Minh Huệ cho rằng làm thơ về Bác là một hạnh phúc lớn, là một điều thiêng liêng. Đêm nay Bác không ngủ của anh ra đời được trên 30 năm, sau đó anh cũng đã có hơn mười bài viết về Bác, song cho đến nay "Đêm nay Bác không ngủ" vẫn có một sức sống mãnh liệt, nó như một tiếng chuông mà âm vang dường như không bao giờ dứt khỏi lòng bạn đọc. Sau khi bài thơ ra đời nhiều người hỏi anh: Anh được sống với Bác trong chiến dịch Biên giới có lâu không? Chắc anh là anh đội viên trong bài thơ? Và mọi người đã hết sức ngạc nhiên khi biết rằng, trước khi bài thơ ra đời anh chưa một lần được gặp Bác và cũng chưa hề mặc áo lính. Lúc đó anh là một cán bộ tuyên truyền, cán bộ Đoàn thanh niên cứu quốc, mới ngoài hai mươi tuổi. Vậy Minh Huệ đã viết bài "Đêm nay Bác không ngủ" như thế nào?
Cũng như bao người khác, anh luôn mong được gặp Bác, được đón Bác về thăm quê hương Nghệ Tĩnh và lo lắng cho sức khỏe của Bác ở chiến khu Việt Bắc. Thế rồi, tình cờ, anh được gặp một người bạn chiến sĩ ở mặt trận biên giới về. Người bạn đã được gặp Bác nhiều lần, do đó đã say sưa kể cho anh nghe về Bác. Đêm ấy, một đêm đông bên sông Lam câu chuyện kể đã làm cho căn nhà tranh trống trải trở nên ấm áp. Chuyện kể, nào đã ngoài sáu mươi, Bác vẫn mũ nan, quần áo lính, băng rừng, lội suối trực tiếp chỉ huy chiến dịch biên giới (1950) nào chiến sĩ mời Bác ăn thịt gà, Bác bảo mang ngay cho thương binh; thấy chân Bác sưng phồng, chiến sĩ mời Bác đi ngựa. Bác bảo nhường cho chú nào yếu... Rồi Bác hay kể chuyện, ngâm thơ, ra câu đối cho các chiến sĩ dọc đường hành quân...
Minh Huệ đã không cầm được nước mắt. Anh tiễn bạn một đoạn đê dài vào lúc nửa đêm trong nỗi lưu luyến. Khi đến phút chia tay, người bạn đã “à” lên một tiếng. Rồi bằng giọng thủ thỉ anh kể cho Minh Huệ nghe... Câu chuyện cuối cùng này về Bác đã trở thành cái lõi của bài Đêm nay Bác không ngủ, mà chúng ta đều đã biết. Anh trở về trong nỗi xúc động và lòng kính yêu vô hạn đối với Bác. Anh thầm nghĩ, Bác Hồ không chỉ thức một đêm. Bác thức suốt cuộc đời vì hạnh phúc của dân tộc. Đột nhiên, những tiếng thơ:
Bác không ngủ đêm nay
Đêm nay Bác không ngủ
Bác thức vì dân tộc
cứ bám chặt vào hồn thơ anh như mầm non vừa nhú rồi tứ thơ này, tứ thơ khác xuất hiện lướt qua óc anh. Ngọn đèn trên bàn còn sáng, anh lấy sổ tay ghi mê mải những câu chuyện về Bác Hồ vừa được nghe kể. Ghi tới những chi tiết nghe được đã cạn, cảm xúc đã vơi đi anh mới đọc lại và ngạc nhiên nhận ra mình đã làm thơ về Bác. Lúc đó, trời cũng vừa sáng rõ. Một bài thơ 5 chữ của thể vè Nghệ Tĩnh mà anh vốn yêu thích từ nhỏ. Câu đầu tiên là Đêm nay Bác không ngủ. Toàn bộ bài thơ phát triển theo mạch cảm hứng đó.
Hai tuần sau, cảm xúc đã lắng xuống, đọc lại bài viết anh mới nhận ra rằng, cái mà anh cho là thơ ấy, thực ra mới chỉ là một bản ghi chép có vần điệu tứ chưa thành ý trùng lập, bố cục loạo choạc, nhiều lời, không hợp với sự giản dị của Bác – Anh nói vui - nó giống như một cái sân khấu chất đầy những phong cảnh chưa dựng. Và đến lúc ấy anh mới kịp nhận ra rằng anh đã làm một việc quá táo bạo, vượt quá sức của anh là tái hiện một nhân vật có tầm cỡ lịch sử rộng lớn như Bác Hồ bằng thơ ca...
