I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Mục đích cuối cùng của một hoạt động nghị luận là thuyết phục người khác nghe theo ý kiến bàn luận của ta về một hiện tượng hoặc một vấn đề nào đó, bằng những lời nói phù hợp với lẽ phải và sự thật. Thế nhưng, trong đời sống, người ta không thể tạo ra sản phẩm, nếu không thực hiện được những động tác theo trình tự và yêu cầu kĩ thuật nhất định, nghĩa là không nắm được các thao tác kĩ thuật. Tương tự thế, nếu không biết sử dụng những thao tác nghị luận cơ bản nhất, người làm công việc nghị luận sẽ không đạt được mục đích đề ra.

2. Các thao tác nghị luận phân tích, tổng hợp, quy nạp, diễn dịch không phải là những khái niệm hoàn toàn mới mẻ. Chúng ta đã được làm quen với những tri thức ấy từ những lớp dưới, thậm chí, cả từ những môn học khác. Vì xét cho cùng, phân tích, tổng hợp, diễn dịch, quy nạp - cả so sánh nữa – trước hết và chủ yếu là những thao tác cơ bản của tư duy, chứ không chỉ là các thao tác được dùng riêng trong hoạt động nghị luận hay trong văn nghị luận.

Tuy nhiên, chúng ta còn dễ bị lẫn lộn giữa tổng hợp (kết hợp các phần, các mặt, các nhân tố của một sự vật hay hiện tượng, để từ đó, có thể nhận xét sự vật, hiện tượng ấy một cách toàn diện và bao quát) với quy nạp (từ nhiều sự vật, hiện tượng riêng, cá biệt, suy ra nguyên lí chung, phổ biến). Sự nhầm lẫn giữa diễn dịch và phân tích cũng cần thấy rằng: có thể xảy ra.

Cần thấy rằng: Nếu phân tích và tổng hợp khiến cho con người xem xét sự vật, hiện tượng một cách chính xác hơn, thì diễn dịch và quy nạp lại có khả năng giúp con người từ cái đã biết suy ra cái còn chưa biết.

3. Tuy nhiên, để nhận thức thấu đáo về sự vật, hiện tượng, con người không chỉ cần biết phân tích, tổng hợp, diễn dịch hay quy nạp. Bên cạnh bốn thao tác đó, người ta còn phải thường xuyên đối chiếu từ hai trở lên những sự vật, hiện tượng có liên quan, trên những căn cứ xác định, để tìm ra những chỗ giống và khác nhau, hơn hoặc kém nhau. Đó chính là thao tác so sánh. Có thể nói, không thông qua so sánh, giá trị của sự vật hay hiện tượng không thể được xác định, hoặc không thể được làm nổi bật lên.

Như vậy, so sánh cũng thuộc vào số những thao tác tư duy, thao tác nghị luận cơ bản là quan trọng nhất.

4. Đọc SGK để nhận biết:

- Trong phần ôn kiến thức cũ:

+ Bản chất của các thao tác phân tích, tổng hợp, diễn dịch và quy nạp.

+ Sự phân biệt và mối quan hệ giữa các thao tác nghị luận đó.

+ Sức mạnh riêng (và có thể cả hạn chế riêng) của từng thao tác.

- Trong phần dạy kiến thức mới:

+ Bản chất của thao tác so sánh

+ Các loại so sánh

+ Một số nguyên tắc so sánh.

5. Vận dụng, thực hành

- Đọc các câu hỏi ghi ở mục II.1 trong SGK.

+ Câu hỏi ở điểm (b): Ở dẫn chứng rút từ Tựa “Trích diễm thi tập”, tác giả đã dùng thao tác phân tích (chứ không phải diễn dịch), nhằm chia một nhận định chung thành các mặt riêng biệt, để làm rõ hơn các nguyên nhân khiến cho thơ ca xưa không truyền lại đầy đủ được đến thời đại bây giờ. Còn trong dẫn chứng rút từ bài học thêm Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, từ câu thứ nhất sang câu thứ hai, tác giả cũng dùng phép phân tích để xem xét hai mặt của mối quan hệ giữa hiền tài và đất nước. Nhưng từ hai câu đầu sang câu thứ ba thì thao tác đã chuyển từ phân tích sang diễn dịch. Tác giả đã dựa vào luận điểm vững chắc: “hiền tài là nguyên khí của quốc gia” để suy ra một cách đầy sức thuyết phục: phải coi trọng việc bồi đắp nguyên khí, gây dựng nhân tài.

