I. NHỮNG KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Đề tài, chủ đề, tư tưởng, cảm hứng chủ đạo,... (tình cảm sâu đậm trong văn bản) v,v... là những lớp nội dung cần đi sâu phân tích khi tìm hiểu văn bản văn học.
Đối với văn bản khuôn khổ nhỏ như thơ hai-kư, thơ tứ tuyệt,... không nhất thiết lúc nào cũng cần phân tích đầy đủ theo trình tự trên. Đề tài, chủ đề có khi phần nào thể hiện ở tiêu đề văn bản như Theo chân Bác, Người đi tìm hình của nước, Mùa thu câu cá, Nhớ con sông quê hương,... Ta cần đi sâu vào tư tưởng và cảm hứng chủ đạo vốn thường hòa lẫn kín đáo trong văn bản. Vận nước (Quốc tộ của Đỗ Pháp Thuận), Cáo bệnh, bảo mọi người (Cáo tật thị chúng của Mãn Giác thiền sư) là những bài như thế.
2. Thường từ những đề tài lớn như lịch sử đất nước, tình yêu con người..., nhà văn có thể nêu lên những chủ đề tư tưởng quan trọng. Nhưng có những văn bản đề tài rất thông thường mà tư tưởng lại rất sâu sắc.
Truyện Thầy bói xem voi cho thấy từ hạn chế của giác quan, dẫn đến hạn chế của nhận thức, từ hạn chế của nhận thức dẫn đến phiến diện, sai lầm trong nhận định.
Truyện Đẽo cày giữa đường chỉ rõ: Con người luôn sống trong những luồng ý kiến khác nhau, đối lập nhau, vì vậy, phải có bản lĩnh để phân biệt đúng sai, và phải quyết đoán để giữ vững chủ ý của mình.
Đó là những điều mọi người đáng suy ngẫm.
3. Có những văn bản tuy dày với nhiều tình tiết éo le, nhưng không có tư tưởng gì đặc sắc. Loại văn bản đó giúp cho con người giải trí, tiêu bớt thì giờ nhàn rỗi. Nếu định đọc sách để nâng cao và làm phong phú tâm hồn, tư tưởng thì không nên quá chú tâm vào loại này.
4. Ngoài đề tài, chủ đề, tư tưởng, cảm hứng chủ đạo, khi phân tích văn bản người ta còn dùng đến các khái niệm quan niệm về thế giới và con người (tức là nội dung triết lí của văn bản) hay sắc điệu thẩm mĩ (tức là những sắc điệu liên quan đến các phạm trù cái bi, cái hài, cái cao cả). Nhưng điều đó GV chưa cần đi sâu, dành cho các năm sau.
5. Ở phần hình thức của văn bản cần lưu ý đến quan niệm thô sơ máy móc: xem quan hệ nội dung với hình thức như rượu với bình (đựng rượu). Với một cái bình, có thể đựng rượu cũ, rượu mới, rượu ta, rượu tây đều được.
6. Nội dung và hình thức có quan hệ chặt chẽ:
- Ngôn từ trong văn bản là ngôn từ nằm trong câu, trong hình ảnh, trong giọng điệu. Có ngôn từ tài hoa của Nguyễn Tuân, có ngôn từ trong sáng điêu luyện của Thạch Lam, có ngôn từ cụ thể, chân chất, đầy màu sắc Nam Bộ của Sơn Nam,... Nghĩa là trong ngôn từ đã mang cá tính bản sắc của tác giả.
- Cũng không có một kết cấu chung chung cho mọi tác phẩm. Kết cấu phải thích hợp và hài hòa với nội dung văn bản: có kết cấu hoành tráng của các sử thi, có kết cấu đầy yếu tố bất ngờ của truyện trinh thám, và kết cấu rộng mở theo dòng suy nghĩ của tùy bút, tạp cảm,...