Ngợp quá, nhưng không viết thì lại tiếc. Bao chất liệu giàu chất thơ đã ghi chép được! Cuối cùng anh quyết định tiếp tục công việc nhưng không dựng bức tranh quá nhiều cảnh và nhiều màu sắc như vậy nữa mà chỉ làm sống dậy một cảnh nhỏ bình dị về Bác trong chiến dịch thôi. Anh tự động viên: “Nếu không thành công thì cũng bày tỏ được lòng thành của mình với Bác”, và xác định phải tìm hiểu thêm nữa về Bác. Thế rồi anh tìm đọc “Sửa đổi lề lối làm việc” của Bác, hiểu thêm được tư tưởng vì nhân dân quên mình của Bác. Đọc “Ký sự Cao Lạng” của Nguyễn Huy Tưởng, hiểu thêm về Chiến dịch Biên giới, về tình cảm gắn bó sâu sắc giữa Bác với quân đội. Anh còn gặp các đồng chí lãnh đạo địa phương đã từng được gặp Bác, nghe kể lại những mẩu chuyện về Bác và đọc khá say sưa luận văn của đồng chí Phạm Văn Đồng: “Hồ Chủ Tịch, hình ảnh của dân tộc” viết năm 1948. Anh rút ra hai mặt thống nhất trong tính cách của Bác: vĩ đại và giản dị. Càng vĩ đại càng giản dị và ngược lại. Anh còn tìm đọc những bài thơ ca nói về Bác, và rất thích câu ca dao:
Cụ Hồ ở giữa lòng dân
Tuy xa xa lắm nhưng gần gần ghê
Nó giản dị như lời nói thương nhưng lại chứa đựng một ý rất sâu. Anh muốn viết theo hướng đó, chứ không muốn dùng “đại ngôn” để diễn tả, không hợp với tính cách giản dị, thân mật của Bác. Do đó, anh đã chọn cách kể lại câu chuyện giữa Bác và anh đội viên bằng giọng tâm tình, ngọt ngào.
Viết lại, mở đầu, anh bắt ngay vào phút giao lưu tình cảm giữa Bác và anh đội viên. Ba khổ đầu viết một cách suôn sẻ nhưng mạch thì lại không tiếp nối được nữa. Bí! Anh “nhảy cóc” viết mấy khổ thơ gần cuối. Năm 1949, anh vào công tác ở chiến trường Bình - Trị - Thiên, một trong những chiến trường gian khổ, ác liệt cả nước lúc đó. Và hè năm 1950, anh tham gia chiến dịch Phan Đình Phùng. Anh cùng hành quân, cùng chịu đựng những thiếu thốn gian nan như các chiến sĩ (anh làm công tác tuyên truyền). Nhưng mỗi khi trú quân trong thôn xóm bị giặc đốt đi đốt lại nhiều lần, anh em chiến sĩ thường nằm ngoài vườn, nhường những túp lều nhỏ với những tàu lá chuối làm “giường” cho anh... Thực tế đó đã là chất liệu sống giúp anh viết khá nhanh khổ thơ.
Bác thương đoàn dân công
Đêm nay ngủ ngoài rừng
Rải lá cây làm chiếu
Manh áo phủ làm chăn
Bài thơ còn đang “dở dang” thì cơ quan anh chuyển đến một vùng đồi núi. Minh Huệ ở trong nhà một bà mẹ nghèo. Một đêm khuya lạnh, mê vì công việc “tiếp tục bài thơ”, anh thiếp đi trên chiếc chõng tre. Khi choàng dậy, một cảnh thật cảm động hiện ra: mẹ già vừa đắp cho anh một chiếc chăn mỏng và từ lúc nào, đã đốt một bếp lửa cạnh chỗ anh nằm. Mẹ đang ngồi trầm ngâm, bóng mẹ rung rinh trên vách nứa: bên ngoài, trời đang mưa rả rích. “Sao giống quá cái cảnh mình đang muốn tả trong bài thơ” - anh nghĩ. Bà mẹ với anh sao giống Bác Hồ với anh chiến sĩ trong đêm chiến dịch mà anh đã được nghe kể (tất nhiên về ý nghĩa chính trị và xã hội thì không thể so sánh thế được). Rồi anh tưởng tượng chính anh là người chiến sĩ nọ. Anh bật dậy, chạy tới bàn viết luôn:
Rồi Bác đi dém chăn
Từng người từng người một
Sợ cháu mình giật thột
Bác nhón chân nhẹ nhàng
Còn anh đội viên thì sống trong cảnh nửa thực nửa hư, xúc động, vui sướng:
Anh đội viên mơ màng
Như nằm trong giấc mộng .
