Có thể phân tích bài thơ theo kết cấu của một bài thất ngôn bát cú Đường luật.

1. Giải nghĩa đầu đề

Ngày xưa, những tên sách có chữ “kí” ở phía sau đều muốn chỉ những tác phẩm văn học bằng văn xuôi.

Tây du kí là câu chuyện viết về chuyến đi về phía tây của thầy trò Đường Tăng. Vậy Tiểu Thanh kí là câu chuyện viết về nàng Tiểu Thanh. Vậy Tiểu Thanh ở đây là nhân vật trong tác phẩm chứ không phải là chủ thể sáng tạo ra tác phẩm. Ai đã đọc Tiểu Thanh kí đều biết câu chuyện ấy kể lại lúc sinh thời cô có làm thơ, khi chết những bài thơ bị bà vợ cả đốt, còn sót lại một trong các giấy gói quà. Người đời thương tiếc đem khắc in gọi là “Phần dư” gồm 11 bài. Như vậy trong truyện Tiểu Thanh kí mặc dù có chép lại “phần dư” nhưng cả tác phẩm viết về cô Tiểu Thanh chứ không phải là cô Tiểu Thanh viết tác phẩm đó.

Tiểu Thanh là ai? Ta có thể đọc kĩ phần chú thích ở sách giáo khoa. Hiện nay, khi đến Tây Hồ nhiều người vẫn viếng mộ Tiểu Thanh.

Trang thơ còn đau hơn, trang đã cháy đau hơn.

Những khách sáng nay chưa ai đọc thơ nàng.

Nghìn trang thơ không nói hết một cuộc đời đã vỡ.

Nhỏ một giọt lệ bên mồ đâu phải chuyện văn chương.

(Thăm mộ Tiểu Thanh - Chế Lan Viên)

Nhưng Tiểu Thanh trong tác phẩm không phải là nhân vật hoàn toàn trùng khít với Tiểu Thanh trong cuộc đời. Tiểu Thanh trong đời thực sinh năm 1594 mất 1612 còn Nguyễn Du sinh 1762 mất 1820, dù tính ra sao cũng không thể là “300 năm lẻ”. Ở đây cần lưu ý Tiểu Thanh trong “Tiểu Thanh kí” thì chết 1492. Nguyễn Du khóc nàng 1813 nên nói 300 năm lẻ là đúng.

Vì thế có người đã cho rằng đặt tên cho nhân vật là Tiểu Thanh, tác giả muốn nhắn nhủ với độc giả con người lụy vì tình sẽ có số phận thật hẩm hiu đáng thương. (Chữ TIỂU hợp với chữ THANH trong tiếng Hán là chữ TÌNH)

2. Hai câu đề

“Tây Hồ hoa uyển tận thành khư

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.

(Vườn hoa bên Tây Hồ đã thành bãi hoang rồi

Trước song một mình nhớ tới người xưa qua một tờ giấy viết).

Câu thơ mở đầu như một tiếng thở dài não ruột. Không gian Tây Hồ vẫn còn đây, khuôn viên của một vườn hoa với những bông hoa thắm đẹp giờ đã không còn nữa. Vườn hoa đã thành gò hoang, gò hoang vắng đã thay thế cho vườn hoa, cái “hữu” đã thành cái “không” cái “đẹp” đã bị thay bởi cái “tàn tạ” hủy diệt. Từ “tận” mang ý nghĩa phủ định tuyệt đối: đã thay đổi hết không còn một dấu vết gì nữa. Chứng thực một không gian hẹp là khoảng đất bên Hồ Tây, để đối chứng quá khứ vàng son với hiện tại hủy diệt, Nguyễn Du đã nhìn thấy cuộc thương hải tang điền trong chớp mắt “Trải qua một cuộc bể dâu”, “Thế gian biến cái vũng nên đồi”.

