A. GỢI Ý PHÂN TÍCH

1. Bố cục

(1) Từ đầu đến “tha thiết”: Thú du ngoạn của khách.

(2) “Bên giữa dòng”... “lệ chan”: Cảm xúc và suy nghĩ buồn vui khi đến sông Bạch Đằng.

a) “Bên giữa dòng” đến “luống còn lưu”: trước cảnh sông.

b) “Bên sông”... đến “ca ngợi”: Bô lão kể lại chiến trận và bày tỏ thái độ: - Khinh bỉ giặc.

- Khâm phục các vị anh hùng cứu nước.

c) “Tuy nhiên”... “lệ chan”: Lời bình luận thêm của khách (tác giả).

(3) Phần cuối: “Rồi vừa đi”... “đức cao”: Suy ngẫm từ chiến công mà rút ra chân lí giữ nước.

2. Thú du ngoạn

Ông khách (thực ra là tác giả) đã kể về những chuyến du lãm của mình trong:

(1) - Không gian bao la: nơi có người đi đâu mà chẳng biết. Chủ yếu là đi bằng thuyền và có mặt ở biển, sông, hồ đẹp. Những địa danh nổi tiếng ở Trung Quốc cách nhau rất xa nhưng khách đều đến để tích lũy vốn lịch lãm của mình. Cách dùng điển tích điển cố cổ đây để cho sang, cho văn hóa, thực ra nó chỉ có ý nghĩa: đi nhiều nơi.

(2) – Thời gian không hạn định: Nó không chỉ đã đi mà còn đi nhiều hơn nữa: Tráng chí bốn phương vẫn còn.

(3) Các từ ngữ:

+ Nhiều động từ biểu hiện sự đi nhiều (Giương buồm, lướt bể, chơi trăng, gõ thuyền, lần thăm...)

+ Những từ chỉ thời gian: (chơi trăng, sớm, chiều...)

+ “Tráng chí bốn phương” gợi sự phóng túng, hùng tráng.

+ Từ “chừ” đệm vào như gõ phách nhịp cho bài hát lãng du...

3. (1) Tử Trường là Tư Mã Thiên, là nhà văn, nhà viết sử lỗi lạc được các nhà Nho ngày xưa kính phục và lấy làm gương, có được kiến thức rộng sâu là nhờ ông đã đi nhiều và biết làm giàu kho tri thức của mình.

- “Học Tử Trường” không phải chỉ học sự đi nhiều mà là phải có ý thức tích lũy để hiểu biết sâu rộng, mà viết lịch sử nước nhà.

(2) Khách đã thấy cảnh ở sông Bạch Đằng mà động lòng ngậm ngùi.

- Từ cửa Đại Than, bến Đông Triều đang hẹp và nhỏ đến Bạch Đằng bỗng thấy rộng mênh mông “bát ngát” những chiếc thuyền trên những lớp sóng kình (sóng lớn) đuổi nhau tới chân trời trông thật tội nghiệp chúng “giao vĩ tương mâu” nối đuôi lại với nhau xúm xít dường như sợ hãi...

- Nước trời chỉ đơn điệu một màu xanh, ngàn lau phát những tiếng lào xào gợi “đìu hiu mấy gò” của chiến trường xưa: giáo gãy, xương khô.

- Khách đã đứng lặng và trầm tư:

+ Thương anh hùng nay đã vắng.

+ Buồn bởi những vết tích nay còn lưu lại không khỏi tiếc nhớ một thời hào hùng đã qua.

- Giọng văn đã chuyển sang buồn thương của tâm trạng bởi đứng trước sự rợn ngợp của Bạch Đằng trống vắng bao la, “một mình tuôn giọt lệ” là hợp lí.

(3) Từ “Bên sông bô lão” đến “nghìn thu ca ngợi” là cảnh chiến trận trên sông Bạch Đằng do các cụ bô lão dựng lên.

Đây là cảnh thủy chiến được miêu tả bằng hồi ức. Nó đối lập với cảnh mắt thấy của khách ở phần trên.

+ Thuyền bè rất đông, rực rỡ cờ xí, chứ không phải “bập bềnh đuôi trĩ”.