Và sau cái phút “mơ màng” ấy là phút “anh hốt hoảng” lo lắng cho sức khỏe của Bác, một sức khỏe có liên quan đến cuộc kháng chiến của cả dân tộc. Rồi sau nữa, hiểu được đạo lý sâu xa “không ngủ” của Bác anh làm theo Bác:
Lòng vui sướng mênh mông
Anh thức luôn cùng Bác.
Đến đây cái “kịch tính đáng yêu” mà anh dụng ý dựng lên trong bài thơ đã kết thúc trọn vẹn. Anh Minh Huệ tâm sự: Chẳng biết vì sao sách giáo khoa trước đây ít năm đã cắt bỏ của tôi đoạn kết. Kể ra cắt đi cũng có phần gọn, nhưng hơi cụt, hơi “Tây” thiếu mất phong vị Á Đông, thiếu sự có hậu của phong cách dân gian. Tôi nghĩ phải có đoạn kết ấy mới tạo nên âm vang. Đoạn thơ như tổng kết một đạo lý, như khắc họa một bức tượng về Bác.
Sau khi ra đời và được phổ biến khá rộng, anh có sửa chữa chút ít về chữ nghĩa, chẳng hạn câu Mái lều tranh xơ xác anh sửa là Lều tranh sương phủ bạc, nhưng nghĩ lại sương phủ bạc thì làm gì có mưa lăn thăn. Cầu sửa vừa mất vẻ giản dị lại sai quy luật nên anh quyết định giữ lại câu cũ. Câu Manh áo cũng là chăn sau sửa thành manh áo phủ làm chăn cho nhuần nhị hơn. Hay một vài từ như đinh ninh trong câu Bác vẫn ngồi đinh ninh, từ mênh mông trong câu Lòng vui sướng mênh mông, nhiều bạn đọc và cả anh nữa cũng có chút băn khoăn về độ chính xác của nó. Song nói như anh Quang Huy (Báo văn nghệ số 20 ra ngày 19 – 5 – 1973) “Sửa tiếp nữa cho bài thơ thật hoàn chỉnh để xứng với tư cách cổ điển của nó, hay là thôi, coi như một công trình đã được nghiệm thu rồi là tùy ở Minh Huệ”.
Anh Minh Huệ kể lại mấy mẩu chuyện vui: Cuối 1954 trong một lớp chỉnh huấn cán bộ giờ giải lao, anh bỗng nghe giới thiệu: “Mời các đồng chí nghe một bài thơ về Bác Hồ, bài Đêm nay Bác không ngủ của nhà thơ Minh Huệ, anh cũng đang có mặt trong lớp chỉnh huấn của chúng ta” (bài thơ được ghi vào đĩa hát). Anh giật mình đánh thót. Nhà thơ! To chuyện quá! Anh nghĩ, mình chỉ là một cán bộ tuyên giáo bình thường, đi vào quần chúng thấy có bao nhiêu cái đẹp mà mình yêu quý, không nói lên bằng âm điệu của thơ thì không chịu nổi. Khi bài thơ được in, anh chỉ lo nó chưa xứng đáng.
Rồi tiếp đó, một hôm gặp anh, anh Lưu Trọng Lư nắm vai giật lia lịa:
- Huệ! Huệ! Bài thơ của mi làm ra lúa ra gạo! Tao đi công tác thuế nông nghiệp tạo ngâm bài thơ của mi, bà con thích lắm, họ nói, Cụ Hồ thương ta như rứa, ta phải lo đóng lúa cho nhiều để Cụ nuôi quân.
Lại một hôm, ở chiến dịch Thượng Lào về, một anh bạn của anh Huệ kể với anh, anh ấy gặp một toán dân công đang nghỉ bên đường, một anh dân công nói to “Bà con nghe tôi hát chèo Cụ Hồ thương dân công” rồi anh ta khua ròn cái trống da ếch mang theo và hát. Bài chèo ấy chính là bài Đêm nay Bác không ngủ được đổi tên và “chèo hóa”. Anh Huệ bảo, những điều đó là phần thưởng quý đối với anh.
Đêm nay Bác không ngủ đã được anh hoàn thành sau 5 tháng kể từ ngày anh ghi chép những mẩu chuyện Bác Hồ đi chiến dịch.
Chia tay chúng tôi, anh Huệ bộc bạch điều anh tâm huyết: thơ của chúng ta đã nói khá đậm về đức độ, về tấm lòng yêu nước thương dân... của Bác. Tôi nghĩ, thơ cần nói về trí tuệ khoa học uyên bác và thanh gươm nguyên soái tối cao của Người, cần đi sâu phản ánh sự nghiệp cách mạng vĩ đại, dựng lên hình tượng của Người với tư cách là nhà chiến lược thiên tài... Viết về Bác Hồ, với tôi là một nhu cầu tình cảm, là một nguyện vọng, là một hạnh phúc lớn lao.