1. Về nội dung

Đoạn trích kể về lễ thề nguyền, về tình yêu Thúy Kiều - Kim Trọng mà Kiều đóng vai chủ động. Sự chủ động này đã từng gây nên phản ứng phê phán ở một số nhà nho vốn mang nặng thành kiến Nho giáo (họ gọi Thúy Kiều là “tà dâm”). Thực ra đây là hiện thực tất nhiên. Đây là tình yêu của lứa đôi trai tài gái sắc. Thúy Kiều và Kim Trọng đến với nhau bằng một tình yêu rất tự nhiên, như một lẽ tự nhiên của những quan hệ lứa đôi, cơ trời kết hợp. Do đó nàng Kiều không có lỗi. Về phương diện tâm linh: Kiều bị ám ảnh bởi định mệnh dành cho những người tài sắc nên đã chủ động tìm đến với tình yêu để chống lại định mệnh. Ta hiểu vì sao Kiều nói với Kim Trọng như để thanh minh về sự chủ động của mình.

Lễ thề nguyền đã diễn ra rất chóng vánh nhưng rất trang nghiêm, thiêng liêng. Đây là cách ứng xử trong tình yêu của người xưa.

Đoạn trích này có liên hệ với các đoạn khác, nhất là cần chú ý đến mối liên hệ với đoạn Trao duyên. Những hình ảnh “đốt lò hương ấy, so tơ phím này” mà Kiều nhớ đến trong khi nói với Thúy Vân chính là những hình ảnh có thực trong đêm thề nguyền này. Ám ảnh ở Kiều về chiêm bao, tức là tính chất hư ảo, tạm thời của tình yêu chính là do những ám ảnh hình thành từ nhỏ cũng như sau sự kiện gặp nấm mồ Đạm Tiên.

2. Về nghệ thuật

Đoạn trích dùng hai loại ngôn ngữ, ngôn ngữ tả, kể của tác giả và ngôn ngữ nhân vật, nhưng chủ yếu là ngôn ngữ tác giả. Tác giả đã đặc tả không khí khẩn trương, gấp gáp, vội vã nhưng vẫn trang nghiêm, thiêng liêng. Dường như cơn bão tố sắp tràn đến vùi dập tình yêu của họ nên mọi chuyện rất vội vàng.

3. Hướng dẫn đọc thêm

1) Để diễn tả không khí gấp gáp, Kiều như muốn đua tranh với định mệnh, tác giả dùng hai lần chữ “vội”, một lần chữ “xăm xăm”, một lần chữ “băng”. Nhịp điệu khẩn trương của cuộc thề nguyền đã được tác giả tô đậm bằng những chữ này. Kiều như tranh đua với thời gian và định mệnh đang ám ảnh mà cũng vì tình yêu với Kim Trọng mà Kiều vội vã, khẩn trương đến với chàng Kim. Đây là một nét mới trong cách nhìn tình yêu của Nguyễn Du. Thông thường, quan niệm Nho giáo cho rằng trong quan hệ nam nữ, bao giờ người con trai cũng phải đóng vai trò chủ động. Nhưng ở đây, Nguyễn Du đã nhấn mạnh sự chủ động của Kiều, người con gái. Nhà thơ có cái nhìn vượt trước thời đại.

2) Không gian đêm thần tiên, hư ảo được tả bằng các hình ảnh ánh trăng nhặt thưa, ngọn đèn hiu hắt, tiếng bước chân nhẹ nhàng tạo ấn tượng cho Kim Trọng như đang sống trong mơ. Không gian như cần thêm ánh sáng, cần thêm hương thơm và sự ấm áp. Đó là không gian đẹp, nhưng có cảm giác hư ảo, không có thực, con người rất cô đơn giữa trời đất bao la.

3) Tình yêu của hai người ở đây rất thiêng liêng. Sự gắn bó giữa hai người không chỉ là do tình cảm tha thiết mà còn đậm đà sắc thái tâm linh. Lời thề của họ được vầng trăng chứng giám. Đoạn Trao duyên là sự tiếp tục một cách lôgic quan niệm và cách nhìn tình yêu của Kiều, ngược lại đoạn trích này cũng góp phần để hiểu đúng đoạn Trao duyên, vì đây là một kỉ niệm đẹp đối với Kiều và Kiều sẽ nhớ lại những chi tiết:

Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy

Ngàn năm chưa dễ mấy ai quên.

(Thế Lữ)