A. YÊU CẦU

1. Học sinh cần nắm được:

Đêm nay Bác không ngủ là một bài thơ sớm thành công về đề tài Bác Hồ. Bài thơ ca ngợi tình cảm sâu sắc của Bác đối với bộ đội và dân công trong kháng chiến, đồng thời nói lên tình cảm chân thành của anh đội viên cũng như của mọi người đối với Bác kính yêu.

2 - Giáo dục lòng yêu mến kính Bác Hồ, lãnh tụ của dân tộc, người cống hiến cả đời mình cho hạnh phúc của nhân dân.

3 - Rèn luyện kĩ năng phân tích thơ trữ tình có nhiều yếu tố tự sự.

Rèn luyện kĩ năng cảm, hiểu sự chuyển hóa cảm xúc trong tình cảm của nhân vật trữ tình.

B. TIẾN TRÌNH BÀI DẠY

1. Kiểm tra bài cũ.

2. Giới thiệu tác giả và tác phẩm.

a. Tác giả Minh Huệ (tư liệu trong SGK).

b. Bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ" được sáng tác năm 1991, trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Đây là bài thơ ca ngợi lãnh tụ rất thành công, là bài thơ nổi tiếng nhất của Minh Huệ.

3. Phân tích.

a. Đọc bài thơ. Giáo viên gọi học sinh đọc, hướng dẫn đọc diễn cảm thể hiện tâm trạng của anh đội viên, tình cảm của Bác với bộ đội và dân công.

b. Tìm đại ý của bài thơ: Tác giả thuật lại câu chuyện một đêm ở rừng Việt Bắc anh đội viên nhiều lần thức dậy thấy Bác không ngủ, anh thương Bác, lo cho Bác, nhưng Bác không ngủ vì Bác thương bộ đội và dân công. Bài thơ thể hiện tình cảm lớn lao của Bác dành cho mọi người và sự kính yêu Bác của anh đội viên và của nhân dân ta.

c. Phân tích chi tiết.

c1. Lòng thương mênh mông của Bác đối với bộ đội và dân công.

GV: Em hãy cho biết Bác thức trong hoàn cảnh như thế nào? Có nét gì đặc biệt trong hoàn cảnh đó?

- Gợi ý: Bác thức trong một đêm lạnh, ở tại lều xơ xác, trời lại mưa lâm thâm. Nét đặc biệt là Bác chủ động ngồi không ngủ cạnh bếp lửa, chứ không phải Bác không ngủ được.

GV: Em có biết vì sao Bác không đi nằm và ngủ như các anh em bộ đội? Bác thức để làm gì?

- Gợi ý: Bác không ngủ như mọi người vì Bác thức để đốt lửa cho ấm căn lều cho các chiến sĩ ngủ ngon.

GV: Hãy tìm các chi tiết nói lên sự quan tâm sâu sắc của Bác đối với giấc ngủ của các chiến sĩ.

Gợi ý:

– Bác đốt lửa.

- Bác đi dém chăn cho từng người.

- Bác nhón chân nhẹ nhàng tránh làm giật mình những người đang ngủ.

GV: Vì sao anh đội viên lại mơ màng “như nằm trong giấc mộng” và cảm thấy “ấm hơn ngọn lửa hồng” khi nhìn bóng Bác?

Gợi ý: Câu thơ diễn tả trạng thái tâm lí nửa tỉnh, nửa mê của người chợt thức giấc trong đêm khuya. Mặt khác lần đầu tiên được chứng kiến sự ân cần, chu đáo của Bác tựa như người Cha đối với người con, anh đội viên sung sướng và như không tin vào những điều anh nhìn thấy. Bóng Bác cao lồng lộng vì Bác đang đi dém chăn cho từng người. Sự quan tâm của Bác là đã đốt lửa sưởi ấm cho các anh. Nhưng cao lồng lộng còn là tượng trưng cho sự lớn lao, cao cả của Bác, và tình Bác còn ấm áp hơn lửa khi Bác quan tâm săn sóc đến giấc ngủ của từng người.

GV: Bác thức để chăm lo cho giấc ngủ của bộ đội, nhưng sau khi đốt lửa, dém chăn, sao Bác vẫn không ngủ? Anh đội viên có tìm ra lí do sự không ngủ của Bác không?

