A – YÊU CẦU

1. Cho học sinh hiểu được:

- “Dế Mèn phiêu lưu kí” là một tác phẩm nổi tiếng của Tô Hoài, được tái bản nhiều lần ở Việt Nam và dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài.

- Tóm tắt nội dung toàn tác phẩm.

- Chương một: Dế Mèn là một chú dế cường tráng, khỏe mạnh tự đắc, kiêu ngạo, hung hăng, hống hách. Chú đã nhận được một bài học ân hận suốt đời.

2. Giáo dục: tinh thần khiêm tốn, biết học hỏi những người xung quanh; biết ân hận vì những việc làm sai trái.

3. Rèn luyện kĩ năng:

- Tìm chi tiết trong tác phẩm văn xuôi.

- Phân đoạn theo nội dung chính được trình bày.

B - TIẾN TRÌNH BÀI DẠY

1. Kiểm tra bài cũ.

2. Giới thiệu tác giả và tác phẩm.

a) Tác giả Tô Hoài:

- Tên thật là Nguyễn Sen, sinh năm 1920. Bút danh Tô Hoài là do ghép sông Tô, phủ Hoài Đức, hai địa danh quê hương của nhà văn.

- Tô Hoài tham gia phong trào văn hóa cứu quốc trước cách mạng tháng Tám. Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong phong trào văn nghệ. Phó tổng thư kí, tổng thư kí hội nhà văn Việt Nam, giám đốc nhà xuất bản Hội nhà văn - Chủ tịch hội Văn nghệ Hà Nội...

- Những tác phẩm chính của Tô Hoài: Quê người (1941), Dế Mèn phiêu lưu kí (1941), Truyện Tây Bắc (1953), Miền Tây (1967), Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ (1971)...

- Tô Hoài được tặng giải thưởng Bông Sen của Hội Nhà văn Á Phi với tác phẩm “Miền Tây”.

b) Tác phẩm: Tô Hoài viết “Con Dế Mèn” năm 1941 rồi sau mới hoàn thiện thành “Dế Mèn phiêu lưu kí”. Tác phẩm gồm có 10 chương. Như tên gọi của tác phẩm - ghi chép các cuộc phiêu lưu của Dế Mèn - tác giả đã kể lại những chuyến đi mạo hiểm, lí thú, đầy sóng gió của Dế Mèn. Trên đường phiêu lưu Dế Mèn thấy nhiều cảnh lạ, gặp nhiều chuyện rủi, chuyện may. Mỗi lần đi Mèn lại thu được thêm nhiều bài học bổ ích, nhận rõ thêm ý nghĩa cuộc sống. Cuối cùng Dế Mèn đã cùng với các bạn bè chống lại những bất công, ngang trái, xây dựng một “thế giới đại đồng, hòa hợp”.

3. Phân tích:

a) Đọc tác phẩm: Đoạn trích khá dài. Chỉ nên đọc phần quan trọng nhất liên quan trực tiếp đến nội dung phân tích. Có thể cho học sinh đọc ở nhà phần từ đầu đến “về sau cũng nhàm dần” và “một buổi chiều, tôi ra đứng cửa hang như mọi khi... rỉa lông, rỉa cánh và chùi mép..."

b) Chia đoạn cho chương I: Như tiêu đề, chương có thể chia thành hai phần.

1) Tôi sống độc lập từ thuở bé: (từ đầu đến “không thể làm lại được”).

2) Một sự ngỗ nghịch đáng ân hận suốt đời. Phần còn lại.

c) Phân tích chi tiết.

c1, Dế Mèn và tính nết.

GV: Dế Mèn được giới thiệu và miêu tả như thế nào?

Gợi ý: Dế Mèn được giới thiệu là một chú dế cường tráng.

Đôi càng: mẫm bóng, vuốt cứng, nhọn hoắt, có sức mạnh (những ngọn cỏ gãy rạp, y như có nhát dao vừa lia qua).

Đôi cánh: đùi, vũ lên nghe phành phạch giòn giã.

Cái đầu: to, nổi từng tảng. Hai cái răng đen nhánh lúc mô cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy. Sợi râu dài một vẻ rất đỗi hùng dũng.

Dáng đi oai vệ, nhún nhảy khéo chân, rung lên rung xuống hai chiếc râu, kiểu cách con nhà võ.

Tác giả đã có những quan sát tinh tế, tỉ mỉ, những so sánh rất độc đáo, sinh động, dùng những từ ngữ giàu màu sắc gợi tả: đạp phanh phách, ngắn hủn hoẳn, nhai ngoàm ngoạp...

GV: Dế Mèn được miêu tả từ góc độ nào? Tại sao khi giới thiệu Mèn, tác giả lại chú ý đến đôi càng mẫm bóng trước tiên?

Gợi ý: được miêu tả từ góc độ chủ quan, qua cách nhận xét đánh giá của chính bản thân. Tác giả để cho Mèn trước hết giới thiệu đôi càng mẫm bóng vì càng để là “vũ khí” rất lợi hại của võ sĩ Dế Mèn. Mặt khác “đá” là miếng võ gia truyền của nhà dế. Bởi vậy mà đôi càng được giới thiệu đầu tiên và miêu tả khá tỉ mỉ.

GV: Trong phần đầu của chương này, Dế Mèn là người tính nết như thế nào? Điều gì hay và điều gì dở?

Hãy tìm từ ngữ và chi tiết thể hiện.

Gợi ý: Dế Mèn là người sống độc lập từ thuở bé. Chú chăm chú làm việc (hì hục đào đất). Chú biết lo xa như các cụ già. Chán cảnh sống quanh quẩn, nhàm chán. Táo tợn. Cà khịa với tất cả mọi bà con hàng xóm. Kiêu căng, nghĩ mình “là tay ghê gớm có thể sắp đứng đầu thiên hạ rồi”.

Những nét hay của Dế Mèn là độc lập, chăm chỉ, lo xa, có khát vọng đi đó đi đây. Còn lại là nét dở. Nổi bật nhất là sự “hung hăng, hống hách láo”.

c2, - Câu chuyện ân hận đầu tiên.

GV: Dế Choắt là một chàng dế như thế nào?

Gợi ý: là chú dế trạc tuổi với Mèn.

Choắt: người gầy gò và dài lêu nghêu như một gã nghiện thuốc phiện. Cánh ngắn củn đến giữa lưng. Càng bè bè. Râu cụt có một mẩu. Choắt là hình ảnh tương phản với Mèn.

GV: Thái độ của Mèn đối với Choắt như thế nào?

Gợi ý: Coi thường Choắt. Mèn trịch thượng kẻ cả: “chú mày”. Mèn khinh khỉnh, ích kỉ: không cho thông hang, mắng mỏ Choắt.

GV: Thái độ của Choắt với Mèn như thế nào? Tại sao Mèn lại bị bất ngờ khi Choắt nói những lời trăng trối.

Gợi ý: Choắt với Mèn rất nhún nhường, lễ phép và chân thành. Thưa gửi cẩn thận. Xin phép mới trình bày nguyện vọng, bị đòn oan thì khóc thảm thiết.

Mèn bị bất ngờ vì chính Mèn gây nên cái chết oan của Choắt. Lẽ ra Choắt có thể oán trách Mèn, nhưng Choắt lại không trách, mà lại đưa ra lời khuyên chân thành, muốn giúp cho Mèn sửa tính nết. Chính điều này đã làm cho Mèn thay đổi thái độ với Choắt “vừa thương, vừa ăn năn tội mình”.

GV: Hãy phân tích thái độ của Dế Mèn đối với chị Cốc. Qua đó Dế Mèn nhận được bài học gì bổ ích:

Gợi ý: - Dế Mèn là kẻ nghịch ranh. Lúc đầu không hề sợ “– Sợ gì? Mày bảo tao sợ cái gì? Mày bảo tao còn biết sợ ai hơn tao nữa!”. Khi chui tọt vào hang, Mèn vẫn thú vị “nằm khểnh bắt chân chữ ngũ”. Nhưng khi tận mắt nhìn mỏ Cốc như cái dùi chọc xuyên cả đất, Choắt bị dính đòn thì Mèn mới sợ “tôi cũng khiếp, nằm im thít”. Khi chị Cốc đi hắn mới “mon men bò lên”.

– Bài học Mèn nhận được là “hung hăng bậy bạ gây vạ cho chính mình”.

GV: Trong phần “câu chuyện ân hận” này tính nết của Mèn có điều gì xấu, điều gì tốt?

Gợi ý: Cái xấu là sự nghịch ranh, hung hăng không biết sợ gây ra cái chết oan của Choắt. Nhưng Mèn đã nhận ra được sai lầm của mình, biết ân hận về việc làm dại dột, sai trái của mình, thay đổi cách đối xử với Choắt, cách nhìn nhận bản thân. Đó là nét tốt của Dế Mèn khiến người ta cảm tình chứ không ghét bỏ Dế Mèn.

4. Tổng kết

a) Nội dung: Chương đầu của “Dế Mèn phiêu lưu kí” đã giới thiệu Dế Mèn là một thanh niên cường tráng, một chú dế với những nét tốt: thích độc lập, chăm chú, lo xa, chán cảnh sống nhàn tản, đơn điệu, biết ăn năn, hối hận, sẵn sàng phục thiện... và cả những thói xấu: kiêu căng, hống hách, ích kỉ, nghịch ranh. Phần tốt của Dế Mèn vẫn là cơ bản, nên Dế Mèn giành được cảm tình của người đọc.

