1. Tổng kết khái quát về văn học Việt Nam

Chú ý hai bộ phận của nền văn học dân tộc với những đặc điểm chung và đặc điểm riêng.

- Đặc điểm chung: Ảnh hưởng truyền thống dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa, văn học nước ngoài; hai nội dung lớn xuyên suốt là yêu nước và nhân đạo.

- Đặc điểm riêng:

* Văn học dân gian:

• Thời điểm ra đời: Ra đời sớm, từ khi chưa có chữ viết

• Tác giả: Sáng tác tập thể

• Hình thức lưu truyền: Truyền miệng

• Hình thức tồn tại: Gắn liền với những hoạt động khác trong đời sống cộng đồng (gắn với môi trường diễn xướng)

• Vai trò, vị trí: Vai trò nền tảng của văn học dân tộc

* Văn học viết:

• Thời điểm ra đời: Ra đời khi có chữ viết

• Tác giả: Sáng tác cá nhân

• Hình thức lưu truyền: Chữ viết

• Hình thức tồn tại: Cố định thành văn bản viết, mang tính độc lập của một tác phẩm văn học

• Vai trò, vị trí: Nâng cao và kết tinh những thành tựu nghệ thuật

2. Tổng kết bộ phận văn học dân gian

+ Nhấn mạnh ba đặc trưng cơ bản của văn học dân gian: tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng; kết quả của quá trình sáng tác tập thể; gắn bó với những hoạt động khác nhau trong đời sống cộng đồng (văn học dân gian mang tính nguyên hợp). Yêu cầu HS nhớ lại kiến thức đã học để lí giải nguyên nhân dẫn đến những đặc trưng đã nêu.

+ Khắc họa hệ thống thể loại văn học dân gian: tự sự, trữ tình, sân khấu (tự sự gồm thần thoại, truyền thuyết, sử thi, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười, truyện thơ, vè; trữ tình gồm có ca dao – dân ca, sân khấu bao gồm chèo, tuồng dân gian, múa rối; riêng tục ngữ và câu đố có những đặc trưng riêng).

+ Nhấn mạnh những giá trị của văn học dân gian truyền thống: giá trị nhận thức, giá trị giáo dục, giá trị nghệ thuật, HS làm sáng tỏ những giá trị nói trên bằng việc phân tích ngắn gọn một tác phẩm văn học dân gian mà mình yêu thích.

3. Tổng kết bộ phận văn học viết

Cần nắm được hai thời kì lớn của văn học viết (thời kì văn học trung đại và thời kì văn học hiện đại) với những đặc điểm chung và những đặc điểm riêng.

+ Đặc điểm chung: Văn học viết phản ánh hai nội dung lớn là yêu nước, nhân đạo; thể hiện tư tưởng, tình cảm của con người Việt Nam trong những mối quan hệ đa dạng như quan hệ với thế giới tự nhiên, quan hệ với quốc gia, với dân tộc, quan hệ xã hội, quan hệ bản thân.

+ Đặc điểm riêng:

* Văn học Việt Nam từ thế kỉ X - hết thế kỉ XIX (Văn học trung đại):

• Chữ viết: Chữ Hán và chữ Nôm

• Thể loại:

- Thể loại tiếp thu từ Trung Quốc: cáo, hịch, phú, thơ Đường luật, truyền kì, tiểu thuyết chương hồi,...

- Thể loại sáng tạo trên cơ sở tiếp thu: thơ Đường luật viết bằng chữ Nôm,...

- Thể loại văn học dân tộc: truyện thơ, ngâm khúc, hát nói,...

• Tiếp thu từ nước ngoài: Tiếp thu văn hóa, văn học Trung Quốc

* Văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến nay (Văn học hiện đại):

• Chữ viết: Chủ yếu là chữ quốc ngữ

• Thể loại:

- Thể loại tiếp biến từ văn học trung đại: thơ Đường luật, câu đối,...

- Thể loại văn học hiện đại: thơ tự do, truyện ngắn, tiểu thuyết, phóng sự, kịch nói,...

