GỢI Ý

Đây là kiểu bài bình luận yêu cầu nói lên suy nghĩ của bản thân về một nhận định văn học mà chúng ta đã học. Nhưng muốn bình luận sát đúng với tác phẩm, người làm bài không thể không phân tích hai ý quan trọng trong lời nhận định: một là “những cảnh đời u ám” và hai là "một thông điệp vui”. Phải bình luận, nói lên suy nghĩ của mình trên cơ sở phân tích hai ý trên.

Bài làm có thể kết cấu theo hai phần: Phần một làm sáng rõ lên đâu là những “cảnh đời u ám” (ý phụ) và đâu là “thông điệp vui”. Phần hai là phần nói lên suy nghĩ của bản thân.

Về phần một: Phân tích và chứng minh “cảnh đời u ám” mà Lỗ Tấn đã phản ánh trong truyện: cảnh đời ngu muội, tối tăm của gia đình lão Thuyên chạy chữa bệnh ho thập tử nhất sinh cho đứa con trai bằng cách bao tẩm máu người chết; cảnh sống cộng đồng bị chìm trong không khí lạnh lẽo, người như bóng ma, chó không buồn sủa. Nhưng đau đớn hơn là sự ngu muội, u tối của người dân không biết đâu là phải trái, đâu là trắng đen giữa cuộc đời. Chú ý lời bàn tán của người dân, già và trẻ trong quán trà, về cái chết của Hạ Du - người chiến sĩ cách mạng...

Phân tích, chứng minh đâu là “thông điệp vui”: Sự thức tỉnh dần của hai bà mẹ nạn nhân. Bà mẹ của Hạ Du gào lên về nỗi oan nghiệt mà con trai mình phải chịu đựng. Hai bà mẹ xích lại gần nhau trong đau khổ. Câu hỏi đã đặt ra trong suy nghĩ và họ trăn trở tự hỏi: “Thế này là thế nào?”, “Thế là thế nào nhỉ?”. Hình ảnh những cánh hoa và vòng hoa trên mộ người chiến sĩ cùng với hình ảnh quần chúng trẻ già đi viếng mộ xua tan dần cảnh đời và cảnh trời u ám, lạnh lẽo. Kết thúc là hình tượng con quạ bay vút vào chân trời như một lời dự báo tương lai khoáng đạt hơn.

Về phần hai: Đây là phần dành cho sự sáng tạo độc lập của người làm bài. Tuy nhiên, có thể tham khảo một số gợi ý:

- Ý tưởng thức tỉnh quốc dân là một chủ đề lớn trong sáng tác của Lỗ Tấn. “Thuốc” hàm nghĩa chữa bệnh cho nhân dân.

- Tính khái quát sâu sắc của tác phẩm. Thuốc trong việc phản ứng hiện thực đương thời của đất nước Trung Hoa, những năm cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX.

- Tình yêu và niềm tin sâu sắc của tác giả đối với nhân dân mình, ngay từ thời kì đen tối thê thảm của đất nước Trung Quốc dưới chế độ cũ.

- Tác dụng to lớn của sáng tác Lỗ Tấn đối với sự nghiệp cách mạng và nền văn hóa mới của nhân dân Trung Hoa...

Phân tích những nét phác họa đẹp về nhân vật Hạ Du của Lỗ Tấn

Đề nói là những nét phác họa vì Lỗ Tấn chưa xây dựng một điển hình về người chiến sĩ cách mạng. Hạ Du - trong điều kiện lịch sử lúc bấy giờ - chỉ mới hé lên như là một cánh chim báo hiệu, một nụ mầm của phong trào cách mạng thời kì trước nước.

Tuy nhiên hình ảnh Hạ Du đã mang những nét đẹp đặc biệt của một cánh chim ưng báo hiệu cho một thời cuộc mới. Chú ý mấy nét chính sau:

- Hạ Du xuất hiện như một hình ảnh cao cả, siêu phàm, một kiểu anh hùng phi thường, một con người xuất chúng khó hiểu, kì lạ từ bối cảnh tối tăm mê muội của đất nước Trung Hoa hồi bấy giờ (lời bình luận của quần chúng tại quán trà nhà lão Thuyên).

- Hạ Du giác ngộ về quyền lợi và sinh mệnh đất nước phải là của nhân dân chứ không phải của triều đại Mãn Thanh (lời Hạ Du nói với lão Nghĩa).

- Hạ Du ngay trong hoàn cảnh bấy giờ đã ý thức được đâu là phẩm giá chân chính của con người. Hạ Du biết kẻ đáng thương hại lại chính là kẻ cầm quyền ngu muội chứ không phải người cách mạng đang bị cầm tù. (Liên hệ cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân).

- Cái chết, sự hi sinh của Hạ Du đã biến nỗi đau của bà mẹ thành nỗi oán thù đối với bọn cầm quyền (lời kêu khóc của mẹ Hạ Du trước mồ con).

– Cái chết của Hạ Du thức tỉnh trí óc của người đang sống (“Thế này là thế nào?”, “Thế là thế nào nhỉ?”) và đã nhen nhóm lên sức mạnh của quần chúng (hình ảnh những vòng hoa tươi trên mộ Hạ Du, cảnh người già người trẻ đi viếng mộ người chiến sĩ).