1. Định nghĩa

a) Phép điệp là biện pháp tu từ lặp lại một yếu tố diễn đạt (vần, nhịp, từ, cụm từ, câu) nhằm nhấn mạnh, biểu đạt cảm xúc và ý nghĩa, có khả năng gợi hình tượng nghệ thuật.

b) Phép đối là cách xếp đặt từ ngữ, cụm từ và câu ở vị trí cân xứng nhau để tạo hiệu quả giống nhau hoặc trái ngược nhau nhằm mục đích gợi ra một vẻ đẹp hoàn chỉnh và hài hòa trong diễn đạt nhằm diễn đạt một ý nghĩa nào đó.

Cần chú ý là không phải cách điệp hay đối nào cũng có giá trị tu từ. Chỉ khi nào người viết có dụng ý mạnh cảm xúc hoặc gợi hình ảnh, và dụng ý đó người đọc có thể tiếp nhận thì cách biểu đạt đó mới thực sự là những phép đối từ từ.

2. Cách nhận biết

Nhận biết về phép điệp và phép đối không khó nhưng cũng phải qua các thao tác sau đây:

- Đọc - hiểu

- Mô hình hóa: Nếu gọi a là một nhân tố của phép điệp trong chuỗi lời nói, ta có thể ghi nhận:

a + a + b + c + d + e...

hay

a + b + c + a + d + e...

Chú ý: Cần có mô hình hóa vì điệp từ, điệp câu thì dễ nhận ra nhưng điệp vần trong một câu, điệp thanh điệu thì thường bị bỏ qua.

Về phép đối, cũng theo trật tự như trên.

Mô hình của phép đối sẽ là:

A + B + C / A' + B' + C'?

A và A', B và B', C và C': tương đương về vị trí, nhưng có thể tương đương hoặc đối về thanh điệu, về từ vựng hoặc nghĩa của từ.

3. Phân tích

- Lấy hai câu có cùng một nội dung ý nghĩa, nhưng cách biểu đạt khác nhau.

- Sử dụng thao tác đối chiếu phép điệp và phép đối với câu không có màu sắc tu từ (câu trung tính) để rút ra những nhận xét như sau:

Phép điệp gợi ra những hiệu quả:

+ Tạo âm hưởng

+ Nhấn mạnh ý nghĩa

+ Khiến người đọc dễ nhớ.

Phép đối gợi ra những hiệu quả:

+ Sự phong phú về ý nghĩa (tương đồng và tương phản)

+ Sự thống nhất, hài hòa về âm thanh

+ Sự cân đối trong xếp đặt, có vẻ đẹp cân xứng của ý nghĩa và âm thanh,

+ Tính hoàn chỉnh và khả năng ghi nhớ.

4. Gợi ý giải bài tập

Bài tập 2 (mục I)

a) Loại điệp từ không có màu sắc tu từ có thể thấy xuất hiện rất phổ biến ở các bài văn, trong đó chỉ nhằm diễn đạt cho rõ ý. Chẳng hạn: “Tim anh ta đập nhanh hơn và anh ta ăn nhiều bữa hơn, uống nhiều rượu vang hơn và đọc sách nhiều hơn” (Theo Ngữ văn 10, tập hai, tr.74)

b) Khi sao phong gấm rủ là,

Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.

Mặt sao dày gió dạn sương,

Thân sao bướm chán ong chường bấy thân!

(Truyện Kiều)

c) Yêu cầu của bài tập này là làm cho HS phân biệt phép điệp có màu sắc tu từ (gợi hình, gợi cảm) với cách viết trùng lặp để làm rõ ý, hoặc phải viết đầy đủ các thành phần cho đúng ngữ pháp, hoặc do vô tình mà lặp lại không cần thiết.

Bài tập 3 (mục II)

a) Gợi ý:

- Ví dụ kiểu đối thành (trắc đối bằng): Chim có tổ (trắc)/ người có tông (bằng).

- Kiểu đối chọi về nghĩa: Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng (Tục ngữ)

- Kiểu đối từ loại (tính từ đối tính từ, danh từ đối danh từ,...): Chó treo mèo đậy. (Tục ngữ)