I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU: Từ giờ ôn tập, HS cần:
- Hình thành được những hiểu biết sơ lược về các thể truyện, kí trong loại hình tự sự. Nhớ được nội dung cơ bản và những nét đặc sắc về nghệ thuật của các tác phẩm truyện, kí hiện đại.
II. TIẾN TRÌNH GIẢNG DẠY:
1. Ổn định lớp.
2. Kiểm tra bài cũ.
- Em hãy nêu vài nét đẹp nổi bật của quê hương mình.
3. Bài mới
ÔN TẬP VỀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA CÁC TRUYỆN, KÍ ĐÃ HỌC
- GV mời HS nhắc lại tên và thể loại của các tác phẩm hoặc đoạn trích truyện, kí hiện đại đã học từ tuần 18 đến tuần 28.
- GV kẻ bảng và cùng HS xây dựng nội dung điền vào các cột trong bảng.
* GV đặt câu hỏi thảo luận:
1. Dế Mèn phiêu lưu ký (trích)
- Tác giả: Tô Hoài
- Thể loại: Truyện
- Tóm tắt nội dung (đại ý): Dế Mèn có vẻ đẹp cường tráng của một chàng dế thanh niên nhưng tính tình xốc nổi, kiêu căng. Trò đùa ngỗ nghịch của Dế Mèn đã gây ra cái chết thảm thương cho Dế Choắt và Dế Mèn đã rút ra được bài học đường đời cho mình.
2. Sông nước Cà Mau (trích Đất rừng Phương Nam)
- Tác giả: Đoàn Giỏi
- Thể loại: Truyện
- Tóm tắt nội dung (đại ý): Cảnh quang độc đáo của vùng Cà Mau với sông ngòi, kênh rạch bủa giăng chi chít, rừng đước trùng điệp hai bên bờ và cảnh chợ Năm Căn tấp nập trù phú họp ngay trên mặt sông.
3. Bức tranh của em gái tôi
- Tác giả: Tạ Duy Anh
- Thể loại: Truyện ngắn
- Tóm tắt nội dung (đại ý): Tài năng, tâm hồn trong sáng và lòng nhân hậu ở cô em gái có năng khiếu đặc biệt về hội họa đã giúp cho người anh vượt lên được lòng tự ái, đố kị và sự tự ti của mình.
4. Vượt thác (trích Quê nội)
- Tác giả: Võ Quảng
- Thể loại: Truyện
- Tóm tắt nội dung (đại ý): Hành trình ngược sông Thu Bồn vượt thác của con thuyền do dượng Hương Thư chỉ huy.
5. Buổi học cuối cùng
- Tác giả: An phông-xơ Đô-đê (Pháp)
- Thể loại: Truyện ngắn
- Tóm tắt nội dung (đại ý): Buổi học tiếng Pháp cuối cùng của lớp học vùng An-dát bị Phổ chiếm đóng và hình ảnh thầy giáo Ha-men qua cái nhìn và tâm trạng của chú bé Phrăng.
6. Cô Tô (trích)
- Tác giả: Nguyễn Tuân
- Thể loại: Kí
- Tóm tắt nội dung (đại ý): Vẻ đẹp tươi sáng, phong phú của cảnh sắc thiên nhiên vùng đảo Cô Tô và một nét sinh hoạt của người dân trên đảo.
7. Cây tre Việt Nam
- Tác giả: Thép Mới
- Thể loại: Kí
- Tóm tắt nội dung (đại ý): Cây tre là người bạn gần gũi, thân thiết của nhân dân Việt Nam trong cuộc sống hàng ngày trong lao động và chiến đấu. Tre đã thành biểu tượng của đất nước và dân tộc Việt Nam.
8. Lòng yêu nước (Trích bài báo Thử Lửa)
- Tác giả: I-li-a Ê ren-bua
- Thể loại: Tùy bút chính luận
- Tóm tắt nội dung (đại ý): Lòng yêu nước khơi nguồn từ lòng yêu những vật bình thường gần gũi, từ tình yêu gia đình, quê hương. Lòng yêu nước được thử thách và bộc lộ mạnh mẽ trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
9. Lao xao (trích Tuổi thơ im lặng)
- Tác giả: Duy Khán
- Thể loại: Hồi kí tự truyện
- Tóm tắt nội dung (đại ý): Miêu tả các loài chim ở đồng quê, qua đó bộc lộ vẻ đẹp và sự phong phú của thiên nhiên làng quê và bản sắc văn hóa dân gian.
* Hãy nêu những cảm nhận sâu sắc và hiểu biết mới của mình về đất nước, con người qua các truyện kí đã được học?
- Nhân vật nào làm em yêu thích nhất và nhớ nhất trong các truyện đã học? Hãy thử phát biểu cảm nghĩ về nhân vật ấy?
→ GV tổng hợp lại các ý kiến của HS.
4. Luyện tập:
- Những đoạn miêu tả nào trong các truyện, kí làm cho em thích thú?
Hãy chọn và viết một đoạn văn miêu tả cảnh vật thiên nhiên.
5. Dặn dò:
- Xem lại bài ôn tập. Thuộc Ghi nhớ trang 118.
- Soạn bài: Cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử.