ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Đọc phần Ghi nhớ trang 109.

2. a) Câu mở đầu:

“Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh”.

Nhận xét: Vì sau dấu 2 chấm (:) viết thường cho nên đây là một câu dài. Đáng lẽ dấu chấm (.) ở dấu (:) thì câu văn sẽ ngắn gọn, tổng quát hơn. Tuy nhiên đây là ý đồ nghệ thuật của tác giả. Đặc biệt nó có quan hệ với câu cuối.

- Câu kết đoạn: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”.

b) Trình tự lập luận trong đoạn văn là cách lí giải về lòng yêu nước của tác giả một cách hình tượng và sâu sắc.

- Lòng yêu nước bắt đầu từ lòng yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng trước nhà... phố nhỏ... vị thơm. Người mỗi vùng trên đất nước Liên Xô đều có lòng yêu nước hết sức cụ thể gắn bó với đặc thù của mỗi vùng. Tất cả đều yêu những vật tầm thường nhất, không cao xa và gần gũi nhất.

- Tác giả dùng hai câu đối ứng:

Quy luật tự nhiên

Suối → Sông → Sông dài → Biển

Quy luật lòng yêu nước

yêu nhà → yêu làng xóm → yêu quê hương → yêu Tổ quốc

→ So sánh đối chiếu: Lòng yêu nước bắt nguồn từ cái nhỏ đến cái lớn.

Đây là cách lập luận đi từ một nhận định chung sau đó minh họa bằng những trùng hợp cụ thể. Người ta gọi đây là kiểu lập luận diễn dịch.

Riêng 2 câu sau thì ngược lại. Ta gọi là kiểu quy nạp. Nó như gói lại những giá trị mà tác giả vừa khám phá ở phần trên.

3. Nhớ đến quê hương người dân Xô viết ở mỗi vùng đều nhớ đến vẻ đẹp tiêu biểu của quê hương mình:

- Người vùng Bắc nghĩ đến:

+ Cánh rừng bên dòng sông Vi-na, thân cây mọc là là mặt nước.

+ Những đêm tháng sáu sáng hồng và tiếng “cô nàng” gọi đùa người yêu.

- Người U-crai-na:

+ Nhớ bóng thùy dương.

+ Cái bằng lặng của trưa hè.

+ Ong bay xua động.

- Các em tìm các chi tiết ở: người Gru-di-a, người ở thành Lê-nin Grát, người Mát-xcơ-va.

- Tác giả đã chọn lọc những chi tiết giản dị, miêu tả cái thần của sự vật và đặc biệt là miêu tả được những nét đặc trưng, thơ mộng nhất của từng nơi.

4. Chân lí ấy ở câu in nghiêng:

- Lòng yêu nhà, yêu... Tổ quốc.

LUYỆN TẬP

Các em tham khảo BÀI ĐỌC THÊM SGK trang 109 và bài văn cùng lời bình sau đây:

PHONG CẢNH QUÊ BÁC

Đường vô xứ Nghệ quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh họa đồ

Câu hát của người xưa cứ ngân nga trong tâm trí chúng tôi trên con đường chúng tôi đi về quê Bác. Nhưng “tranh họa đồ” giờ đây không phải chỉ có “non xanh nước biếc”.

Giữa khung cảnh vẫn “non xanh nước biếc” như xưa, chúng tôi mải mê nhìn những cánh đồng chiêm mơn mởn, những chiếc cầu sắt mới tinh duyên dáng, những mái trường, những mái nhà tươi roi rói bên cạnh rặng tre non và những nhà máy cứ mọc lên, mọc lên trên đất nước chúng ta như trong một giấc mơ kì diệu.

Phong cảnh vùng này quả thật là đẹp. Hôm chúng tôi đứng trên núi Thiên Nhẫn, mặt sông bắt những ánh sáng chiếu thành một đường quanh co, trắng xóa, nhìn sang bên phải là dãy núi Trác nối liền với dãy núi Đại Huệ xa xa.

Trước mặt chúng tôi giữa hai dãy núi là nhà Bác với cánh đồng quê Bác. Nhìn xuống cánh đồng có đủ các màu xanh xanh pha vàng của ruộng mía, xanh rất mượt của lúa chiêm đương thời con gái, xanh đậm của những rặng tre; đây đó một vài cây phi lao xanh biếc và rất nhiều màu xanh khác nữa.

Cả cánh đồng thu gọn trong tầm mắt, làng nối làng, ruộng tiếp ruộng. Cuộc sống ở đây có một cái gì mặn mà, ấm áp...

Hoài Thanh - Thanh Tịnh (Trích Hồi kí Bác Hồ)

LỜI BÌNH

Một vùng non nước xứ Nghệ như được thu vào con mắt ở một tầm nhìn cao. Đó là một tầm nhìn bao quát, bởi vậy ta cứ thả cảnh nọ tiếp cảnh kia như những nét chấm phá trên một bức tranh có bố cục khoáng đạt. Những cảnh đẹp hữu tình có từ ngàn xưa xen lẫn với những cảnh đẹp mới mẻ hôm nay, tạo cho bức tranh một phong vị vừa cổ điển vừa hiện đại. Đoạn tả các màu xanh khá uyển chuyển: “xanh pha vàng”, “xanh rất mượt”, “xanh đậm”, “xanh biếc”... Ta cảm nhận được mạch sống sinh sôi từ những màu xanh trù phú đó. Làm nền cho cả đoạn văn này là âm hưởng ngân nga của các câu hát xưa, nó khiến cho bức tranh phong cảnh quê hương Bác mà chúng ta đang được chiêm ngưỡng bỗng trở nên “như trong một giấc mơ kì diệu”!