• Tiếp thu từ nước ngoài: Tiếp thu văn hóa, văn học phương Tây

4 & 5. Tổng kết văn học viết Việt Nam thời kì từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX

- Hai thành phần văn học chữ Hán và chữ Nôm.

- Bốn giai đoạn văn học: từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIV, từ thế kỉ XV đến hết thế kỉ XVII, từ thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX, nửa cuối thế kỉ XIX.

Khi tổng kết các giai đoạn văn học, cần nắm được đặc điểm lịch sử và đặc điểm văn học (nội dung và nghệ thuật) của từng giai đoạn.

- Những đặc điểm lớn về nội dung và nghệ thuật của văn học trung đại Việt Nam:

Về nội dung, nhấn mạnh hai nội dung lớn xuyên suốt là nội dung yêu nước và nội dung nhân đạo.

+ Nội dung yêu nước với những biểu hiện phong phú, đa dạng, vừa phản ánh truyền thống yêu nước bất khuất của dân tộc, vừa chịu sự tác động của tư tưởng “trung quân ái quốc”.

Khi tổng kết nội dung yêu nước trong văn học trung đại Việt Nam, cần ôn lại và tập trung vào các tác phẩm như bài thơ Tỏ lòng, bài Phú sông Bạch Đằng và Đại cáo bình Ngô.

+ Nền tảng của nội dung nhân đạo trong văn học trung đại vẫn là truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó là những ảnh hưởng tư tưởng tích cực vốn có của Nho, Phật, Đạo. Củng cố nội dung kiến thức này cần gắn với những tác phẩm cụ thể. Ví dụ nội dung nhân đạo Phật giáo qua bài thơ Cáo bệnh, bảo mọi người; Lão giáo, Nho giáo qua Vận nước, Nho giáo qua Tỏ lòng, Nhàn,...

Khi tổng kết nội dung nhân đạo, cần tập trung vào các trích đoạn Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm và bài thơ Đọc “Tiểu Thanh kí”.

Sơ đồ về tình hình phát triển văn học trung đại

* Từ thế kỉ X đến thế kỉ XV:

- Văn học viết chính thức ra đời, tạo một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử văn học dân tộc.

- Văn học viết lúc đầu viết bằng chữ Hán, từ cuối thế kỉ XIII có thêm chữ Nôm. Nhưng nhìn chung văn học chữ Hán vẫn chiếm ưu thế.

- Từ thời Lí về trước: các tác phẩm như Thiên đô chiếu (Chiếu dời đô) của Lí Thái Tổ, Nam quốc sơn hà (Sông núi nước Nam) thường được coi là của Lí Thường Kiệt. Mở đầu cho dòng văn học yêu nước của văn học viết.

Các tác phẩm như Cáo tật thì chúng (Có bệnh bảo mọi người) của sư Mãn Giác, Ngôn hoài (Tỏ lòng), Ngư nhàn (Cảnh nhàn của ông Ngư) của sư Không Lộ... mang tư tưởng Phật giáo và thấm đượm nội dung nhân đạo.

- Thời Trần và thời Hồ: Các tác phẩm như Hịch tướng sĩ văn của Trần Quốc Tuấn, Tụng giá hoàn kinh sư (Phò giá về kinh) của Trần Quang Khải. Thuật hoài (Tỏ lòng) của Phạm Ngũ Lão, Bạch Đằng giang phú (Phú sông Bạch Đằng) của Trương Hán Siêu. Cảm hoài (Nỗi lòng) của Đặng Dung, tiêu biểu cho nội dung yêu nước phản ánh hào khí Đông A. Về văn xuôi, các tác phẩm tiêu biểu là Việt điện u linh (Những truyện linh thiêng ở đất Việt) của Lý Tế Xuyên, Lĩnh Nam chích quái (Nhặt lại những chuyện quái lạ ở đất Lĩnh Nam) của Trần Thế Pháp (?)

