BÀI LÀM
1. Mikhail Sôlôkhốp là nhà văn Liên Xô (cũ) kiệt xuất. Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nên Sôlôkhốp chỉ được học hết tiểu học ở trường làng và vài ba năm trung học ở Matxcơva rồi ông lại trở về quê, Song môi trường gia đình là cái nôi văn học đã tạo cho tâm hồn tác giả tình yêu văn học, lòng yêu nước từ thuở ấu thơ. Ông đã tham gia các cuộc tiểu phỉ từ những năm 13, 14 tuổi.
Vừa cầm súng chiến đấu, Sôlôkhốp vừa hoạt động: đóng kịch, viết truyện kí.
Rồi ông lên thủ đô làm đủ mọi nghề để kiếm sống nhằm mục đích mở rộng kiến thức để thực hiện “giấc mơ viết văn”.
Đời Sôlôkhốp cũng có những nét tương tự như Makxim Gorki. Sự trưởng thành của nhà văn không phải là qua trường đại học chính qui mà là trường đại học đường đời. Nhưng Sôlôkhốp lại trở về vùng sông Đông. Thiếu hơi ấm quê hương, tác giả không thể sáng tác được. Ở đây, ông bắt tay viết Sông Đông êm đềm. Vào các năm 1927, 1928, các tác phẩm của Sôlôkhốp được xuất bản ở Matxcơva. Ngay từ các tác phẩm đầu tay, ông đã được độc giả và các nhà văn tên tuổi đương thời đánh giá cao. Nhưng để có các tác phẩm đó, ông đã phải tự học bền bĩ, lao động nghiêm túc. Có những bộ tiểu thuyết, ông phải viết đến trên 30 năm (Đất vỡ hoang 1932 - 1959). Tài năng và ý chí làm việc không mệt mỏi là những nét nổi bật, nhân cách cao quí của tác giả.
2. Số phận con người
Truyện này gồm ba chương, kể lại cuộc đời của nhân vật Xôcôlốp, một con người mà cuộc đời đã đi qua trần ai, nếm trải đủ điều đau đớn. Phần trích giảng trong sách giáo khoa là chương III. Chương này miêu tả quãng cuối cuộc đời Xôcôlốp.
2.1. Thất vọng
Vợ và hai con gái anh bị máy bay phát xít ném bom giết chết. Anh còn hi vọng gặp lại đứa con trai. Nhưng ngay trong ngày chiến thắng thì con anh tử trận. Anh được gọi đến để nhìn mặt lần cuối. Hạnh phúc gia đình tan nát. Nỗi thất vọng đè nặng lên anh, “trong người tôi như có cái gì đó vỡ tung ra”.
2.2 Không buông tay
Đau đớn đến cực độ, nhưng vốn là con người có nghị lực, Xôcôlốp không thể buông tay. Nhưng bây giờ về đâu? Sinh sống ra sao? Cuối cùng anh về ở với một người bạn cũ. Bạn anh làm lái xe, anh làm phụ với bạn để kiếm sống. Quá đau buồn, nên sau mỗi ngày, anh uống li rượu cho khuây khỏa. Và tình cờ, anh đã thấy cái quán quen thuộc một chú bé đói rách thảm hại. Tự nhiên, anh thấy quí thằng bé và thương nó với một tình thương đặc biệt. Sau khi biết bố mẹ nó đã chết, nó sống bơ vơ, anh hồn nhiên nhận nó là con. Sao anh lại quyết định vậy? Phải chăng nỗi khát khao có đứa con, nhưng quan trọng hơn là tấm lòng thương trẻ của anh, trách nhiệm làm người của anh. “Không thể để cho mình và nó chìm nghỉm riêng rẽ được”. Hai con người bất hạnh này phải nương tựa vào nhau mà sống, mà chống đỡ với mọi bất hạnh trên cuộc đời này.
Có thể coi quyết định đó là đột ngột không? Ở một góc độ nào đó ta thấy đột ngột, nhưng thực ra việc “nhận con” là diễn biến tự nhiên của tình thương trẻ, nỗi cô đơn, niềm khao khát có một đứa con cho đời đỡ vô nghĩa...
2.3 Những tấm lòng
Khi Xôcôlốp nói mình là bố của Vaniuska thì em mừng khôn xiết. Điều đó thật tự nhiên, em nói là bố mình chết ở mặt trận, nhưng trong thâm tâm em chẳng tin điều đó (có biết bao bà mẹ) bà vợ liệt sĩ, nhận giấy báo tử của con, của chồng hẳn hoi mà nào có tin con mình, chồng mình đã hi sinh. Tình thương không cho họ chấp nhận điều phũ phàng đó. Nhiều người vẫn chờ đợi qua năm này tháng nọ. Vậy nên khi Xôcôlốp nhận là bố em thì em tin ngay. Cũng cần nói thêm là ngoài tình máu mủ, niềm khao khát chung của đứa con muốn có cha, Vaniuska còn có hoàn cảnh riêng: sống cô đơn, cầu bơ cầu bất.