Nghệ thuật: - Chương truyện thể hiện tài quan sát tinh tế của tác giả. Hai chàng dế với hai tính cách và hình dáng tương phản được miêu tả thật sinh động.

- Lời kể ở ngôi thứ nhất nhưng biến hóa sinh động, có ngôn ngữ đối thoại, có lời độc thoại, lời bình luận.

- Những từ ngữ miêu tả được dùng rất bất ngờ và đặc sắc, diễn tả chính xác đối tượng miêu tả:

+ Bô lão dế lụ khụ già cốc đế.

+ Đạp phanh phách.

+ Ngắn hủn hoẳn.

+ Nhai ngoàm ngoạp

- Những so sánh sinh động:

+ Cỏ gẫy rạp, y như có nhát dao vừa lia qua.

+ Cánh ngắn hẳn đến giữa lưng, hở cả mạng sườn như người cởi trần mặc áo gi-lê.

C. TƯ LIỆU THAM KHẢO

... Tô Hoài còn viết nhiều truyện nhi đồng. Những truyện nhi đồng của ông có cái đặc sắc là rất linh động và dí dỏm – ở đây cũng vậy, người ta thấy rất nhiều màu sắc của thôn quê...

Vũ Ngọc Phan “Nhà văn hiện đại”

Tôi không viết gì bâng quơ, tôi muốn mang vào đồng loại một nội dung giáo dục lúc ấy, phong trào mặt trận dân chủ Đông Dương rầm rộ, lôi cuốn thanh niên cả nước giác ngộ chính trị. Tôi hăng hái dự những buổi họp lập ái hữu thợ dệt và tham gia chống thuế... Tôi đã nhìn cái xã hội bãi cơm thiu theo con mắt của một thanh niên đang tham gia vào những hoạt động chính trị thời đó.

Hình tượng Dế Mèn với lí tưởng đi khắp mọi nơi hô hào mọi loài xây dựng thế giới đại đồng (danh từ rất thịnh hành hồi đó) tức thế giới không có áp bức và chiến tranh, là lí tưởng của tôi và lớp chưa nhận thức được tính quyết liệt của cuộc đấu tranh giai cấp. Viết “Dế Mèn phiêu lưu kí”, tôi đã viết thực tế quanh tôi và tư tưởng của lớp thanh niên như tôi. Dế Mèn, Dế Trũi đều được phú cho những đường nét tư tưởng xã hội của thời đại đương sống.

Tô Hoài (Đào Khương ghi - “Gặp gỡ 27 nhà văn có tác phẩm được chọn giảng trong nhà trường).

Dế Mèn phiêu lưu kí là tác phẩm nổi tiếng của Tô Hoài. Nó thể hiện tập trung nhất những mặt mạnh của một cây bút sở trường về miêu tả phong tục (ở đây là phong tục của nông thôn Việt Nam thông qua xã hội loài vật). Sự ngỗ nghịch ăn năn thì đã muộn rồi của Mèn gây nên tai họa cho chàng Dế Choắt, cảnh Mèn bị làm trò chơi cho trẻ con, cuộc phiêu lưu ba chìm bảy nổi của Mèn và Dế Trũi, cảnh tranh hùng vĩ võ sĩ Bọ Ngựa... liên tiếp đem lại sự khoái trá và cuốn hút người đọc. Tô Hoài có tài dựng cảnh. Ông thường có thói quen chấm phá các cảnh vật bằng những chi tiết chọn lọc, rồi vẩy hồn mình vào đấy, khiến cho cảnh vật hiện lên lung linh, sinh sắc. Qua ngòi bút tài hoa của ông, hình ảnh chàng Dế Mèn say mê lí tưởng, chú Dế Trũi sôi nổi và dũng cảm, cô Nhà Trò yếu đuối, các chị Cào Cào áo xanh áo đỏ làm duyên làm dáng, tiên sinh Xiên Tóc chán đời, võ sĩ Bọ Ngựa hung hãn, lão Cóc dở hơi, khuếch khoác, đại vương Ếch Cốm thông thái giả hiệu..., tất cả đã họp thành một xã hội loài vật đông đảo sinh động.

Dế Mèn phiêu lưu kí thể hiện rõ tài năng quan sát tinh tế, óc nhận xét sắc sảo hóm hỉnh và tình yêu sự sống của Tô Hoài. Ông đã thành công khi dựng lên cả một thế giới loài vật trong trắng, ngây thơ, ngộ nghĩnh, khao khát và say mê lí tưởng, rất phù hợp với tâm lí tuổi thơ. Tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng: Nga, Tiệp, Ru-ma-ni, Ba Lan, Mông Cổ, Nhật Bản, Nam Tư, Ấn Độ, Miến Điện, Đức, Pháp...

Trần Văn Xuyền (Từ điển văn học)