+ Ba quân như tì hổ với giáo gươm sáng chói chứ không phải gò đầy xương khô và những chiếc giáo đã chìm, gãy... Ánh nhật nguyệt mờ, trời đất sắp đổi báo hiệu mọi cơn giông bão thư hùng dưới mặt đất chứ không có cái lặng lẽ đìu hiu và sắc điệu: nước trời một màu xanh nhàn nhạt như bây giờ. Lũ giặc thì kiêu ngạo, khoác lác (Những trích dẫn ở đây đã khơi gợi những trận thủy chiến lịch sử mà kết quả ra sao mọi người đã thấy).

+ Tan tác tro bay và hoàn cảnh chết trụi muốn nói sự thất bại tuyệt đối và rất thảm hại.

+ Sự thất bại ấy đã để lại sự nhục nhã không rửa nổi của kẻ thù, mặc dù thời gian trận đánh đã trôi qua lâu rồi.

- Các cụ bô lão đã giải thích chiến thắng ấy là “Thuận thiên” là trời giúp. Như vậy đó là chiến thắng của chính nghĩa nên diệt phi nghĩa.

- Không miêu tả trực tiếp điểm nóng của cảnh giao tranh mà chỉ miêu tả bên lề sự kiện: sự chuẩn bị và kết quả trận chiến. Tác giả vẫn làm cho ta hình dung ra trận đánh khốc liệt đến mức nào. Nhưng có lẽ, họ Trương muốn gửi gắm nhiều ở phần bình hơn là phần tả, phần kể...

4. Đây là lời bàn thêm của tác giả (khách) cùng các cụ bô lão. Trận Bạch Đằng đại thắng có cả ba yếu tố của tam tài: “thiên thời” (Trời chiều người - ý này các cụ bô lão đã nói!), “địa lợi”: nơi hiểm trở và “nhân hòa”: nhờ những nhân tài như Lã Vọng, Hàn Tín.

Họ Trương đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố người lãnh đạo, cụ thể đây là thiên tài của Hưng Đạo Đại Vương. Nhớ chiến công là nhớ tới những anh hùng giờ đã khuất bóng vì thế mà “khách” “ủ mặt” “lệ chan” vừa tiếc thương vừa khâm phục và vì vậy mà lời ca niềm tự hào được tô đậm thêm.

5. Chân lí lịch sử mà họ Trương rút ra

(1) - Bọn bất nghĩa tiêu vong và người anh hùng sống mãi, lưu danh vào sử sách muôn đời bất hủ

(2) - Chiến thắng Bạch Đằng có Trời chiều, có Đất hiểm nhưng quan trọng nhất có người Đức cao.

+ Cái đức của người lãnh đạo (Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo).

+ Cái đức của nhân dân (Hội nghị Bình Than, Diên Hồng...)

(ĐỨC là sự biểu hiện của cái ĐẠO của TRỜI - có đức là làm theo chân lí, lẽ phải, chính nghĩa)

(3) Toàn bài toát lên niềm tự hào về non sông hùng vĩ, về chiến công Bạch Đằng lẫy lừng. Tác giả ngợi ca, kính phục những người lãnh đạo đời Trần và đồng thời nói lên sự thất bại nhục nhã của kẻ thù.

B. GỢI Ý PHÂN TÍCH 2

1. a) Trong cuộc dạo chơi ngắm phong cảnh, nhân vật khách xuất hiện với cảm hứng bi tráng, hào hùng, với tư thế ung dung, phóng khoáng, tự hào. Đó là cảm hứng của con người có “tráng chí bốn phương”, dạo chơi phong cảnh không chỉ để thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên mà còn nghiên cứu cảnh trí đất nước, bồi bổ tri thức. Đó là tư thế của con người với tâm hồn khoáng đạt, với hoài bão lớn lao. Để thể hiện cảm hứng và tư thế đó của nhân vật khách, giọng văn khi sảng khoái hào hùng, lúc thanh thản, trầm hùng, khi tràn đầy cảm xúc, lúc lắng đọng suy tư.

b) Những địa điểm mà khách đã đi qua và dừng lại có hai loại: Loại địa điểm lấy trong điển cố Trung Quốc. Đây là loại địa điểm tác giả “đi qua” chủ yếu bằng sách vở, bằng trí tưởng tượng như “Sớm gõ thuyền chừ Nguyen Tương, Chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt”. Loại địa điểm này chủ yếu thể hiện “tráng chí bốn phương” của tác giả nên xuất hiện những hình ảnh không gian to rộng: biển lớn (lướt bể chơi trăng), sông hồ (Cửu Giang, Ngũ Hồ), những vùng đất nổi tiếng (Tam Ngô, Bách Việt, Vân Mộng).