Câu thừa đề lại nói tới dấu tích của cái thời ba trăm năm trước còn sót lại. Đời một con người được ghi ở một tờ giấy viết thật mỏng manh. Tờ giấy viết đây chính là bài “kí” có khoảng 2300 chữ ghi lại chuyện Tiểu Thanh của người đời sau.

Nếu vườn hoa đã tàn đã tận thành gò hoang của một thời thì mảnh giấy này là chứng tích còn sót lại một đời người. Một oan hồn thống khổ trong hành lang hun hút của một thời gian ba trăm năm trước (Theo trong bài kí thì Tiểu Thanh chết 1492 và Nguyễn Du đi sứ nhớ tới nàng, khóc nàng 1813 nghĩa là hơn 300 năm).

Cái nhìn trầm ngâm của Nguyễn Du về cuộc bể dâu của sự vật và cái lẽ nhân sinh của kiếp người sao mà cô đơn thế. Cái đẹp bị hủy hoại cùng triệt, dòng thời gian cứ chảy vô tình. Riêng mình mình biết mình hay mà “độc điếu” mà “nhất chỉ thư”. Cái lẻ loi và đơn độc của Nguyễn Du không chỉ hiện hình ở cái cảnh buổi chiều tà, bên song cửa sổ, ngồi đọc chuyện buồn mà còn thể hiện ở hai chữ “độc” và “nhất” đó.

3. Hai câu thực

“Chi phấn hữu thần liên tử hậu

Văn chương vô mệnh lụy phần dư

(Son phấn có thần sắc được thương xót sau khi đã chết

Văn chương phận hẩm mang cái lụy bị đốt dở dang)

Trong truyện Tiểu Thanh kí tác giả kể, trước khi chết, Tiểu Thanh thuê họa sĩ vẽ chân dung mình. Bức hình thứ nhất nàng chê có hình tự mà không có thần; bức thứ hai có thần nhưng phong thái khô cứng, gò bó. Sang bức thứ ba nàng khen vừa có hình, có thần, lại dịu dàng yểu điệu. Tiểu Thanh treo ảnh mình lên tế rồi khóc đến chết. Người chồng nghe tin chạy đến nhìn sắc mặt vợ và bức tranh thấy người như còn sống thương tiếc và khóc lóc. Lúc vợ cả bắt nạp tranh và thơ, người chồng chỉ nạp thơ và bức tranh thứ nhất. Do đó, Nguyễn Du đã viết rất thực để tả cái oan trong đời Tiểu Thanh. Sắc là thế nhưng chết rồi mới được chồng đoái hoài thương, văn chương là thế mà cũng bị đốt may còn sót lại mấy bài.

Ý nghĩa của hai câu thực còn chìm ẩn bên trong tính chất luận. Bề ngoài thì Nguyễn Du đã nắm bắt hai chi tiết có thần nhất để làm nổi bật cốt truyện, nhưng bên trong thì lại nói một quan điểm. Dù có bị những lực lượng hắc ám phũ phàng tận diệt thì nhan sắc của giai nhân, tài hoa của con người không dễ gì bị tiêu diệt. Quy luật vô hình vẫn dành cho nó có những cơ may để tồn tại. Nó không chết, nó vẫn cùng cây đời mãi mãi xanh tươi. Tuy nhiên, để tồn tại sắc tài phải vật vã và trầm luân đau khổ lắm!

Nếu như bốn câu thơ trên có phần “hướng ngoại" quan tâm tới câu chuyện Tiểu Thanh thì bốn câu sau tác giả suy ngẫm về mình. Cảm hứng bốn câu trên nằm trong cảm hứng chung của Nguyễn Du về sự thương xót và ngưỡng mộ những tài tử giai nhân: “Sắc tài sao mà chịu kiếp truân chuyên”. Bốn câu sau nó “hướng nội”: “Trông người lại ngẫm đến ta”. Cảm xúc chủ đạo ở đây là sự cô đơn cô độc tuyệt đối của Nguyễn Tiên Điền!

