DÀN Ý
1. MỞ BÀI
- Trong cả hai giai đoạn sáng tác trước và sau 1945, văn chương của Nguyễn Tuân đều được người đọc chú ý về phong cách độc đáo, bao gồm những nét chủ yếu: tính nghiêm túc và tính nghệ thuật, chất tài hoa, tài tử và tính uyên bác.
- Các nét phong cách đó đặc biệt được thể hiện trong bài Thời và thơ Tú Xương và tùy bút Người lái đò sông Đà.
- Chuyển mạch.
2. THÂN BÀI
Lần lượt phân tích từng nét phong cách Nguyễn Tuân, minh họa bằng một số trích dẫn (có phân tích) từ hai bài Thời và thơ Tú Xương, Người lái đò sông Đà.
A. Tính nghiêm túc và tính nghệ thuật
Nguyễn Tuân hết sức nghiêm khắc với chính mình khi sáng tác. Do đó những trang văn của ông đều mang dấu ấn sáng tạo riêng, với cách đặt câu, dựng đoạn rất công phu.
1. Trong bài Thời và thơ Tú Xương, để ví dụ về chất trữ tình trong bài thơ Sông Lấp, Nguyễn Tuân đã sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ nhằm nâng cao giá trị biểu cảm của câu văn:
Nước non sông thời thế Vị Hoàng bất chấp mọi sự ráo kiệt cạn lấp, đến ngày nay vẫn còn chảy tới thế hệ chúng ta hợp lưu được với lòng chúng ta, chính là do cái nguồn mạch trữ tình của hai câu sau đấy nó đi xa lắm và mạch nước ngầm ấy còn chảy xa lắm.
Hai câu sau “đẩy nó đi xa lắm” chính là:
Đêm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
Ông còn ca ngợi giá trị vượt thời gian của bài thơ Sông Lấp vì phẩm chất của nó rất hiện thực, nhưng phong cách nó lại tượng trưng và tác động của nó lại trữ tình.
2. Kho từ vựng của Nguyễn Tuân rất giàu và người đọc có cảm tưởng ông đã sử dụng thoải mái cái kho tàng phong phú đó. Con sông Đà với những thác nước gầm réo muôn đời được miêu tả thật sắc nét trong bài tùy bút Người lái đò sông Đà.
Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng.
- Phép nhân hóa được tận dụng để tả thạch trận mà khúc sông bày ra theo một chiến thuật hiểm ác:
Vòng đầu vừa rồi nó mở ra năm cửa trận, có bốn cửa tử, một cửa sinh, cửa sinh này nằm lập lờ phía tả ngạn sông. Vòng thứ hai này tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa, con thuyền vào, và cửa sinh lại bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn.
- Bên cạnh hình ảnh hung bạo, hiểm ác là hình ảnh con sông Đà hiền hòa, thơ mộng:
... Hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng lờ đến thế mà thôi và bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa.
B. Chất tài hoa, tài tử
Một nét nổi bật khác trong phong cách Nguyễn Tuân là chất tài hoa, tài tử. Trong những sáng tác trước Cách mạng tháng Tám, chất tài hoa đó thường thể hiện tinh tế, nhuần nhị qua những thú chơi hoa (Hương cuối), đọc thơ (Thả thơ), chơi chữ (Chữ người tử tù), uống trà, uống rượu... Sau cách mạng, chất tài hoa tài tử vẫn in đậm trên những tùy bút, truyện kí của ông.
1. Ca ngợi bài thơ Sông lấp của Tú Xương, Nguyễn Tuân đã viết:
Nếu chúng ta cũng liệt Tú Xương vào loại đỉnh thơ Nôm, thì “Sông lấp” chính là một cái bóng cây hiên ngang trên sườn non đó vậy. Dẫn thơ Tú Xương mà vô tình hoặc cố ý đánh rớt bài “Sông lấp” tức là bước lên lầu tháp, mở cửa tầng này tầng kia mà quên đi mất cái chuông trên vọng lâu vậy.