+ Câu hỏi ở điểm (c): Ở dẫn chứng rút từ Tựa “Trích diễm thi tập”, tác giả đã dùng thao tác tổng hợp (chứ không phải quy nạp), nhằm thâu tóm những ý bộ phận vào một kết luận chung, khiến cho kết luận ấy bao gồm được toàn bộ sức nặng của các luận điểm riêng trên đó. Còn trong dẫn chứng rút từ bài Hịch tướng sĩ, Trần Quốc Tuấn lại dùng thao tác quy nạp. Những dẫn chứng khác nhau được sử dụng ở đó làm cho kết luận “Từ xưa các bậc trung thần nghĩa sĩ bỏ mình vì nước, đời nào không có?” càng trở nên đáng tin cậy, càng có sức chinh phục mạnh mẽ đối với lí trí và tình cảm của người nghe.

- Ở các câu hỏi ghi ở mục II.1.d trong SGK, phải xác định được:

+ Nhận định thứ nhất đúng, với điều kiện tiền đề để diễn dịch phải chân thực và cách suy luận khi diễn dịch phải chính xác. Khi đó, kết luận rút ra sẽ mang tính tất yếu, không thể bác bỏ, cũng không cần phải chứng minh.

+ Nhận định thứ hai còn chính xác. Chừng nào sự quy nạp còn chưa đầy đủ (chưa xét toàn bộ các trường hợp riêng) thì chừng đó, mối liên hệ giữa tiền đề và kết luận còn chưa chắc chắn, tính xác thực của kết luận còn phải chờ thực tiễn chứng minh.

+ Nhận định thứ ba đúng, vì phải có quá trình tổng hợp sau khi phân tích thì công việc xem xét, tìm hiểu một sự vật, hiện tượng mới thực sự hoàn thành.

- Đọc phần II.2 ở SGK, cần thấy được:

+ Để có thể nhận rõ sự khác nhau và giống nhau giữa các sự vật, hiện tượng, người ta thường dùng thao tác so sánh.

+ Có hai cách so sánh chính: So sánh nhằm nhận ra giống nhau và so sánh nhằm nhận ra sự khác nhau. Câu văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn ở mục II.2.a thuộc loại so sánh thứ nhất, còn câu văn của Lê Văn Hưu dẫn ở mục II.2b thuộc loại so sánh thứ hai.

+ Để thao tác so sánh có thể tiến hành đúng cách thì ta cần phải chú ý những điều nêu trong các câu thứ nhất, thứ ba và thứ tư trong mục II.2.c của SGK.

+ HS đọc và ghi vào tập toàn bộ phần Ghi nhớ.

LUYỆN TẬP

1. Khi tìm hiểu phần văn bản được dẫn trong bài tập, cần nêu được:

- Đoạn trích được viết để chứng minh: “Thơ Nôm Nguyễn Trãi đã tiếp thu nhiều thành tựu của văn hóa dân gian, văn học dân gian”.

- Thao tác nghị luận chủ yếu được tác giả sử dụng để làm rõ điều phải chứng minh là phân tích. Tác giả đã phân chia luận điểm chung thành những bộ phận nhỏ. Đến lượt nó, mỗi bộ phận nhỏ lại được phân chia thành những bộ phận nhỏ hơn. Nhờ thế, luận điểm của đoạn trích có thể được xem xét một cách chi tiết, kĩ càng, thấu đáo.

- Tới câu cuối cùng của đoạn trích, tác giả chuyển sang quy nạp. Từ trường hợp riêng của Nguyễn Trãi, tác giả đã nâng lên thành sứ mệnh, thành chức năng cao quý của văn chương nghệ thuật. Nhờ thao tác quy nạp đó mà tầm vóc tư tưởng của đoạn trích được nâng lên một mức cao hơn.

2. HS cần phải:

- Tìm hiểu kĩ một trong những vấn đề đang được đặt ra cấp thiết trong đời sống để có những ý kiến bàn luận xác đáng, có sức thuyết phục người đọc (người nghe).

- Nắm vững nội dung nghị luận và đối tượng giả định là sẽ nghe, đọc bài văn của mình để có thể chọn lựa các thao tác nghị luận thích hợp.

- Đọc kĩ phần Đọc thêm và các tài liệu tham khảo (nếu có), để học tập cách thức trình bày, giới thiệu và vận dụng các thao tác nghị luận.