a) Phẩm chất của Trần Quốc Tuấn
1. Qua lời trình bày về kế sách giữ nước của Trần Quốc Tuấn với vua, có những ý sau:
- Nên tùy thời thế mà có sách lược phù hợp, binh pháp chống giặc cần vận dụng linh hoạt, không có khuôn mẫu nhất định.
- Nhưng điều kiện quan trọng nhất để thắng được giặc là toàn dân đoàn kết một lòng.
- Do đó phải "khoan thư sức dân” (giảm thuế khóa, bớt hình phạt, không phiền nhiễu dân, chăm lo để dân có đời sống sung túc), đó chính là “thượng sách giữ nước”.
- Nhận xét: Trần Quốc Tuấn không những là một vị tướng có tài năng, mưu lược, có lòng trung quân mà còn biết thương dân, trọng dân và lo cho dân.
2. Đối với lời cha dặn, Trần Quốc Tuấn đã có suy nghĩ riêng của mình, ông “để điều đó trong lòng, nhưng không cho là phải”. Ông hỏi ý kiến để thử lòng hai người gia nô và hai người con:
- Trước lời nói của Yết Kiêu và Dã Tượng, ông “cảm phục đến khóc, khen ngợi hai người”.
- Trước lời nói của Hưng Vũ Vương, ông “ngầm cho là phải”.
- Trước lời nói của Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng, ông nổi giận rút gươm định trị tội và sau này không muốn Quốc Tảng nhìn mặt ông lần cuối.
⇒ Ý nghĩa: Trần Quốc Tuấn là một người hết lòng trung nghĩa với vua, với nước, không mảy may tự tư tự lợi. Ông cũng là một người có tình cảm chân thành, nồng nhiệt, thẳng thắn, và rất nghiêm trong giáo dục con cái.
3. Bên cạnh những chi tiết đã kể, có những chi tiết khác nói lên phẩm chất của Trần Quốc Tuấn (liên hệ đoạn: “Thánh Tông có soạn bài văn bia... Vạn Kiếp tông bí truyền thư” trong SGK), từ đó đi đến đúc kết về đặc điểm phẩm chất của nhân vật: trung quân ái quốc, dũng cảm, tài năng, mưu lược, đức độ (khiêm tốn, cẩn thận, thương yêu dân, tận tình với tướng sĩ...). Có thể nói ông đã để lại một tấm gương sáng về đạo làm người.
b) Nghệ thuật kể chuyện và khắc họa nhân vật
- Nghệ thuật khắc họa nhân vật:
Trần Quốc Tuấn được xây dựng trong nhiều mối quan hệ và đặt trong những tình huống có thử thách, nhờ đó đã nổi bật những phẩm chất cao quý ở nhiều phương diện. Nhà viết sử đã thành công trong việc khắc họa nhân vật lịch sử sống động và sắc nét để lại ấn tượng.
4. Nghệ thuật kể chuyện:
Cách kể chuyện về một nhân vật lịch sử trong Đại Việt sử kí toàn thư không đơn điệu theo trình tự thời gian.
Đầu tiên, xuất hiện một sự kiện, hiện tượng tạo nên một mốc đáng chú ý – “Tháng 6, ngày 24, sao sa” (với quan niệm “thiên nhân tương dữ” (trời và người có quan hệ với nhau) của người xưa, sao sa là điềm xấu, dự báo một nhân vật có vai trò trọng yếu đối với quốc gia (vua, tướng quốc, anh hùng có công lớn với dân tộc) sắp qua đời). Điềm báo này ứng vào việc Hưng Đạo Đại Vương ốm nặng. Nhân đó, nhà viết sử ngược dòng thời gian kể chuyện về Trần Quốc Tuấn. Người đọc có thể hình dung cả đoạn: “Quốc Tuấn là con An Sinh Vương... mới cho Quốc Tảng vào viếng” như nằm trong phần ngoặc đơn để giải thích về Hưng Đạo Đại Vương - nhân vật được nêu ra ở đầu đoạn. Tiếp đó, trở về với dòng sự kiện đang xảy ra: “Mùa thu, tháng 8, ngày 20, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn mất ở phủ đệ Vạn Kiếp, được tặng Thái sư Thượng phụ Thượng quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương”. Sau thông tin này, tác giả nhắc lại những công lao và đức độ của Trần Quốc Tuấn để gián tiếp giải thích cho những danh hiệu tôn quý ông được vua phong tặng. Đây không phải là sự ôn lại khó khăn mà những công lao, đức độ đó được thể hiện trong những câu chuyện sinh động.
Có thể thấy được mạch kể của đoạn trích như sau:
Sao sa – Hưng Đạo Đại Vương ốm và dặn dò vua những điều tâm huyết. Vậy, Hưng Đạo Đại Vương là ai? Là Trần Quốc Tuấn với những nét riêng về xuất thân, tài mạo, hoàn cảnh gia đình, những việc đáng chú ý trong đời... Do đó, Trần Quốc Tuấn mất, được phong tặng rất trọng hậu. Vì sao? Vì Trần Quốc Tuấn có nhiều công lao lớn đối với đất nước và có những phẩm chất, đức độ đáng kính phục.
Cách kể chuyện này mạch lạc, khúc chiết - vừa giải quyết được những vấn đề then chốt: Nhân vật là ai? Có những đặc điểm gì đáng đưa vào lịch sử? - vừa giữ được mạch chuyện tiếp nối lôgic với những câu chuyện sinh động, hấp dẫn làm nổi bật chân dung nhân vật.
Kĩ thuật kể chuyện của nhà viết sử không chỉ thể hiện ở sự phức hợp nhiều chiều thời gian, vừa liên tiến vừa hồi ức, mà còn ở những nhận xét khéo léo đan lồng vào chuyện kể để định hướng cho người đọc (“Ông kính cẩn giữ tiết làm tôi như vậy đấy”, “thế là dạy đạo trung đó”, “ông lo nghĩ tới việc sau khi mất như thế đấy”, “ông lại khéo tiến cử người tài giỏi”...)
Tiểu kết: Nghệ thuật kể chuyện trong đoạn trích điêu luyện và đạt hiệu quả cao, giúp người đọc tiếp nhận một cách hứng thú những gì mà nhà viết sử muốn truyền tải.
5. Câu trả lời xác đáng nhất là d. Có thể liên hệ mở rộng: Hiện nay ở nhiều địa phương có đền thờ Hưng Đạo Đại Vương và ông là một trong số rất ít những vị anh hùng dân tộc được tôn xưng là “Thánh” - nhân dân vẫn thường tôn kính gọi ông là Đức Thánh Trần. Điều đó cho thấy uy đức của ông đã có ảnh hưởng sâu rộng trong lòng người.