Nay có bố thì em có chỗ nương tựa vững vàng về mọi mặt. Đưa Vaniuska về nhà bạn, Xôcôlớp phải đóng kịch là đã tìm ra con. Gia đình bạn hiểu ngay câu chuyện, mừng tíu tít. Bà vợ người bạn vội nấu xúp cho Vaniuska ăn, nhìn nó ăn ngấu nghiến mà nước mắt bà “ròng ròng”, “lấy tạp dề che mặt khóc”. Khi thằng bé hỏi vì sao “cô lại khóc” thì bà “lại càng đầm đìa nước mắt, càng khóc sướt mướt”. Vì sao bà lại khóc? Phải chăng bà thương cho Xôcôlốp, một con người tốt là vậy mà phải chịu số phận đắng cay? Và cũng có thể là thương cho vợ chồng mình, khao khát một đứa con mà không có? Nói chung là tình thương của con người tốt bụng cho số phận con người. Ta gặp ở đây những tấm lòng cao cả.
2.4. Niềm vui không trọn vẹn
Xôcôlốp đã tìm được niềm vui. Anh sống tất cả vì con. Khó khăn mấy anh cũng vượt qua. Nhưng những năm tháng vất vả đã làm anh đau tim. Anh sợ chết làm cho con trai khiếp sợ. Anh yêu Vaniuska bằng cả tâm hồn và lí trí. Vaniuska cũng yêu thương bố rất mực nhưng đây là tình cảm hồn nhiên của trẻ thơ, làm sao có sự sâu lắng bằng người lớn. Càng yêu con anh càng buồn về bệnh tật.
Lại còn thêm những kỉ niệm đau buồn của quá khứ “hầu như đêm nào tôi cũng chiêm bao thấy những người thân đã quá cố...” tôi ở bên này, sau hàng rào dây thép gai còn vợ con thì tự do ở bên kia...” Và , “ban đêm thức giấc thì gối đẫm nước mắt...” Số phận đâu có để cho anh yên.
2.5. Nghệ thuật đặc sắc
• Bút pháp hiện thực tâm lí độc đáo: Cũng là hai con người bất hạnh, nhưng Vaniuska và Xôcôlôv vẫn là hai kiểu người khác biệt, không trộn lẫn. Vaniuska thật hồn nhiên, thơ ngây, trong sáng, nhưng đặc biệt mẫn cảm theo kiểu một đứa trẻ sớm gặp bất hạnh. Xôcôlôv từng trải, khắc khổ, giàu nhân ái, có quá trình tâm lí tinh tế, chân thật...
• Nghệ thuật điển hình; Đẩy nhân vật vào chân tường của hoàn cảnh để buộc phải bộc lộ toàn bộ tính cách. Xôcôlôv bị giáng tới tấp ba đòn tai họa, bị đẩy tới trạng thái dường như không tồn tại được nữa, cho nên toàn bộ tính cách anh ta chỉ có một cách biểu hiện dường như là duy nhất ở đoạn kết: “Làm thế nào để tồn tại? Tác giả lại chú ý mối quan hệ riêng chung, khiến nhân vật Xôcôlôv có sức khái quát lớn: Số phận cá nhân của anh không dừng lại ở ý nghĩa cá nhân, mà tiêu biểu cho số phận của nhân dân Nga trong và sau chiến tranh, đồng thời cũng là số phận của con người nói chung trước những thăng trầm của đời sống.
3. Số phận con người làm sống lại trước mắt ta hình ảnh những con người lương thiện mà số phận thì thật nghiệt ngã. Nhà văn muốn thông qua tác phẩm nói gì với chúng ta? Bằng sự chiêm nghiệm gần cả cuộc đời mình ông muốn nói rằng: Cuộc sống của con người lương thiện thật chẳng dễ dàng chút nào, rằng con người phải sống lương thiện dù chiến tranh quá ư khốc liệt, chiến tranh hủy diệt tất cả. Hãy sẵn sàng chấp nhận số phận, hãy vượt lên trên mọi nỗi đau đớn, đứng vững với tư thế một con người. Lối kể chuyện đơn giản, chi tiết chọn lọc nên cảnh và người hiện lên y như thật.