I. VỀ KHÁI NIỆM NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT

+ Ngôn ngữ nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ sinh hoạt hằng ngày làm chất liệu, nhưng có điểm khác với ngôn ngữ sinh hoạt.

Do hoạt động trong những môi trường giao tiếp khác nhau, ngôn ngữ đã phát sinh nhiều biến thể ngữ âm, từ vựng, cú pháp khác nhau, được gọi là các biến thể chức năng. Các biến thể này hình thành hệ thống và có thể khái quát thành những đặc trưng cơ bản. Đó là tính cụ thể, tính cảm xúc và tính cá thể của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt (phong cách khẩu ngữ).

Ngôn ngữ nghệ thuật có một đặc điểm dễ nhận thấy là hết sức phong phú, sáng tạo và phát triển không ngừng, đặc biệt là loại thể.

Ta thường phân chia các loại của các tác phẩm văn học thành: thơ trữ tình, văn tự sự và kịch. Mỗi loại lại phân chia thành nhiều thể. Chẳng hạn, chỉ tính về các thể thơ của Việt Nam ta đã có các thế: lục bát, song thất lục bát, hát nói, các thể thơ cổ phong và cách luật Đường thi, các thể thơ hiện đại. Đó là chưa kể các hình thức trung gian giữa thơ và văn xuôi (văn vần, thơ, văn xuôi,...); kịch thơ, truyện thơ,... Mỗi thể loại có những yêu cầu về cách sử dụng ngôn ngữ và có sức chi phối đối với việc sử dụng ngôn ngữ (ngôn ngữ thơ, ngôn ngữ truyện, ngôn ngữ kịch).

Sự phong phú về thể loại cũng là một phương diện để ta so sánh ngôn ngữ nghệ thuật với các loại ngôn ngữ dùng trong các môi trường giao tiếp khác.

Tóm lại, ngôn ngữ nghệ thuật là ngôn ngữ chủ yếu được dùng trong các tác phẩm văn chương. Nó không chỉ có chức năng thông tin mà còn nhằm thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của con người bằng chính năng lực diễn đạt của ngôn ngữ.

Để đi đến khái niệm ngôn ngữ nghệ thuật, ta có thể tiến hành theo các bước sau đây bằng cách trả lời các câu hỏi:

a) Ngôn ngữ nghệ thuật được sử dụng trong phạm vi giao tiếp nào và thuộc những thể loại nào?

b) Những nét khác nhau giữa ngôn ngữ thơ và văn xuôi tự sự, giữa văn xuôi và ngôn ngữ kịch?

c) Những nét giống nhau của ngôn ngữ trong các thể loại nói trên.

Từ những ý này, phát biểu định nghĩa về ngôn ngữ nghệ thuật theo định hướng ở phần Ghi nhớ trong SGK.

II. ĐẶC TRƯNG CỦA PHONG CÁCH NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT

1. Tính hình tượng

So sánh, đối chiếu đoạn thơ sau:

Ta đã lớn lên rồi trong khói lửa

Chúng nó chẳng còn mong được nữa

Chặn bàn chân một dân tộc anh hùng.

Những bàn chân từ than bụi, lầy bùn

Đã bước dưới mặt trời cách mạng.

(Tố Hữu, Ta đi tới)

với đoạn văn xuôi:

“Dân tộc ta đã trưởng thành trong chiến tranh. Kẻ thù không còn hi vọng để ngăn cản sự phát triển mạnh mẽ, to lớn của một dân tộc từng bị áp bức ở hầm mỏ và nông thôn”.

Các em trả lời các câu hỏi sau:

- Cách diễn đạt nào cụ thể, sinh động hơn?

- Cách diễn đạt nào hàm súc hơn?

- Cách diễn đạt nào gợi cảm hơn?

Từ đó rút ra những nhận xét: Tính hình tượng của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật là khái niệm chỉ ra cách diễn đạt cụ thể, hàm súc và gợi cảm trong một ngữ cảnh (văn cảnh nhất định).

2. Tính truyền cảm

Trong ngôn ngữ sinh hoạt, những yếu tố diễn đạt cảm xúc, ví như ngữ điệu, từ ngữ,... mang tính cảm xúc tự nhiên của người nói.

Trong ngôn ngữ nghệ thuật, người việt (nói) sử dụng ngôn ngữ không chỉ diễn đạt cảm xúc của mình mà còn gây hiệu quả lan truyền cảm xúc, tức là làm cho người nghe, người đọc cũng vui, buồn, tức giận, yêu thương,... như chính người viết (nói). Việc gợi ra cảm xúc và cái hay, cái đẹp trong ngôn ngữ nghệ thuật có một ý nghĩa quan trọng mà không phải lúc nào người viết cũng có thể làm được.

Ta có thể đối chiếu những câu nói hàng ngày với những câu thơ giàu âm hưởng, sáng tạo. Ví dụ:

Qua đình ngả nón trông đình

Đình bao nhiêu ngói, em thương mình bấy nhiêu

(Ca dao)

3. Tính cá thể hóa

Muốn làm sáng rõ, ta đối chiếu tính cá thể của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt với tính cá thể hóa của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.

- Tính cá thể như là một tính chất tự nhiên của người nói (đặc điểm cấu âm, giọng nói, từ ngữ, cách nói) để ta có thể nhận biết người này với người khác.

- Tính cá thể hóa của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật là khái niệm chỉ sự sử dụng ngôn ngữ chung để tạo ra một giọng điệu riêng, không nhầm lẫn với người khác, thể loại khác. Cần chú ý là khái niệm “cá thể hóa” không đồng nhất với “cá nhân hóa” và mức độ cá thể hóa không phải lúc nào cũng được xem là đồng đều ở một người viết, bởi vì đây là một quá trình tìm tòi, sáng tạo và thể nghiệm. Tuy vậy, tính cá thể hóa được xem là một trong ba đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật trong sự đối lập phân biệt với phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.

LUYỆN TẬP

1. Các phương tiện tu từ so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, tượng trưng,... và đặc biệt là cách nói hàm ẩn trong những ngữ cảnh tu từ.

2. Tính hình tượng được xem là tiêu biểu nhất trong các đặc trưng là vì:

- Là phương tiện và là mục đích sáng tạo nghệ thuật.

- Trong hình tượng ngôn ngữ đã có những yếu tố gây cảm xúc và truyền cảm. Cách lựa chọn từ ngữ, sử dụng câu để xây dựng hình tượng nghệ thuật thể hiện cá tính sáng tạo nghệ thuật.

3. a) Từ được chọn để điền vào chỗ trống là từ có nét nghĩa cảm xúc.

b) Từ lựa chọn phải sát nghĩa với ngữ cảnh và phải đảm bảo luật thơ.

4. So sánh:

- Cách chọn từ ngữ để tạo hình tượng mùa thu.

- Nhịp điệu khác nhau.

- Hình tượng ba mùa thu ở ba tác giả không cùng một thời đại; không giống nhau ở phong cách sử dụng ngôn ngữ.