Đoạn trích nói riêng và tác phẩm Chinh phụ ngâm nói chung là một tác phẩm trữ tình với chức năng thể hiện nội tâm nhân vật trữ tình. Đó là những tâm trạng của người chinh phụ với chồng mình là người chinh phu trong xa cách, đang ở ngoài biên ải xa xôi. Nếu phương thức tự sự là miêu tả, kể sự kiện diễn ra bên ngoài một cách khách quan thì trữ tình là miêu tả thế giới nội tâm với các diễn biến bên trong tâm hồn, nếu có kể sự việc cũng là để tả nội tâm, tả cảm xúc. Chẳng hạn:

Hương gượng đốt, hồn đà mê mải,

Gương gượng soi, lệ lại chứa chan.

Hai câu thơ không chỉ tả việc đốt hương, soi gương mà muốn bộc lộ nội tâm người chinh phụ. “Gượng” diễn đạt sự miễn cưỡng, chán chường khi đốt hương, soi gương. Để giải thích vì sao “gượng”, có “hồn đà mê mải” (lòng dạ, tâm trí lan man, mơ màng, không tập trung), có “lệ lại chứa chan” (soi gương mà nước mắt chảy khiến cho hình trong gương bị nhòe mờ). Tất cả phục vụ cho sự diễn tả nỗi buồn khổ của chinh phụ tới cực điểm.

Nội tâm con người là điều khó nắm bắt, bởi nó vô hình, người khác không thể nghe hay nhìn thấy được. Nhiệm vụ của nhà thơ, nhà văn là tả sao cho cái vô hình đó hiển hiện, hữu hình, có thể cảm nhận được. Bản chất của các thủ pháp nghệ thuật tả nội tâm là giúp cho việc biến nội tâm vốn vô hình thành một bức tranh sinh động. Ví dụ:

- Tả nội tâm qua ngoại hình: Người chinh phụ ở đây vì quá đau khổ nên đã không quan tâm đến ngoại hình, dáng vẻ tiều tụy, xộc xệch. (Cần liên hệ với người phụ nữ theo quan niệm xưa có tứ đức là công, dung, ngôn, hạnh, trong đó công là phải thành thạo và chăm chỉ việc nữ công, dung là dung mạo phải chỉnh tề, nghiêm trang).

- Tả qua hành động lặp đi lặp lại: Người chinh phụ rủ rèm rồi lại cuốn rèm, đi đi lại lại trong hiên vắng, như để chờ đợi một tin tốt lành báo người chồng sắp trở về mà không nhận được một tin tức nào. Cách tả này cho thấy sự tù túng, bế tắc của chinh phụ.

- Tả ngoại cảnh: Người chinh phụ chỉ có người bạn duy nhất là ngọn đèn vô tri vô giác. Tả đèn chính là để tả không gian mênh mông và sự cô đơn của con người. Tả tiếng gà gáy nhằm tăng thêm ấn tượng vắng vẻ, tịch mịch đó. Bóng cây hòe trong đêm gợi cảm giác hoang vắng đáng sợ.

- Cuối cùng là miêu tả các hành động diễn ra trong phòng: Người chinh phụ gượng đốt hương để tìm sự thanh thản, song tâm hồn lại như thêm mê man; gượng soi gương để trang điểm, Song nhìn thấy khuôn mặt mình thì chinh phụ lại ứa nước mắt. Nhưng điều đáng sợ hơn cả là những nhạc cụ gọi đến sự gắn bó lứa đôi. Khi cô đơn lẻ loi thì chinh phụ chỉ gượng gảy đàn sắt đàn cầm vì không thấy phù hợp, đặc biệt sợ dây đàn bị chùng hay đứt vì người xưa xem đó là điềm gở, báo hiệu sự không hay trong tình vợ chồng.

Một đoạn thơ ngắn mà có khá nhiều cách tả tâm trạng nhân vật. Thể thơ song thất lục bát đã đáp ứng tốt nhất yêu cầu diễn tả nội tâm đó. Cấu trúc đặc biệt của thể thơ song thất lục bát có khả năng đi sâu vào việc khám phá thế giới nội tâm con người, sự đối xứng ở hai câu thất, tiểu đối trong câu lục và câu bát, có cả vần chân (cước vận) và vần lưng (yêu vận) đã tạo thành nhạc điệu dồi dào cho thể thơ này, thích hợp với việc diễn tả nội tâm đau buồn với những âm điệu oán trách, than vãn, sầu muộn.