2. Qua bài tùy bút Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân nhìn thiên nhiên và con người ở phương diện thẩm mĩ và tài hoa. Con sông Đà ở đây không phải là thiên nhiên vô tri vô giác mà được xem như một “nhân vật” thật sự, có “diện mạo”, “tâm địa” hung hãn, xảo quyệt, nham hiểm, thỉnh thoảng làm mình làm mẩy với con người, có phản ứng giận dỗi vô tội vạ với người lái đò... chốc chốc dịu dàng đấy, rồi chốc lại bẳn tính và gắt gỏng ngay đấy.
Ông lái đò như một viên tướng đầy trí dũng khi điều khiển con đò vượt thác. Đồng thời, nhân vật có phong thái của một nghệ sĩ tài hoa. Sau khi vượt thác, ông lại ung dung đốt lửa trong hang đá, bàn tán về cá anh vũ...
C. Tính uyên bác
Văn Nguyễn Tuân còn khác người ở tính uyên bác, ở chiều rộng và chiều sâu văn hóa. Đó là kết quả của việc ông tích lũy kiến thức trong suốt nửa thế kỉ sáng tác. Khi viết, Nguyễn Tuân tìm hiểu đủ loại tư liệu cần thiết về đối tượng sáng tác trước khi thể hiện trên những trang viết.
1. Trong bài Thời và thơ Tú Xương, những chi tiết về con người, thời đại và thơ văn Tú Xương được Nguyễn Tuân phân tích đầy đủ và sâu sắc, đặc biệt là tiếng cười vỗ mặt sâu cay của ông Tú qua ngôn ngữ thơ trào phúng.
Nghĩ về người quan văn người quan võ thời nhí nhố ấy, ông đem cái “võng” (võng điều võng thắm) ra mà đối với cái “khố dây” (khố đỏ khố xanh). Tường thuật việc trường thi chữ Nho có Tây đến ra bài, ông đem cái “lọng” quan sứ mà đối với “váy” mụ đầm, đem cái “đít vịt bà đầm” đối với cái “đầu rồng” một ông cử dốt đang lạy tạ mũ áo vua ban.
Bàn về thi pháp Tú Xương, Nguyễn Tuân nêu lên những suy nghĩ khá sâu sắc: có thể lấy một chút gì thi pháp (của Bertolt Brecht) để cắt nghĩa thi pháp Tú Xương. Từ những hình ảnh thông tục của đời sống, thơ Brecht bay bổng lên hình ảnh thơ vô hạn tưởng như không còn ai vạch được ra bến bờ cho nỗi day dứt (nội dung thơ Brecht). Còn thơ Tú Xương thì từ những hình ảnh thực tế hữu hình đã đánh thức dậy được những mô hình bao la, từ một cái điểm nhất định mà nó mở được ra một cái diện không gian thời gian trong đó nhịp mãi lên một tấm lòng sứ điệp.
2. Đọc bài Người lái đò sông Đà, ta sẽ ngạc nhiên và kính phục trước sự hiểu biết sâu rộng của tác giả về lịch sử con sông Đà, từ nơi khai sinh ở huyện Cảnh Đông tỉnh Vân Nam... có chiều dài 883 nghìn thước... qua hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Thêm vào đó, tác giả còn kể tên và đặc điểm của một số thác trong bảy mươi ba cái thác có tên trên sông Đà, từ mặt ghềnh Hát Lóong dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió... đến quãng Tà Mường Vát phía dưới Sơn La mà nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc...
3. KẾT BÀI
Thời và thơ Tú Xương cũng như Người lái đò sông Đà đã biểu lộ phong cách độc đáo của Nguyễn Tuân. Chính những nét phong cách của ông khẳng định nhiều mặt giá trị của tác phẩm: ghi chép sự kiện chính xác, kiến thức uyên bác vừa dành chỗ cho những liên tưởng táo bạo, bất ngờ, vừa mang yếu tố truyện qua những trang miêu tả cảnh vật, khắc họa tính cách nhân vật vừa thoải mái bàn bạc, nghị luận.