọc Thiên gia thi). Người cũng khuyên: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951). Nói khác đi, theo Bác, người nghệ sĩ phải là người có tư tưởng và tình cảm cách mạng tiến bộ, biết kế thừa và phát huy những truyền thống văn học dân tộc, biết tiếp thu những di sản tinh hoa của văn học thế giới, biết dùng văn chương làm vũ khí chiến đấu sắc bén chống kẻ thù, chống cái xấu, cái ác...
* Bác coi việc viết văn chương trước hết không phải là hành vi văn chương mà là một hành vi cách mạng. Hoạt động cách mạng bao giờ cũng có đối tượng cụ thể, hành vi thiết thực, cho nên khi đặt bút viết, bao giờ Bác cũng tự hỏi về đối tượng, về mục đích “Viết cho ai? Viết làm gì?”, sau đó mới quyết định về nội dung “Viết cái gì?” và cuối cùng mới lựa chọn hình thức thể hiện “Viết như thế nào?” (Cách viết – 1952).
* Bác quan niệm tác phẩm văn chương phải có tính chân thật. Khi viết văn, nhà văn không những phải tránh được các lối viết cầu kì, xa lạ, tỉa tót, nặng nề mà còn phải vươn tới sự trong sáng, giản dị và hấp dẫn, ngôn từ phải chọn lọc, bảo đảm được sự trong sáng của tiếng Việt, nội dung và hình thức tác phẩm văn chương phải đậm đà tính nhân dân và tính dân tộc.
* Bác rất chú ý đến cái đẹp và cảm hứng thi ca của tác phẩm. Đó là vẻ đẹp hài hòa của tính chiến đấu (thép) và tình cảm, của cổ điển và hiện đại, kết hợp hài hòa vẻ đẹp của tư tưởng triết học với mĩ học cổ điển phương Đông.
b) Chứng minh... (nhận xét chung; hướng tới lí tưởng chung, xử lí đúng các mối quan hệ giữa nhà văn và người đọc khi: viết cho dân thường, viết cho người có văn hóa cao, cho dân tộc, cho thế giới, cho bản thân).
+ Nhận xét chung
Quan điểm nghệ thuật của Bác là nhất quán, được thể hiện cụ thể, tinh tế trong những sáng tác hết sức đa dạng, phong phú về đối tượng mà ngòi bút của Người thường hướng tới. Tùy theo từng đối tượng cụ thể, trong các sáng tác thơ văn của mình, Bác chủ động thay đổi từ nội dung đến hình thức, từ chủ đề tư tưởng đến cách viết...
+ Đối tượng là dân thường
Trước hết để tuyên truyền cho cách mạng và hướng tới đồng bào mình, chủ yếu là những dân thường có trình độ thấp, thích những gì dễ hiểu, dễ nhớ, “Bác đã viết hàng loạt tác phẩm rất đơn sơ, mộc mạc tưởng như không thể gọi là nghệ thuật” (Hoài Thanh), nhưng đều dễ dàng đi vào đời sống và tâm hồn của nhân dân, giúp họ hiểu được tình cảm Đất Nước và có hành động cách mạng đúng đắn, kịp thời. Đó là truyện ngắn Đồng tâm nhất trí, là các bài thơ Ca sợi chỉ, Con cáo và tổ ong... Bác kêu gọi toàn dân đoàn kết để tạo ra sức mạnh cứu nước, bằng những hình ảnh dễ hiểu và cách nói giản dị:
Hòn đá to
Hòn đá nặng
Chỉ một người
Nhấc không đặng
Hòn đá to
Hòn đá nặng
Nhiều người nhấc
Nhấc lên đặng
Biết đồng sức
Biết đồng lòng
Việc gì khó
Làm cũng xong
(Hòn đá to)
+ Với đối tượng là người có văn hóa cao
Cũng vì mục đích cách mạng nhưng Bác lại hướng tới những người có văn hóa cao, khi đó Bác bắt buộc phải làm nghệ thuật thực sự. Đó chính là những tác phẩm Bác viết cho người dân Pháp, cho người dân châu Âu để họ hiểu bản chất xấu xa của bọn thực dân và bọn tay sai (Vi hành, Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu). Đó còn là những tác phẩm Bác viết cho những trí thức yêu nước, cho các vị nhân sĩ để họ hiểu bản chất cuộc kháng chiến chống Pháp và tích cực tham gia cứu nước. Có bài thơ vừa mang sắc thái cổ điển, vừa gợi tới chí khí hào hùng của ông cha ta thuở trước. Ví như những câu thơ: “Non nước của ta, ta lấy lại - Nghìn thu sự nghiệp nổi từ đây” (Tặng cụ Đinh Chương Dương) là những câu phảng phất ý thơ của Trần Quang Khải: “Thái bình nên gắng sức - Non nước ấy nghìn thu” và ý thơ của Trần Nhân Tông “Xã tắc hai phen chồn ngựa đá – Non sông nghìn thuở vững âu vàng” (Thiên Trường viễn vọng).
+ Với dân tộc và nhân dân thế giới
Với tư cách một lãnh tụ cách mạng, vì khi Bác còn viết những tác phẩm chính luận cho toàn dân, cho cả thế giới. Đó là những tác phẩm ra đời vào thời kì lịch sử trọng đại: Tuyên ngôn Độc lập (2-9-1945); Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19-12-1946); Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước chống Mĩ, cứu nước (17-7-1966)...
Nhìn chung những tác phẩm ấy đều có giọng văn mạnh mẽ, hào hùng, có chứng cứ cụ thể, xác thực, có cách lập luận chặt chẽ, đanh thép. Mở đầu Tuyên ngôn Độc lập Bác đã lập luận theo kiểu “gậy ông đập lưng ông” và khẳng định rõ quan điểm tư tưởng của dân tộc Việt Nam: “Tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra đều bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do..."
+ Với bản thân
Vốn là một người có tâm hồn nghệ sĩ, Bác còn sáng tác văn thơ cho bản thân mình để thể hiện những ước mơ về cuộc sống, những xúc động trước cái đẹp, những suy nghĩ về hiện thực trước mắt. Đó là tập thơ Nhật kí trong tù, là truyện ngắn viễn tưởng Giấc ngủ 10 năm, là những bài thơ Bác viết ở Việt Bắc trong những năm chống Pháp... Có thể dẫn ra đây bài Cảnh khuya với những câu thơ riêng chung đến tận cùng trong tâm hồn Bác:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa,
Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà
(Cảnh khuya)
3. KẾT LUẬN
Quan điểm nghệ thuật và những sáng tác văn thơ của Bác là sự “thể hiện chân thật tâm hồn trong sáng, lối sống cao đẹp của người Việt Nam đẹp nhất, vĩ đại nhất” (Lê Duẩn). Đây không chỉ là kinh nghiệm quý báu dành riêng cho những người say mê văn chương mà còn là bài học sâu sắc đối với tất cả chúng ta.