4. Hai câu luận

“Cổ kim hận sự thiên nan vấn

Phong vận kì oan ngã tự cư

(Những việc tiếc hận xưa nay khó hỏi trời

Ta tự ở vào cái oan kì lạ của phong vận).

Ở đây ta nên hiểu “hận sự” đó là những việc không hài lòng một cách sâu sắc có thể để hối tiếc mãi. Nó không phải là “thù hận” mà là “tiếc hận”. Vì thế nghĩa hàm ẩn của nó là “Những việc tiếp nhận xưa nay không thể truy tìm được nguyên nhân”. Ta nên lưu ý các nhà Nho không oán người, không trách trời nên không thể coi đây là lời chỉ trích oán hận trời.

“Phong vận” là từ nói tắt của “Lưu phong dư vận” nghĩa là gió thổi nước trôi, biểu hiện sự hài hòa rất mực, biểu hiện của tài tình, của bất diệt. Những kẻ phong vận thường có con đường hạnh phúc may mắn vạch ra phía trước, họ phong lưu tức họ bất diệt. Thế nhưng sao ở ta, số kiếp bao nhiêu người mà ta chứng kiến thì những người thường gặp oan trái kì lạ khó hỏi trời. Các quy luật đã bị lộn ngược oái oăm đến mức không thể giải thích. Nghĩa hàm ẩn câu này là: Những kẻ phong vận tài tình bị oan trái thì thông cảm được với nhau.

Ta thấy mình cũng chịu nỗi oan kì lạ như người phong vận ấy (Người thơ phong vận như thơ ấy). Nguyễn Du đã xếp mình đồng hội đồng thuyền với những số kiếp tài hoa bạc mệnh. Ông không lí giải được tại sao đời mình lại gặp nhiều khẳm kha oan trái thế. “Tráng niên vi ngã dực vi tài giả” (thời trẻ, ta cũng là kẻ có tài). Ý thức được mình như thế, để hôm nay ngậm ngùi ngơ ngác hỏi vào thinh không. Thế mà sao ta cứ như những người phong vận mắc những nỗi oan lạ lùng? Các câu thơ thúc ép nhau để rồi “thiên nan vấn”. Câu hỏi ấy va đập vào cái vô hình tạo thành một nỗi đau thấm đến gan ruột.

5. Hai câu kết

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

(Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa

Người đời ai nhỏ nước mắt khóc cho Tố Như chăng?).

Người xưa cho rằng những kẻ đồng thanh thì tương ứng, đồng khí thì sẽ gặp nhau. Vì thế chỉ cần Kiều tỏ lòng thành với Đạm Tiên: “Chớ nề u hiển mới là chị em” thì “Phút đâu ngọn gió cuốn cờ đến ngay”. Con người “đồng khí” thường tái sinh và gặp nhau ở tương lai. Nguyễn Du sống sau Tiểu Thanh hơn ba trăm năm, ông hiểu và đồng nỗi oan kì lạ như Tiểu Thanh nên ông khóc nàng. Chẳng biết sau khi ta nhắm mắt ai là kẻ đồng oan khóc ta (Hôm nay em khóc chị, Ngày mai ai khóc em?)

Nguyễn Du quả nhắm mắt không yên khi không biết tương lai có ai hiểu ông không? Niềm khắc khoải ấy lại là một sự tiên cảm của thiên tài: Ông mong chờ một tấm lòng hô ứng nhưng chỉ mới hai trăm năm trôi qua Nguyễn Du đã được đánh giá là đại thi hào dân tộc:

Tiếng thơ ai động đất trời

Nghe như non nước vọng lời ngàn thu

Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du

Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.

(Tố Hữu - “Kính gửi cụ Nguyễn Du”)

Con cháu của Nguyễn đã khóc Nguyễn thực lòng. Đã “khấp” tức là nhỏ nước mắt chân thành chứ không phải là “khốc” tức là khóc to lên, nhiều lúc không cần nước mắt...