YÊU CẦU

- Bình giảng đoạn thơ trong một bài thơ lục bát có phong vị ca dao đặc biệt, từ câu từ đến giọng điệu.

- Chú ý nhạc điệu, nhịp điệu đoạn thơ.

- Tìm hiểu vai trò các tiểu đối, tính hàm ẩn trong một lời thơ giản dị.

GỢI Ý LÀM BÀI

1. MỞ BÀI

Việt Bắc là tác phẩm thơ trường thiên, dài 150 dòng, được Tố Hữu viết vào tháng 10 - 1954, khi Đảng và Nhà nước ta sắp rời chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, một trong những khúc trữ tình hay nhất, tha thiết mà đằm thắm nhất, thể hiện ân tình sâu nặng, thủy chung của nhà thơ đối với căn cứ địa cách mạng của cả nước. Là đoạn trích mở đầu chỉ vẻn vẹn có 20 dòng, chỉ bằng non 1/7 bài thơ, nhưng đã thể hiện khá đầy đủ diện mạo, phẩm chất nghệ thuật và tình cảm của tác phẩm.

2. THÂN BÀI

Việt Bắc là bài thơ kết tinh cho khuynh hướng học tập ca dao, học tập tiếng nói quần chúng rất nổi bật của thơ Việt Bắc. Tố Hữu đã làm rất nhiều bài thơ theo tiếng nói quần chúng, theo lối trữ tình nhập vai như Phá đường, Bà ơi, Bầm ơi, Bà mẹ Việt Bắc, Đời đời nhớ ông... nhưng không phải bài nào ngọt ngào, thiết tha và điêu luyện như bài thơ này. Tố Hữu học tập ca dao nhưng không hề lặp lại ca dao. Cả bài thơ là một khúc hát đối đáp ân tình, bên hỏi, bên trả lời, giãi bày kỉ niệm, ước mơ, cho đến cuối bài thì đã “Ngược xuôi đôi mặt một lời song song”, cùng gửi trọn niềm tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng và tương lai đất nước.

Bài thơ mở đầu bằng một loạt câu hỏi rất ngọt ngào:

Minh về mình có nhớ ta,

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mới đọc câu thơ lục bát này, ta ngỡ như nghe một câu ca dao tình yêu, người tình nhắc nhở về kỉ niệm “mười lăm năm ấy”. Nhưng đọc tiếp câu sau:

Mình về mình có nhớ không,

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

thì lại không giống thơ tình yêu nữa, vì nó gợi nhớ đến một cái gì lớn lao hơn tình yêu đôi lứa, đó là tình yêu cội nguồn. Sự láy đi láy lại “Mình về mình có nhớ ta”, “Mình về mình có nhớ không” vang lên như một niềm day dứt khôn nguôi của người ở lại. Hai câu hỏi này được nêu ra rất khéo. Một câu hỏi về thời gian, một câu về không gian, gói gọn một thời cách mạng, một vùng cách mạng.

Tiếp theo là tiếng lòng của người ra đi. Người đi đã nghe câu hỏi, lòng tràn đầy bâng khuâng, bồn chồn và bối rối. Những chữ dùng ở đây đã gợi lên hết sức chính xác các tâm trạng lúc chia tay. “Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi”, “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay” nhịp thơ lục bát đều đặn, nhịp nhàng bốn dòng đầu, đến đây như cũng vì chút bối rối trong lòng mà thay đổi:

Áo chàm đưa buổi phân li,

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.

Nhịp thơ diễn tả thần tình một thoáng ngập ngừng của tình cảm. Chút ngập ngừng này tạo ra một chút lặng cho chuỗi câu hỏi tiếp theo được vang lên dồn dập tha thiết hơn. Mười hai dòng lục bát tạo thành sáu câu hỏi như khơi sâu vào kỉ niệm. Mỗi câu thơ đều gợi lại một cái gì rất tiêu biểu trong kỉ niệm về Việt Bắc, mưa nguồn suối lũ, mây mù, miếng cơm chấm muối, măng mai, trám bùi, hắt hiu lau xám, mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào. Nhưng nếu chỉ những kỉ niệm như vậy thì rõ ràng không tạo thành cái ma lực tha thiết, quyến luyến nó tạo thành chất thơ ở từng câu. Cái làm thành chất thơ ở đây và ở cả bài thơ là nhạc điệu. Chính nhạc điệu đã làm cho các kỉ niệm trở thành ngân nga, trầm bổng, réo rắt, thấm sâu vào tâm tư. Thật vậy, nhìn kĩ ta thấy những câu lục bát rất chuẩn về thanh luật, ngắt nhịp đều đặn, tự nó đã thành trầm bổng, ngân nga. Các câu tám, câu nào cũng cân đối khá tương xứng nhau về cấu trúc, chẳng những nhấn mạnh cho ý, mà còn tạo thành vẻ đẹp nhịp nhàng:

Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù.

Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai.

Trám bùi để rụng măng mai để già.

Hắt hiu lau xám đậm đà lòng son.

Nhớ khi kháng Nhật thuở còn Việt Minh

Tân Trào Hồng Thái, mái đình cây đa

Ngay trong từng vế của câu tám cũng có tiểu đối: mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù. Câu tám cuối cùng có sự đổi chỗ thú vị: Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào được viết thành Tân Trào Hồng Thái, mái đình cây đa. Yếu tố đối phát huy tác dụng rất lớn. Nếu chỉ nói riêng, “miếng cơm chấm muối”, “hắt hiu lau xám” hay “trám bùi để rụng” chưa gây được cảm xúc gì, nhưng đặt trong câu đối thì lại trở thành nhịp nhàng, nổi bật và rất đẹp, Hắt hiu lau xám đậm đà lòng son... Những vế đối này đã mang một tính chất hóa học cổ điển của Truyện Kiều.

Các câu sáu luân phiên nhau, cứ một câu “Mình đi”, lại một câu “Mình về”, mà cả “đi” lẫn “về” đều chỉ hướng về xuôi cả. Tuy vậy, đối lập, luân phiên “đi”, “về” lại tạo thành dáng vẻ của điệu ru: đi - về, về – đi, về – đi hết sức êm ái, nhịp nhàng và du dương. Những kỉ niệm được gợi nhớ đều là kỉ niệm của cuộc sống chung: tình cán bộ với nhân dân chia ngọt sẻ bùi, chung gian lao, chung mối thù, đậm đà lòng son. Tân Trào, Hồng Thái là những địa điểm xuất phát, khởi đầu của cách mạng. Những cách xưng hô “mình”, “ta” của ca dao rất riêng tư (Mình về ta chẳng cho về, Ta nắm vạt áo ta đề câu thơ...), ở đây, đã mang một ý nghĩa chung của những người đồng chí, không hề có ý nghĩa nam nữ. Các câu hỏi ở đây cũng không đơn điệu. Nói chung các câu đều hỏi người về xuôi. Nhưng câu hỏi:

Mình về, rừng núi nhớ ai

Trám bùi để rụng, măng mai để già.

thì lại như không hỏi người về, mà hỏi vào sự trống vắng nay mai của lòng mình, hỏi rừng núi, hỏi người ở lại. Hay như câu: “Mình đi, mình có nhớ mình” có một chút khó hiểu, chữ “mình” lặp lại ba lần. “Mình đi mình có” là chỉ người về. Còn “nhớ mình” là mình nào? Người nói tự xưng một cách nũng nịu, thân mật với người đi, hay là nhắc nhở cái “mình” của người về: Anh đi anh còn nhớ chính bản thân anh không? Dấu hiệu này cho thấy thơ Tố Hữu nặng nghĩa tình, giàu suy tưởng và những câu thế này vẫn đa nghĩa để cho người đọc tự lựa chọn.

3. KẾT BÀI

Hai mươi dòng đầu của bài Việt Bắc, tuy chỉ mới là phần đầu của bài thơ 150 dòng, đã đưa ta vào thế giới của hoài niệm và kỉ niệm, vào một thế giới êm ái, ngọt ngào du dương của tình nghĩa cách mạng. Cấu từ đối đáp tạo thế cho chuỗi câu hỏi dồn dập, láy đi láy lại, xoáy vào tâm tư, gây ấn tượng không phai mờ. Ai đã một lần thưởng thức bài thơ, âm điệu du dương ngọt ngào mãi còn trong tâm trí.