- Thể loại cũng vậy, cùng là hình thức thơ lục bát, nhưng thơ lục bát của Nguyễn Bính thường mang đậm chất dân gian, thơ lục bát của Huy Cận trong Lửa thiêng thường trang nhã, cổ kính. Do đó, phải luôn luôn ý thức rằng trong văn bản văn học, mọi yếu tố hình thức đều có nội dung, có ý nghĩa của nó. Bỏ qua điều đó người phân tích khó mà hiểu đúng văn bản văn học.
II. LUYỆN TẬP
1. So sánh đề tài của Tắt đèn và Bước đường cùng
Cả hai tác phẩm: Tắt đèn của Ngô Tất Tố và Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan đều viết về cuộc sống bị bóc lột, áp bức, rất cơ cực của nông dân ở nông thôn trước Cách mạng tháng Tám và sự phản kháng tự phát của họ. Nhưng có sự khác nhau: Tắt đèn tả cuộc sống nông thôn trong những ngày sưu thuế, nông dân bị áp bức bóc lột đủ đường buộc phải vùng lên phản kháng, Bước đường cùng miêu tả cuộc sống hằng ngày lầm than cơ cực của nông dân: bị áp bức bóc lột, bị địa chủ dùng thủ đoạn cho vay nặng lãi để cướp lúa, cướp đất, bị đẩy vào bước đường cùng, không còn lối thoát, nông dân phải đứng lên chống lại.
- Việc phản ánh đề tài của Tắt đèn và Bước đường cùng phản ánh thực trạng cuộc sống của nông dân ở nông thôn trước Cách mạng mà các tầng lớp cầm quyền cố che đậy: Người ta chỉ quyết tâm thay đổi hoàn cảnh sống khi hiểu ra thực trạng bi thảm cuộc sống của mình. Các đề tài này góp phần giúp cho nông dân (cũng như nhân dân nói chung) ý thức rõ hơn thân phận mình.
- Có thể so sánh với các sách viết về nông thôn theo cách nhìn lãng mạn (những đêm trăng sáng thanh bình, trai gái hẹn hò bên bờ tre giếng nước), hoặc có màu sắc cải lương (lớp địa chủ tân tiến giúp đỡ nông dân cải tiến lề lối làm ăn ở các đồn điền...) như trong một số truyện ngắn, truyện dài của Tự lực văn đoàn.
2. Phân tích tư tưởng trong bài thơ Mẹ và quả
Hai khổ thơ đầu nói đến lòng mong mỏi chờ đợi cũng như công phu khó nhọc của người mẹ khi chăm sóc cây trái trong vườn.
Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
...
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi
Đây là hình ảnh mang ý nghĩa sâu sắc. Những quả như quả bí xanh, quả bầu đúng là có “dáng giọt mồ hôi mặn” – tượng trưng cho công sức (đổ mồ hôi) của người vun trồng. Từ chuyện trồng cây chuyển sang chuyện trồng người (chuyện chăm sóc, bồi dưỡng con người).
Và chúng tôi một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ mong chờ được hái
Tôi hoảng sợ, ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh.
Tác giả ví mình như một thứ quả mà người mẹ đã gieo trồng. Phải cố gắng học tập trau dồi để xứng đáng với tấm lòng người mẹ đã cất công nuôi nấng dạy dỗ, và kì vọng vào tương lai của con mình. Ở đây có hai nhã ngữ (“bàn tay mẹ mỏi” sự mòn mỏi đợi chờ, không chịu đựng được nữa, “quả non xanh”: chưa đến độ chín, chưa trưởng thành. Nhưng có thể có hàm ý nữa là quả hỏng - người có nhiều khiếm khuyết, nhiều thói hư tật xấu, vv..). Sự lo lắng sâu sắc là biểu hiện cao của ý thức trách nhiệm phải đền đáp công ơn người đã nuôi nấng dạy dỗ mình. Chữ “mẹ” ở đây có thể hiểu rộng ra là Tổ quốc. Bài thơ chứa đựng tư tưởng sâu sắc đó.