1. HS đọc hiểu bài học theo cách đặt cuộc đời Nguyễn Du trong các quan hệ sau: trong quan hệ gia đình, quan hệ thời đại, quan hệ vùng văn hóa. Việc sinh trưởng trong một gia đình phong kiến quý tộc quyền quý có thể đem lại cho Nguyễn Du những điều kiện gì về học vấn và vốn sống? Thời đại loạn lạc và khủng hoảng của xã hội phong kiến, những trải nghiệm cuộc sống xã hội của Nguyễn Du trong các giai đoạn khác nhau, trong các môi trường và hoàn cảnh khác nhau có thể đem lại cho ông tư tưởng chính trị xã hội và quan niệm thẩm mĩ gì? Việc Nguyễn Du có điều kiện tiếp thu văn hóa các vùng đất khác nhau (quê cha Hà Tĩnh, quê mẹ Bắc Ninh, quê vợ Thái Bình) có tác động thế nào đến việc hình thành tài năng và phong cách sáng tạo của ông?

2. Học sinh nhớ các sáng tác chính của Nguyễn Du, nhất là đặc điểm của các sáng tác ấy. Chú ý, bài học nhấn mạnh đến đặc điểm lớn nhất của sáng tác Nguyễn Du trong đó có Truyện Kiều là đề cao tình, tình đối với con người, với cuộc sống, trân trọng những giá trị nhân bản, kể cả tình yêu nam nữ, phê phán, căm ghét các thế lực chà đạp lên quyền sống của con người. Về mặt nghệ thuật, ngoài tài năng đa dạng, có thể nói đến tính dân tộc như một đóng góp đặc sắc của Nguyễn Du về cả thể loại lẫn thể thơ và ngôn ngữ.