Loại địa điểm là những địa danh của đất Việt, với không gian cụ thể: cửa Đại Than, bến Đông Triều, sông Bạch Đằng. Đây là những hình ảnh thật có tính chất đương đại, đang hiện ra trước mắt và được tác giả trực tiếp mô tả. Chính vì vậy cảnh sắc thiên nhiên nơi tác giả dừng lại là cảnh thực, cụ thể. Cảnh hiện lên thật hùng vĩ, hoành tráng (Bát ngát sóng hình muôn dặm, Thướt tha đuôi trĩ một màu) song cũng ảm đạm, hiu hắt (Bến lách đìu hiu, Sông chìm giáo gãy, Gò đầy xương khô).

Trước cảnh tượng đó, có một tâm hồn phong phú nhạy cảm, tác giả vừa vui, tự hào vừa buồn đau, nuối tiếc. Vui trước cảnh sông nước hùng vĩ, thơ mộng (Nước trời một sắc, Phong cảnh ba thu), tự hào trước dòng sông từng ghi bao chiến tích. Buồn đau, nuối tiếc, vì chiến trường xưa một thời oanh liệt nay trơ trọi, hoang vu, dòng thời gian đang làm mờ bao dấu vết.

- Để thể cảm xúc đó, giọng văn hào hùng, sảng khoái khi bày tỏ niềm vui, niềm tự hào hoặc trầm lắng bi thiết, lúc nói về nỗi lòng ngậm ngùi, nuối tiếc.

2. a) Trước cảnh sông Bạch Đằng, tác giả có ngậm ngùi, nuối tiếc. “Nhưng trước mắt ông không phải vang bóng những cô hồn thất thểu lang thang, mà lại chính là những con người đang hoạt động, những bô lão rộn rịp trên bến, dưới thuyền” (Bùi Văn Nguyên). Các bô lão đến với khách bằng thái độ nhiệt tình, hiếu khách, tôn kính khách.

Các bô lão với tư cách là người đại diện cho dân địa phương. Rất có thể nhiều người đã là chứng nhân của trận Bạch Đằng oanh liệt. Sau một câu hồi tưởng về trận “Ngô chúa phá Hoằng Thao”, các bô lão kể với khách chiến tích “Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã”. Lời kể theo trình tự diễn biến tình hình. Ngay từ đầu, ta ra quân với khí thế hào hùng “Tì hổ ba quân, giáo gươm sáng chói”. Tiếp đến, trận đánh diễn ra gay go, quyết liệt “thư hùng chửa phân”. Đó là sự đối đầu không chỉ về lực lượng mà còn là đối đầu về ý chí: ta với lòng yêu nước, với sức mạnh chính nghĩa, địch “thế cường” với bao mưu ma chước quỷ. Chính vì vậy trận chiến diễn ra ác liệt, kinh thiên động địa: “Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ, Bầu trời đất chừ sắp đổi”. Nhưng cuối cùng ta chiến thắng, giặc “hung đồ hết lối”, chuốc nhục muôn đời.

Thái độ, giọng điệu của các bô lão trong khi kể là đầy nhiệt huyết, tự hào, là cảm hứng của người trong cuộc. Lời kể không dài dòng, rất súc tích, cô đọng, khái quát nhưng gợi lại diễn biến, không khí của trận đánh hết sức sinh động. Lời kể sử dụng những câu thơ dài ngắn khác nhau phù hợp với tâm trạng và diễn biến của trận đánh. Những câu thơ dài gợi không khí trang nghiêm, dõng dạc: “Đây là chiến địa buổi Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã, Cũng là bãi đất xưa thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao”. Những câu thơ ngắn gọn, sắc bén dựng lên khung cảnh chiến trận căng thẳng gấp gáp: “Thuyền bè muôn đội, Tinh kì phấp phới, Tì hổ ba quân, Giáo gươm sáng chói”.