Gợi ý: Nếu chỉ nguyên các anh đội viên ở cùng lều với Bác thì Bác đã có thể yên tâm ngả lưng, chợp mắt. Nhưng Bác không ngủ còn vì Bác thương những người dân công ngủ ngay ở ngoài rừng mưa lạnh, không có chiếu (nằm trên lá) không có chân (đắp bằng áo). Vì thương nên Bác “không an lòng” và trời càng lạnh, càng mưa thì sự “không an lòng” biến thành “nóng ruột”. Đó là lí do khiến Bác không thể ngủ mặc dù anh đội viên thức giấc ba lần và lần nào cũng nằng nặc mời Bác ngủ.

c2. Tình cảm của anh đội viên với Bác.

GV: Khi thấy Bác không ngủ, tình cảm của anh đội viên đối với Bác như thế nào?

Gợi ý: Khi thấy Bác không ngủ, anh đội viên thương Bác “càng nhìn lại càng thương”. Sau đó anh cảm động săn sóc Bác bằng câu hỏi ân cần. “Bác ơi! Bác chưa ngủ. Bác có lạnh lắm không?” Và sau cùng anh bồn chồn lo Bác ốm, lo cho chiến dịch bị ảnh hưởng.

GV: Em có nhận xét gì về thái độ của anh đội viên khi thức dậy lần thứ ba. Vì sao anh lại có thái độ như thế?

Gợi ý: Lần thứ ba thức dậy mà thấy Bác vẫn chưa ngủ thì anh đội viên hốt hoảng và giật mình. Bởi anh nghĩ rồi có lúc Bác cũng sẽ ngả lưng. Nhưng từ lần thứ nhất “trời khuya lắm rồi” đến lần thứ hai, và lần này là “trời sắp sáng” nghĩa là sắp trọn một đêm. Vì vậy lần này anh vội vàng, lần này anh năn nỉ, kiên trì:

Mời Bác ngủ Bác ơi!

Bác ơi! Mời Bác ngủ!

Câu thơ đảo qua, nhắc lại, nhưng tập trung vào chuyện ngủ. Bác phải ngủ để có sức, để lãnh đạo kháng chiến lâu dài.

- Anh đội viên có thái độ như thế vì anh rất thương Bác, lo cho Bác, như người con săn sóc người cha.

GV: Tại sao từ chỗ bồn chồn, lo lắng, nằng nặc mời Bác ngủ, anh đội viên lại chuyển sang “vui sướng mênh mông” thức cùng với Bác?

Gợi ý: - Đây là tình cảm rất thật của anh đội viên. Anh lo cho Bác, nhưng trước đó anh chưa hiểu hết tấm lòng của Bác. Anh chỉ nghĩ rằng Bác thức là để đốt lửa, dém chăn cho các anh, nên anh cố mời Bác ngủ. Nhưng khi anh biết Bác còn thức vì lo lắng, vì thương anh chị em dân công ướt lạnh trong đêm thì anh nhận ra không thể nào mời Bác ngủ được. Anh sung sướng vì biết Bác lo cho tất cả, biết lòng Bác thật bao la.

Bác ơi tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông mọi kiếp người

(Tố Hữu)

Anh sung sướng vì phát hiện được tấm lòng của Bác thật nhân hậu bao dung “nâng niu tất cả chỉ quên mình”. Và vì thế anh thức cùng Bác.

4. Tổng kết.

a. Nội dung: Với những chi tiết cụ thể, sinh động và lời thợ mộc mạc, tác giả đã dựng lại khung cảnh một đêm không ngủ của Bác ở lán chiến khu. Qua đó tác giả ca ngợi tình cảm mênh mông của Bác đối với bộ đội, dân công và tình cảm của anh đội viên nói riêng và nhân dân ta nói chung đối với Bác kính yêu.

Nhan đề bài thơ không phải "đêm ấy Bác không ngủ” mà là đêm nay, thời gian hiện tại và cũng là tương lai gần, Bác sẽ còn nhiều đêm không ngủ vì yêu nước thương dân vì “Bác là Hồ Chí Minh”.

b. Nghệ thuật: Lời tự sự giàu chất trữ tình. Các chi tiết thơ giản dị nhưng thật cảm động. Điều cơ bản là Minh Huệ đã nhập vào tâm trạng của anh đội viên, bày tỏ tình cảm chân chất và bình dị của người chiến sĩ, người con đối với "người cha mái tóc bạc”. Bài thơ thành công vì nó khơi đúng mạch tình cảm yêu mến, tôn kính của nhân dân ta với Bác.