1) Nhân cách của Trần Thủ Độ
Trong đoạn trích có bốn tình tiết góp phần bộc lộ các khía cạnh trong tính cách của Trần Thủ Độ:
- Có người hặc tội chuyên quyền của Trần Thủ Độ với vua, nhưng Trần Thủ Độ không những không biện bạch cho bản thân và tỏ lòng thù oán, tìm cách trừng trị kẻ hặc mình mà còn công nhận lời nói phải và thưởng cho người dám dũng cảm vạch lỗi của mình. Qua đó có thể thấy ông là người phục thiện, công minh, độ lượng và có bản lĩnh.
- Khi nghe Linh Từ Quốc Mẫu khóc và mách về tên quân hiệu ngăn không cho đi qua thềm cấm, Trần Thủ Độ không bênh vợ bắt tội tên quân hiệu mà tìm hiểu rõ sự việc rồi còn khen thưởng kẻ giữ đúng luật pháp. Qua đó có thể thấy ông là người chí công vô tư, tôn trọng pháp luật, không thiên vị người thân.
- Có người chạy chọt nhờ Linh Từ Quốc Mẫu xin cho làm chức câu đương, Trần Thủ Độ đã dạy cho tên này một bài học: muốn làm chức quan ấy hắn phải chịu bị chặt một ngón chân để phân biệt với những người khác do xứng đáng mà được cử. Qua đó có thể thấy ông gìn giữ sự công bằng của phép nước, bài trừ tệ nạn chạy chọt, đút lót, dựa dẫm thân thích.
- Vua muốn phong chức tướng cho An Quốc, anh của Trần Thủ Độ, nhưng ông thẳng thắn trình bày quan điểm: chỉ nên chọn lựa người giỏi nhất, có thể là anh mình, có thể là mình, không nên hậu đãi cả hai anh em sẽ làm rối việc triều chính. Qua đó có thể thấy Trần Thủ Độ luôn đặt việc công lên trên, không tư lợi, gây bè kéo cánh.
Những tình tiết trên đã góp phần làm nổi bật bản lĩnh và nhân cách Trần Thủ Độ: thẳng thắn, cầu thị, độ lượng, nghiêm minh, và đặc biệt là hết sức chí công vô tư, luôn đặt việc nước lên trên, không mảy may tự tư tự lợi cho bản thân và gia đình. Điều này càng có ý nghĩa hơn bởi Trần Thủ Độ đang giữ chức quan cao nhất trong triều và hầu như nắm toàn quyền trong tay, vì vua đang tuổi còn nhỏ. Đó chính là hoàn cảnh có thử thách để càng làm nổi bật lên nhân cách đáng quý của ông. Có thể nói Trần Thủ Độ là một vị quan đầu triều gương mẫu, xứng đáng là chỗ dựa của quốc gia và đáp ứng được lòng tin cậy của nhân dân.
2. Nghệ thuật kể chuyện và khắc họa nhân vật đặc sắc
Nét đặc sắc nhất trong nghệ thuật kể chuyện và khắc họa tính cách nhân vật là nhà viết sử đã xây dựng những tình huống giàu kịch tính, mỗi câu chuyện dù ngắn nhưng đều có những xung đột đi dần đến cao trào và được giải quyết một cách bất ngờ, gây thú vị cho người đọc. Đồng thời người đọc từ đó có thể tự rút ra những ý nghĩa sâu sắc và hình dung rõ nét chân dung tính cách nhân vật. Sức hấp dẫn của truyện không chỉ ở cách kể chuyện đặc sắc mà còn ở sự kiệm lời – tác giả chỉ kể chứ không bình luận mà để dành phần việc này cho người đọc.
- Tình huống thứ nhất: Xung đột đến cao trào - Trần Thái Tông đem người hặc đi theo đến kể lại lời hặc tội cho Trần Thủ Độ nghe - nhưng cách giải quyết không theo lôgic thông thường là Trần Thủ Độ phân trần, biện bạch và trừng trị kẻ hặc tội mình, mà ngược lại, nhận lỗi và khen thưởng kẻ vạch lỗi của mình (Câu trả lời với vua của Trần Thủ Độ gây bất ngờ lớn cho người đọc).
- Tình huống thứ hai: Xung đột đến cao trào - vợ Trần Thủ Độ khóc lóc và nói khích với ông – nhưng cách giải quyết không theo lôgic thông thường là Trần Thủ Độ nghe lời vợ, bênh vợ, mà ngược lại, thưởng kẻ giữ đúng luật pháp, dám ngăn trở vợ mình. (Người đọc bị lừa ở hai chi tiết: “Thủ Độ giận, sai đi bắt. Người quân hiệu kia chắc mình phải chết”, để rồi được dẫn dắt đến bước ngoặt bất ngờ vào phút cuối: “Ngươi chức thấp mà biết giữ phép như thế, ta còn trách gì nữa?”).
- Tình huống thứ ba: Chi tiết “Thủ Độ gật đầu và biên lấy họ tên quê quán của người đó” làm người đọc nhầm tưởng sự việc sẽ phát triển theo lôgic người này được làm chức câu đương đúng như ý muốn của vợ Trần Thủ Độ, và hoàn toàn bất ngờ với cách xử lí của ông cũng như thú vị trước cách giải quyết cao trào xung đột - “Tên kia kêu van xin thôi, hồi lâu mới tha cho”.
- Tình huống thứ tư: Tác giả lại khiến người đọc bất ngờ khi Trần Thủ Độ không theo thói thường hân hoan khi anh em, người thân mình được trọng dụng để kéo bè, cánh riêng, dễ bề khuynh loát triều đình, mà thẳng thắn trình bày chính kiến, đặt công việc quốc gia lên trên.