b) Sau lời kể về trận chiến là nơi suy ngẫm, bình luận của các bô lão về chiến thắng sông Bạch Đằng. Lời suy ngẫm, bình luận đã chỉ ra nguyên nhân ta thắng, địch thua. Ta thắng giặc vì đất nước ta tồn tại từ ngàn xưa. Trời lại cho ta thế hiểm. Nhưng điều quyết định là ta có “nhân tài giữ cuộc điện nhàn”, có “đại vương coi thế giặc nhàn”. Theo binh pháp cổ, muốn thắng trong chiến tranh cần ba yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Ở đây chỉ nói tới hai yếu tố là địa lợi (đất hiểm) và nhân hòa (nhân tài). Tuy nhiên, thắng giặc không cốt ở đất hiểm mà chủ yếu là đức lớn, là sức mạnh của con người. Khẳng định sức mạnh, vị trí của con người, đó là cảm hứng mang giá trị nhân văn và có tầm triết lí sâu sắc. Thái độ, giọng văn trong lời bình luận là khẳng định một cách trang trọng, tự hào, chắc nịch, thấm thía.

c) Sau những suy ngẫm, bình luận là lời ca của các bô lão mang ý nghĩa tổng kết. Lời ca có giá trị như một tuyên ngôn về chân lí; bất nghĩa (như Lưu Cung) thì tiêu vong, anh hùng (như Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo) thì lưu danh thiên cổ. Để khẳng định sự vĩnh hằng của chân lý đó, tác giả dựa vào quy luật của tự nhiên: chân lí vĩnh hằng, bất biến như sông Bạch Đằng kia vĩnh hằng cứ đêm ngày “cuồn cuộn tuôn về bể Đông” theo quy luật tự nhiên muôn đời.

3. Lời ca của “khách” tiếp nối lời các vị bô lão ca ngợi sự anh minh của “hai vị thánh quân” (Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông) đồng thời ngợi ca chiến tích của sông Bạch Đằng lịch sử “rửa sạch mấy lần giáp binh” đem lại nền thái bình cho đất nước. Ở hai câu cuối lời ca, “khách” vừa biện luận, vừa khẳng định chân lí: trong mối quan hệ giữa “địa linh” (đất thiêng) và “nhân kiệt” (người giỏi) thì “nhân kiệt” là yếu tố quyết định. Ta thắng giặc không chỉ ở “đất hiểm” mà quan trọng hơn là bởi dân tộc ta có “đức cao”, “đức lành”. Khẳng định “địa linh” bởi “nhân kiệt”, nêu cao vai trò và vị trí của con người, lời ca kết thúc bài phú vừa mang niềm tự hào dân tộc vừa thể hiện tư tưởng nhân văn cao đẹp.

4. Bạch Đằng giang phú là tác phẩm tiêu biểu của văn học yêu nước thời Lí - Trần, là đỉnh cao nghệ thuật của thể phú trong văn học Việt Nam.

- Về nội dung: Bạch Đằng giang phú đã thể hiện lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc – tự hào trước truyền thống anh hùng bất khuất và truyền thống đạo lí nhân nghĩa sáng ngời của dân tộc Việt Nam. Tác phẩm đề cao vai trò, vị trí của con người trong ba nhân tố “Thiên - Địa - Nhân"

- Về nghệ thuật: Bạch Đằng giang phú có một cấu tứ đơn giản mà hấp dẫn, một bố cục chặt chẽ, một lối văn linh hoạt, khi sảng khoái hào hùng, khi trầm lắng thiết tha, khi tràn đầy cảm xúc, khi dồn nén suy tư. Với năng lực hồi tưởng tuyệt vời, với sự cảm nhận tinh tế, tác giả đã dựng nên những hình tượng nghệ thuật sinh động, vừa gợi hình sắc trực tiếp, vừa mang ý nghĩa khái quát, triết lí. Ngôn từ của bài phú vừa sang trọng, tráng lệ, vừa lắng đọng gợi cảm. Cảm xúc tràn ra khỏi cái khung quy phạm ước lệ tượng trưng và do đó mà vẫn hừng hực cái dư âm của hào khí Đông A của thời Tiền Trần với những võ công rạng danh lịch sử.