- Thời Lê sơ: Văn học viết tiếp tục phát triển. Về nội dung, cảm hứng chủ đạo vẫn là yêu nước ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo ngày một nhiều hơn. Văn học chữ Nôm có bước nhảy vọt với Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi ở nửa đầu thế kỉ XV và Hồng Đức quốc âm thi tập của các tác giả thời Hồng Đức ở nửa cuối thế kỉ XV. Nguyễn Trãi với nhiều tác phẩm có giá trị như Bình Ngô đại cáo, Quận trung từ mệnh tập, Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập là hiện tượng văn học có ý nghĩa kết tinh thành tựu của năm thế kỉ. Những sáng tác của Lê Thánh Tông và Hội Tao đàn là sự kiện văn học tiêu biểu của nửa cuối thế kỉ XV.

* Từ thế kỉ XVI đến nửa đầu thế kỉ XVIII:

- Văn học chữ Nôm phát triển phong phú hơn trước. Xuất hiện những thể thơ dân tộc như lục bát, song thất lục bát, các thể loại văn học dân tộc như truyện thơ, khúc ngâm, hát nói tuy chưa có thành tựu xuất sắc.

- Văn học có sự chuyển hướng: phản ánh tâm trạng bất mãn với hiện tại, hoài niệm quá khứ, lối sống thanh cao, nhàn tản nhưng vẫn thấm đượm cảm hứng nhân đạo.

- Nguyễn Bỉnh Khiêm là tác giả lớn của văn học thế kỉ XVI với những tác phẩm có giá trị như Bạch Vân am thi tập, Bạch Vân quốc ngữ thi, Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ đánh dấu bước phát triển của văn xuôi tự sự, Thiên Nam ngữ lục là tác phẩm văn vần có quy mô lớn. Mang cảm hứng sử thi, diễn ca lịch sử dân tộc bằng chữ Nôm. Tập thơ Hà Tiên thập vịnh là tác phẩm tiêu biểu của văn học Đàng Trong thời Trịnh - Nguyễn phân tranh.

* Từ nửa sau thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX:

- Văn học phát triển vượt bậc, trở thành giai đoạn rực rỡ nhất của văn học trung đại Việt Nam, được mệnh danh là giai đoạn văn học cổ điển. Văn học phát triển mạnh cả văn xuôi lẫn văn vần, cả chữ Hán lẫn chữ Nôm. Địa vị của văn học Nôm và những thể loại văn học dân tộc như khúc ngâm, truyện thơ... cao hẳn lên.

- Nội dung nổi bật là tinh thần nhân đạo chủ nghĩa đòi quyền sống, quyền hạnh phúc và đấu tranh giải phóng con người.

- Xuất hiện nhiều tác giả, tác phẩm lớn như Nguyễn Gia Thiều với Cung oán ngâm khúc, Đặng Trần Côn với Chinh phụ ngâm khúc viết bằng chữ Hán và Đoàn Thị Điểm (?) với bản dịch Chinh phụ ngâm, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Bà huyện Thanh Quan, Ngô gia văn phái với Hoàng Lê nhất thống chí, Nguyễn Du với tập Thơ chữ Hán và đặc biệt với kiệt tác Truyện Kiều được coi là tập đại thành của giai đoạn văn học này đồng thời là đỉnh cao nhất của văn học Việt Nam. Ngoài ra còn phải kể tới thơ văn Cao Bá Quát và Nguyễn Công Trứ - người có công đầu đối với thể hát nói.

* Nửa sau thế kỉ XIX:

- Có sự xuất hiện của văn học chữ quốc ngữ nhưng văn học chữ Hán, chữ Nôm vẫn là chính, vẫn theo những thể loại, những thi pháp truyền thống.

- Văn học yêu nước phát triển phong phú và nói chung mang âm điệu bi tráng. Văn học tiếp tục tinh thần nhân đạo truyền thống, đồng thời có biểu hiện mới (đã hướng vào thế giới tình cảm riêng tư của con người). Dòng thơ trào phúng phát triển và có những thành tựu xuất sắc.

- Nguyễn Đình Chiểu Với các tác phẩm có giá trị như Lục Vân Tiên, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc được xem là tác giả lớn nhất của văn học giai đoạn này. Bên cạnh đó, Nguyễn Khuyến, Tú Xương là những tác giả tiêu biểu của văn học nửa sau thế kỉ XIX.

