ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN
1. - Trong không khí tang thương và chết chóc của những ngày đổ máu ở Huế, người chú tình cờ gặp cháu. Qua hình ảnh, cử chỉ, lời nói của Lượm ta hình dung ra một chú bé liên lạc nhỏ tuổi, dễ thương lạc quan trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp.
Sau đó, người chú nghe tin Lượm đã hi sinh.
Chú bé đã bình tĩnh làm công việc thường ngày là chuyển những bức thư quan trọng trên chiến trường ác liệt. Chú bé bị bắn trên cánh đồng lúa thơm mùi sữa mà bàn tay vẫn nắm chặt những bông lúa.
Bố cục:
+ 5 khổ đầu: người chủ bất ngờ gặp cháu trong tư thế người lính.
+ 7 khổ tiếp: hành động liên lạc và cái chết của Lượm.
+ 2 khổ cuối: Lượm không chết trong lòng của chú.
2. - Hình ảnh Lượm rất đáng yêu đáng mến
+ Ngoại hình: loắt choắt, xinh xinh, ca-lô đội lệch, như con chim chích nhảy thoăn thoắt, má đỏ bồ quân.
→ Biểu hiện sự dễ thương, hồn nhiên và nét đẹp khỏe mạnh ở làn da tiếp xúc nhiều với ánh nắng, khí trời.
+ Cử chỉ: Cái đầu nghênh nghênh, mồm huýt sáo vang, chạy nhảy hoạt bát trên đường, cười híp mí.
→ Biểu hiện sự hồn nhiên nhanh nhạy. Có lẽ do công việc làm liên lạc đã tạo nên những nét như vậy.
+ Lời nói:
Cháu đi liên lạc
Vui lắm chú à
→ Là lời tâm sự với chú rất vui vẻ, thoải mái, tự hào.
Lượm không hề quan tâm tới những nguy hiểm trong công việc đối mặt thường trực với cái chết này.
- Những yếu tố nghệ thuật láy: khổ 2
+ vần: cách khoảng;
+ dòng 1 và 3; dòng 2 và 4;
+ nhịp đa dạng; so sánh: Như con chim chích, má đỏ bồ quân
+ Đã có tác dụng dựng chân dung rất sinh động của một nhân vật nhỏ tuổi.
3. a)
- Lượm làm nhiệm vụ nguy hiểm là đi lại giữa hai làn đạn của một trận đánh. Lượm phải đi rất nhanh (vượt qua) mặt trận để đưa thư thượng khẩn trong lúc đạn bay vèo vèo. Tuy nhiên “chú đồng chí nhỏ” này bất chấp, chú thi hành nhiệm vụ rất khẩn trương. Hình ảnh “Calô chú bé, nhấp nhô” trên đồng lúa cao ngang tầm Lượm đã cho thấy điều đó.
- Lượm đã bị kẻ thù phát hiện và nòng súng bắn tẻ đã rà trúng đích. Lượm ngã xuống trên đồng lúa tay nắm chặt bông mà hồn bay giữa đồng ngào ngạt mùi thơm sữa lúa.
- Hình ảnh Lượm gợi cho ta sự khâm phục, kính trọng và xúc động.
b) Những câu, khổ thơ có cấu tạo đặc biệt
• Ra thế
Lượm ơi!...
→ Biểu hiện sự đau đớn, sửng sốt đến lặng người.
• Thôi rồi, Lượm ơi!
Là một lời cảm thán. Tác giả như đang hồi hộp theo dõi chuyến đi của Lượm, tác giả nhìn thấy chớp đỏ từ họng súng kẻ thù và tuyệt vọng biết rằng Lượm không thoát được cái chết.
• Lượm ơi, còn không?
Một câu thơ được tách thành một khổ. Ta đọc chậm rãi để biểu hiện sự thảng thốt nghẹn ngào “không tin được dù đó là sự thật”. Thực tế thì Lượm đã chết. Người chú đã nghe kể tỉ mỉ. Nhưng vì thương và khâm phục cháu, vì ấn tượng sống động của lần gặp gỡ, vì hiểu rằng Lượm chết cho Tổ quốc là bất tử, cho nên người chú tin Lượm vẫn còn.
• Sự lặp lại 2 khổ thơ ở đoạn cuối cho ta thấy Lượm vẫn tiếp tục làm liên lạc, Lượm vẫn như ngày nào. Giặc không thể giết chết được chú Lượm trong lòng người. Bài thơ vui hẳn lên, ta thấy Lượm đẹp hơn bởi chú bé vẫn đi trên đường vàng.
4. Quan hệ chú cháu trong một gia đình: Cháu cười híp mí.
- Quan hệ xã hội:
• Chú đồng chí nhỏ (cả hai đều tham gia kháng chiến).
• Lượm ơi, còn không? (Cách gọi tên biểu hiện sự ngang vai, bè bạn).
Xem lại câu 3 và phần Ghi nhớ trang 77
LUYỆN TẬP
Trận đánh diễn ra một cách ác liệt. Lượm vừa truyền đạt mệnh lệnh của chỉ huy xuống các chiến hào, các ụ súng thì được lệnh phải băng qua mặt trận đỏ lừ những viên đạn bay vèo vèo đang cày xới ruộng lúa trước mặt để đưa thư thượng khẩn. Chú bé cẩn thận để thư vào cái xắc vắt chéo ngực rồi chạy như bay về phía trước.
Phía bên kia, kẻ thù đã rê nòng súng theo chiếc mũ ca lô đang nhấp nhô lại gần. Một tiếng nổ đanh tai chát chúa, Lượm đã ngã xuống. Đồng quê thơm mùi sữa lúa đang chín trở thành cái nôi êm ru Lượm vào giấc ngủ vĩnh hằng.