A- YÊU CẦU.

1. Học sinh nắm được:

- Lượm là một chú bé hồn nhiên, nhanh nhẹn.

- Lượm hăng hái tham gia hoạt động và hy sinh anh dũng nhưng Lượm sống mãi trong lòng mọi người.

2. Giáo dục lòng yêu mến, khâm phục các bạn nhỏ dũng cảm hy sinh vì nghĩa lớn.

- Giáo dục lòng tự hào về những tấm gương anh dũng của tuổi trẻ Việt Nam.

3. Rèn luyện kỹ năng đọc, kỹ năng cảm và hiểu thơ.

B- TIẾN TRÌNH BÀI DẠY

1. Kiểm tra bài cũ

2. Giới thiệu tác giả và tác phẩm

a. Tác giả Tố Hữu. Cho học sinh đọc các thông tin trong sách giáo khoa, tóm tắt và nhấn mạnh:

- Tố Hữu tham gia cách mạng từ rất sớm, từng bị bắt, bị tù đày.

- Tố Hữu là nhà thơ rất nổi tiếng. Thơ ông được nhiều người yêu thích.

- Tố Hữu có nhiều bài thơ viết về các em nhỏ rất xúc động như Đi đi em. Một tiếng rao đêm. Hai đứa bé.

b. Tác phẩm: Bài thơ được viết và in trong tập “Việt Bắc” gồm những bài thơ viết trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945-1954.

3. Phân tích

a. Đọc bài thơ: giáo viên đọc, cho học sinh đọc, hướng dẫn những chỗ cần thiết (cách đọc câu thơ Ra thế - Lượm ơi! Và câu hỏi tu từ: Lượm ơi còn không?)

b. Tìm hiểu bố cục bài thơ. GV: Bài thơ có thể chia thành mấy đoạn? Ý chính của mỗi đoạn nói gì?

Gợi ý: Bài thơ có thể chia làm ba đoạn.

- Đoạn một - Từ đầu đến: “Cháu đi xa dần”: Cuộc gặp gỡ của chú và cháu ở Huế - Lượm là chú bé hồn nhiên, vui tính, đáng yêu.

Đoạn hai - Tiếp theo đến “Hồn bay giữa đồng”: Sự hy sinh anh dũng của “chú đồng chí nhỏ”.

Đoạn ba - Phần còn lại: Lượm sống mãi trong lòng tác giả và mọi người.

C - PHÂN TÍCH CHI TIẾT.

cl. Lượm - Chú bé liên lạc hồn nhiên vui tính

GV: Ngay câu thơ đầu, tác giả giới thiệu cuộc gặp tình cờ của chú và cháu trong ngày “Huế đổ máu” để rồi giới thiệu Lượm vui tính “mồm huýt sáo vang”, việc giới thiệu như thế có ý nghĩa gì?

Gợi ý: “Huế đổ máu” chính là cách nói nhân hóa để diễn tả cuộc chiến đấu ác liệt ở thành phố Huế. Sự “đổ máu” hy sinh, tổn thất đã xảy ra. Nhưng trong hoàn cảnh gay go ác liệt, căng thẳng như thế, Lượm vẫn vui vẻ hồn nhiên... Điều đó làm tăng thêm ấn tượng về sự hồn nhiên, lạc quan của Lượm.

GV: Hình ảnh Lượm được miêu tả tập trung nhất trong những câu thơ nào? Em có nhận xét gì về cách miêu tả trang phục của Lượm? (Vì sao tác giả chỉ chọn tả “Cái xắc xinh xinh” và chiếc mũ “Ca lô”?)

Gợi ý: Hình ảnh Lượm được miêu tả tập trung trong khổ thơ thứ hai và thứ ba. Nhà thơ không tả toàn bộ trang phục của Lượm mà chỉ tả cái xắc và chiếc mũ ca lô, vì đó là sự chọn lọc chi tiết để miêu tả. Xắc và ca lô là những trang phục riêng của các chú liên lạc. Tả như vậy làm nổi bật việc tham gia liên lạc của Lượm.

GV: Hãy tìm những từ ngữ miêu tả Lượm, nét đặc sắc trong việc miêu tả và so sánh ở hai khổ thơ thứ hai và thứ ba?

Gợi ý: Những từ ngữ miêu tả Lượm:

- Hình dáng: Bé loắt choắt, đầu nghênh nghênh, má đỏ bồ quân

- Trang phục: xắc xinh xinh, ca lô đội lệch.

- Hoạt động: chân thoăn thoắt, huýt sáo vang.

- Tính tình: vui vẻ (huýt sáo) tự hào (đầu nghênh nghênh) hồn nhiên đáng yêu (như con chim chích) lạc quan (cười híp mí).

- Nét đặc sắc trong miêu tả là sử dụng nhiều từ láy, diễn tả được bản chất bên trong và hình dáng bên ngoài của Lượm. Lượm được miêu tả sinh động là một chú bé nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, hồn nhiên vui tính, đáng yêu. Việc so sánh Lượm như con chim chích rất đạt: chim chích vừa nhỏ, vừa nhanh nhẹn lại vừa hiền lành, có ích. Con đường vàng cũng rất gợi tả: đường vàng nắng, đường vàng cát, đường vàng lá... đường bằng vàng (như trong cổ tích) đường vàng cũng là con đường quý báu, đường đẹp đẽ, con đường lý tưởng...

c2: Lượm dũng cảm hy sinh - Lượm còn sống mãi

GV: Lượm đưa thư trong hoàn cảnh khó khăn như thế nào? Từ ngữ nào nói lên Lượm luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ?

Gợi ý: - Lượm đưa thư trên con đường vắng vẻ, rất dễ bị phát hiện. Mặt khác đây là thư chuyển qua mặt trận, “đạn bay vèo vèo” rất nguy hiểm tới tính mệnh. Nhưng Lượm đã không sợ. Câu hỏi tu từ “sợ chi hiểm nghèo” khẳng định Lượm dũng cảm. Lượm “vụt” qua mặt trận “Như bao hôm nào”. Những từ ngữ này chứng tỏ Lượm đã nhiều lần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

GV: Em có nhận xét gì về câu hỏi “Lượm ơi còn không?” sau đó là hai khổ thơ điệp khúc, nhắc lại hình ảnh Lượm ở đầu bài thơ.

Gợi ý: - Việc nhắc lại hình ảnh sinh động nhất của Lượm như muốn khẳng định Lượm sống mãi, Lượm còn mãi trong lòng nhà thơ, trong lòng mọi người. Khi điệp lại chỉ thay đổi một từ “cháu bé” bằng từ “chú bé”. Có sự thay đổi như vậy vì ở đầu bài thơ là quan hệ tình cảm riêng tư giữa chú và cháu, còn ở cuối bài thơ, Lượm đã trở thành chú bé bất tử, thành chú bé trong quan hệ chung với mọi người vì thế thay đổi là rất đúng, rất tinh tế.

4. Tổng kết

a. Nội dung: Bài thơ đã gây một ấn tượng sâu sắc về Lượm, một chú bé hồn nhiên, nhanh nhẹn, dũng cảm của thành phố Huế đi tham gia liên lạc. Lượm đã hy sinh như một Garovốt trên chiến lũy. Lượm ngã xuống, nhưng hình ảnh của Lượm, tinh thần của Lượm vẫn còn sống mãi trong lòng tác giả và bạn đọc, sống mãi với thành phố Huế anh dũng, với non sông đất nước Việt Nam.

b. Nghệ thuật: Thể thơ năm chữ được dùng rất nhuần nhuyễn để kể chuyện, bộc lộ tâm tình. Tác giả sử dụng thành công và linh hoạt các biện pháp: dùng từ láy, chọn lọc chi tiết tiêu biểu, thay đổi cách xưng hô, so sánh chính xác, câu hỏi tu từ, điệp khúc...

Điều cơ bản làm cho bài thơ thành công là sự chân thành hài hòa tình cảm riêng với tình cảm chung, tình ruột thịt với tình đồng chí, đồng đội.

C. TƯ LIỆU THAM KHẢO

LƯỢM

Lượm là một bài thơ hoàn chỉnh của Tố Hữu thời kỳ này (Thời kì kháng chiến chống Pháp) về nhiều mặt. Nhận thức của anh về người bộ đội được bổ sung bằng một điểm rất mạnh là tấm lòng yêu thương vô hạn đối với các em bé mà ta đã được biết qua các sáng tác đầu tay của anh. Ở đây, chưa cần phải đi sâu vào đời sống bên trong, chưa cần hiểu biết về nguồn gốc, chỉ tấm lòng yêu thương và sự ngạc nhiên, những quan sát trực tiếp cũng đã tạo nên một hình ảnh thực sống động. Huống hồ, Lượm không chỉ là một em bé mà là một chú bộ đội nhỏ, em là hình ảnh đầy sức sống của cách mạng. Màu sắc, âm thanh cứ quấn quít, nhảy nhót, kích thích trí tưởng tượng:

Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh...

Ở em bé, cách mạng đã hòa làm một với sự sống trong cái dạng hồn nhiên nhất của nó. Em bị chết một cách đột ngột. Nhà thơ muốn lướt nhanh qua sự đau xót. Anh miêu tả em bé chết như một thiên thần yên nghỉ:

Chú nằm trên lúa

Tay nắm chặt bông

Lúa thơm mùi sữa

Hồn bay giữa đồng.

Hình như thế vẫn còn có gì quá thật. Cuối bài thơ, anh trở lại hình ảnh bay nhảy ríu rít “chú bé loắt choắt...”

Nghệ thuật miêu tả đặc sắc trong bài thơ kết hợp với nghệ thuật kể chuyện, đối thoại và biểu hiện rất khéo làm cho bài thơ vừa đậm nét tạo hình, vừa giàu nhạc tính, có sức ngân vang đặc biệt.

Nguyễn Văn Hạnh “Thơ Tố Hữu - Tiếng nói đồng ý - đồng tình – đồng chí” NXB Thuận Hóa năm 1985 trang 69–70.