ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Tóm tắt: Trong một đêm khuya, để chuẩn bị cho chiến dịch ngày mai, Bác Hồ ở cùng lán với bộ đội trong rừng. Bên bếp lửa, Bác không ngủ vì thương đoàn dân công giờ này còn phải chịu rét mướt khổ sở ngoài rừng sâu mưa đêm rả rích. Bác không ngủ nên Bác đi lại săn sóc giấc ngủ cho những người bộ đội để sáng hôm sau hành quân đi vào các trận đánh với quân thù.

2. Hình tượng Bác Hồ trong bài thơ được miêu tả qua con mắt và cảm nghĩ anh đội viên. Cách miêu tả đó sẽ nói lên được tình cảm tha thiết gắn bó và yêu thương của người cha và người con. Nó thể hiện được tấm lòng anh bộ đội với Bác và thể hiện được tâm hồn yêu thương mênh mông của Bác với con cháu mình trong kháng chiến.

3. Tình cảm của anh đội viên:

- Rất cảm phục, kính trọng và dường như mê muội trong tình yêu của người con với người cha.

- Anh lo, thương cho Bác vì biết Bác già rồi mà thức như vậy thì lấy sức đâu mà tham gia chiến dịch cho ngày mai.

+ Trạng thái tâm lí: bồn chồn, thổn thức, bề bộn, hốt hoảng, mơ màng như nằm trong giấc mộng.

+ Đối thoại với Bác: lễ độ và lo lắng.

• Bác ơi, Bác chưa ngủ

Bác có lạnh lắm không?

• Mời Bác ngủ, Bác ơi!

Cứ mỗi lần thức, anh đội viên càng bộc lộ tình cảm với Bác mạnh hơn, tha thiết hơn, tự hào hơn.

Nhà thơ không kể lần thứ hai thức dậy là để khoảng trống cho người đọc tự suy nghĩ có điều ấy. Có lẽ lần thứ nhất anh đội viên bày tỏ tình cảm bồng bột; lần thứ hai suy nghĩ sâu sắc về việc Bác không ngủ, lần thứ ba không kìm nén được tình cảm, anh bộc lộ cái hốt hoảng giật mình bằng cách nằng nặc mời Bác ngủ. Qua đây mà hình ảnh và tấm lòng của Bác được khắc họa thật sâu đậm.

4. - Sau khi Bác khuyên anh đội viên an giấc và hé một chút tâm trạng “Bác ngủ không yên lòng” thì anh đội viên không ngủ được, cố gắng tìm hiểu vì sao Bác không ngủ. Anh hiểu sâu thêm tình thương của Bác dành cho bao nhiêu người đang gian khổ vì kháng chiến.

- Khổ thơ cuối là một đáp số, một phát hiện: Tình thương của Bác không chỉ là những biểu hiện lẻ tẻ mà nó là bản chất trong nhân cách Hồ Chí Minh. Đúng như Chế Lan Viên nhận xét: “Bác vĩ đại chẳng làm ai kinh ngạc”.

5. - Đây là thể thơ ngũ ngôn, mỗi dòng 5 tiếng thường được gieo vần ở tiếng cuối cùng ở mỗi dòng thơ.

+ Trong một khổ 4 dòng thì vần ở dòng 2 và 3.

+ Trong hai khổ nối nhau thì vần ở dòng 4 khổ này với dòng 1 khổ kia.

- Đây là lối thơ của vè, hát dặm, rất thích hợp cho việc kể chuyện.

6. - Một số từ láy:

trầm ngâm, nhẹ nhàng, lồng lộng

bồn chồn, phăng phắc, nằng nặc

- Có thể tra từ điển để thấy hết ý nghĩa của những từ này.

LUYỆN TẬP

1. - Cần lưu ý cách ngắt nhịp:

+ Chủ yếu là 3/2 : Anh đội viên // thức dậy

+ Có khi là 2/3 : Đêm nay // Bác không ngủ.

- Đọc theo kiểu kể chuyện. Chú ý các đối thoại.

2. Tôi bàng hoàng giật mình khi trời đã khuya rồi mà Bác vẫn ngồi tư lự bên bếp lửa. Bác bỏ củi vào cho ngọn lửa bùng lên ấm áp, rồi Bác đi rất nhẹ nhàng để dém chăn cho từng chiến sĩ. Bác đang quan tâm tới giấc ngủ của bộ đội. Vị lãnh tụ ấy không chỉ lo cho vận mệnh dân tộc mà lo cho từng con người. Đó là những cử chỉ săn sóc của người mẹ!

Tôi ứa nước mắt và thiếp đi trong sung sướng. Quên cả trận đánh khốc liệt ngày mai, tôi nhẹ nhàng trôi vào giấc ngủ như thủa nào nằm yên trong lòng mẹ.

Lần thứ hai tôi thức dậy. Thật bất ngờ, Bác vẫn chăm chút cho từng bếp lửa để xua đi cái rét mướt theo mưa dầm rả rích chốn núi rừng. Tôi lặng yên miên man nghĩ và lại thiếp đi.

Lần thứ ba thức dậy có lẽ là nhờ bếp lửa được bùng to và ấm áp hơn. Tôi không kìm lòng mình được nữa nên nằn nì mời Bác ngủ. Bác dỗ dành tôi phải ngủ ngon. Bác nói Bác ngủ không an lòng. Tôi hiểu, dù không nhìn thấy bằng mắt nhưng tấm lòng Người nhìn thấy đoàn dân công ngủ cơ cực trong cái rét, cái khổ ngoài rừng mưa...

Quả thật tình thương của Bác dành cho con người là một lẽ thường tình không so đo, tính toán hoặc đặt ra điều kiện nào.