6. Tổng kết phần văn học nước ngoài

Có thể lập bảng so sánh để vừa nắm được những tinh hoa nghệ thuật nhân loại, vừa củng cố thêm kiến thức về văn học dân tộc.

Về sử thi

* Đăm Săn (Việt Nam):

• Đặc điểm riêng:

- Khát vọng chinh phục thiên nhiên, xóa bỏ những tập tục lạc hậu vì sự hùng mạnh của bộ tộc.

- Con người hành động.

• Đặc điểm chung:

- Chủ đề: Hướng tới những vấn đề chung của cả cộng đồng. Cả ba sử thi đều là bức tranh rộng lớn phản ánh hiện thực đời sống và tư tưởng con người thời cổ đại.

* Ô-đi-xê (Hi Lạp):

• Đặc điểm riêng:

- Biểu tượng sức mạnh trí tuệ và tinh thần trong chinh phục thiên nhiên để khai sáng văn hóa, mở rộng giao lưu văn hóa.

- Khắc họa nhân vật qua hành động

• Đặc điểm chung:

- Nhân vật: Tiêu biểu cho sức mạnh, lí tưởng của cộng đồng; ca ngợi những con người với đạo đức cao cả, với sức mạnh, tài năng, trí thông minh, lòng quả cảm trong đấu tranh chinh phục tự nhiên, chiến thắng cái ác vì chân, thiện, mĩ.

* Ra-ma-ya-na (Ấn Độ):

• Đặc điểm riêng:

- Chiến đấu chống cái ác, cái xấu, vì cái thiện, cái đẹp; đề cao danh dự và bổn phận; tình yêu tha thiết với con người, với cuộc đời, với thiên nhiên.

- Con người được miêu tả ở tâm linh, tính cách.

• Đặc điểm chung:

- Ngôn ngữ mang vẻ đẹp trang trọng, hình tượng nghệ thuật với vẻ đẹp kì vĩ, mĩ lệ, huyền ảo, với trí tưởng tượng phong phú, bay bổng.

Về thơ Đường và thơ hai-kư

* Thơ Đường:

- Nội dung: Phong phú, đa dạng, phản ánh trung thực, toàn diện cuộc sống xã hội và đời sống tình cảm của con người; nổi bật lên là những đề tài quen thuộc về thiên nhiên, chiến tranh, tình yêu, tình bạn, người phụ nữ.

- Nghệ thuật: Hai thể chính là cổ phong (cổ thể), Đường luật (cận thể) với ngôn ngữ đơn giản mà tinh luyện, thanh luật hài hòa, cấu tứ độc đáo, rất hàm súc, giàu sức gợi.

* Thơ hai-kư

- Nội dung: Ghi lại phong cảnh với vài sự vật cụ thể, ở một thời điểm nhất định trong hiện tại, từ đó khơi gợi một cảm xúc, suy tư sâu sắc nào đó.

- Nghệ thuật: Gợi là chủ yếu, sự mơ hồ dành một khoảng không to lớn cho trí tưởng tượng của người đọc. Ngôn ngữ rất cô đọng, cả bài chỉ trên dưới 17 âm tiết trong khoảng mấy từ. Tứ thơ hàm súc và giàu sức gợi.

Về “Tam quốc diễn nghĩa”

HS nắm lại những đặc điểm chính của tác phẩm về lối kể chuyện và khắc họa tính cách nhân vật.

7. Tổng kết phần lí luận văn học

- HS vừa nắm lại những khái niệm cơ bản về văn bản văn học vừa biết phân tích những dẫn chứng làm sáng tỏ những khái niệm đó.

- Chọn một văn bản văn học, từ đó chỉ ra:

+ Những tiêu chí chứng tỏ văn bản được lựa chọn là văn bản văn học.

+ Tầng ngôn từ, tầng hình tượng, tầng hàm ý của văn bản.

+ Đề tài, chủ đề, tư tưởng, cảm hứng nghệ thuật của văn bản.

+ Ngôn ngữ, kết cấu, thể loại của văn bản.