1. Trong khi nói với Thúy Vân, Kiều cảm tưởng như sống lại với các kỉ niệm của tình yêu với Kim Trọng. Nàng như sống trong hồi ức qua những kỉ vật và nhất là tưởng nhớ lại sự kiện đêm thề nguyền thiêng liêng: cảnh Kim Trọng cho thêm hương vào lò hương (“Đài sen nối sáp lò đào thêm hương”) được tái hiện qua “mảnh hương nguyền” (“đốt lò hương ấy”), cảnh Kiều đàn cho Kim Trọng nghe (“so lần dây vũ dây văn”) được nói tới qua “phím đàn” (“so tơ phím này”). Các từ ngữ này cho thấy trong tâm hồn Kiều, những kỉ niệm đẹp đẽ của tình yêu có sức sống mãnh liệt. Thúy Kiều là người sâu sắc trong tình yêu. Khi ta nắm được diễn biến tình yêu Kim - Kiều thì việc trao tặng kỉ vật và nhất là đêm thề nguyền thực sự là một ám ảnh lớn trong thời điểm Kiều trao lại cho Vân những gì Kim đã trao cho Kiều. Những hình ảnh “đốt lò hương” và “so tơ” đều đã được nói đến trong đêm ấy.
2. Trong khi nói với Thúy Vân, Kiều đã liên tưởng cái chết sắp đến với mình. Có nhiều từ ngữ phản ánh ý nghĩ này: mai sau “trông ra ngọn cỏ lá cây - thấy hiu hiu gió thì hay chị về” (Kiều nhớ lại cảnh Đạm Tiên đã từng hiện về qua làn gió ào ào đổ lộc rung cây” khi Kiều thắp hương và làm thơ bên mộ Đạm Tiên), “hồn”, “dạ đài”, “người thác oan”. Kiều cảm thấy cuộc đời trống trải vô nghĩa khi không còn tình yêu nữa, nàng nghĩ đến cái chết và cảm thấy đây sẽ là cái chết đầy oan nghiệt. Tiếng nói thương thân xót phận của một người con gái tha thiết với tình yêu. Mô-típ chiêu hồn, gọi hồn trong Truyện Kiều, Văn chiêu hồn, Phản chiêu hồn của Nguyễn Du cho thấy nhà thơ quan tâm nhiều đến phương diện oan ức của những cái chết của con người, một phương diện độc đáo của chủ nghĩa nhân đạo Nguyễn Du.
3. Về hình thức, ta thấy toàn bộ trích đoạn là lời thoại của Kiều nói với Thúy Vân. Tuy nhiên, có lúc, Kiều chuyển đối tượng, như đang đối thoại với Kim Trọng chứ không còn nói với Thúy Vân nữa, có lúc nàng tự nói với chính mình (những từ ngữ và hình ảnh gợi lại kỉ niệm tình yêu hoặc: “Bây giờ trâm gãy gương tan - Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!” cũng là tự nói với mình). Ý nghĩa của sự chuyển đổi đối tượng cho thấy khả năng tác giả nắm bắt một cách tinh tế quy luật diễn biến tâm trạng của nhân vật. Nếu chỉ đơn thuần là những lời dặn dò Thúy Vân thì cảm xúc của nhân vật không đạt tới cao trào, bi kịch của thân phận và tình yêu không được đẩy tới đỉnh điểm, nhân cách cao đẹp của Kiều cũng không có điều kiện bộc lộ: Kiều không thể nói hết nỗi lòng nếu chỉ biết có Thúy Vân trước mặt mình. Kiều còn than thân trách phận, còn tâm sự với Kim Trọng như Kim Trọng đang ở trước mặt mình.
4. Về mặt tình cảm, Kiều tha thiết với tình yêu Kim Trọng, nhưng chữ hiếu buộc nàng lựa chọn sự hi sinh tình yêu. Do đó, về mặt lí trí, Kiều nhận thức được sự tất yếu phải nhờ em gái trả nghĩa. Đây là chuyện có thể khó hiểu đối với thời nay, nhưng lại là dễ hiểu đối với người phương Đông xưa. Tuy nhờ Thúy Vân trả nghĩa nhưng tình yêu sâu sắc, mãnh liệt của Kiều lại khiến nàng đau đớn, than thân trách phận, xót xa chứ không hề thanh thản. Thân phận đau khổ nhưng nhân cách sáng ngời. Trong tâm hồn Kiều, thật khó nói cái gì mạnh hơn, áp đảo hơn: lí trí hay tình cảm, thân phận hay nhân cách. Chúng hòa quyện chặt chẽ. Kiều không muốn nêu gương về đạo nghĩa, nàng ứng xử như văn hóa của thời trung đại đòi hỏi song không thôi nghĩ về thân phận, về tình yêu riêng tư. Do đó, nàng gần với con người thực, con người tự nhiên nhiều chiều chứ không phải là một tấm gương đạo lí đơn giản, một chiều. Nhân vật Thúy Kiều của Nguyễn Du vì thế mà sống động và chân thực hơn nhân vật Thúy Kiều trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân vốn thiên về biểu trưng cho đạo đức.