I. GIỚI THIỆU TÁC PHẨM
1. Tam quốc diễn nghĩa là một trong những tiểu thuyết cổ điển của Trung Quốc, được La Quán Trung tập hợp từ những sự kiện, những nhân vật có thật trong lịch sử thời Tam Quốc. Chịu sự chi phối của tư tưởng “Ủng Lưu phản Tào” của tác giả, thể hiện cuộc sống bằng cách hư cấu, bằng các thủ pháp phóng đại... Hiện thực trong tác phẩm không trùng khít với hiện thực lịch sử.
Tác phẩm toát lên nguyện vọng thiết tha của nhân vật về một nền chính trị nhân đạo và ổn định, một xã hội thanh bình để an cư lạc nghiệp. Vì thế, vấn đề không phải ở chỗ tác giả ủng hộ Lưu Bị hay Tào Tháo, mà là để biến Lưu Bị thành một minh chúa nhân ái, nghĩa khí, thương dân, tập hợp được những người anh hùng khá trọn vẹn về tài, đức như Quan Vân Trường, Trương Phi, Triệu Tử Long, Gia Cát Lượng... dưới ngọn cờ đại nghĩa của mình.
Đồng thời với nội dung trên, những kẻ gian hùng, phản loạn (theo quan điểm tác giả) cũng bị lên án, phê phán (Ví dụ Tào Tháo). Điều đáng nói ở đây là, ngay cả ở những nhân vật như thế, La Quán Trung vẫn khắc họa họ với những tài năng kiệt xuất; cái mà ông không đồng tình với nhân vật, hầu hết đều ở góc độ đạo đức. Đó là những người có tài nhưng thiếu đức, nên đặc biệt nguy hiểm cho xã hội.
Hệ thống nhân vật trong Tam quốc diễn nghĩa vô cùng phong phú. Mỗi chương, mỗi hồi sách đều xoay quanh những sự kiện và những nhân vật, xoáy vào một sự kiện và một nhân vật chính... Những nhân vật điển hình trong cuốn tiểu thuyết này khá đông đảo. Có thể kể: Lưu Bị nhân ái, Khổng Minh trí tuệ, Quan Công trung nghĩa, Trương Phi thắng thắn, Tào Tháo đa nghi...
2. Tam quốc diễn nghĩa là tiểu thuyết chương hồi, nằm trong hệ thống tiểu thuyết Minh Thanh, loại tiểu thuyết vốn bắt nguồn từ những chuyện kể dân gian được các tác giả tập hợp, tưởng tượng, viết thành nên dấu ấn cá nhân rất đậm nét. Bút pháp tả thực là bút pháp chủ yếu đã thay thế khá hoàn toàn bút pháp ước lệ trước đó. Tính cách nhân vật, mặc dù được thể hiện qua hành động là chính, song đã có những nét tâm lí khá phức tạp.
II. PHÂN TÍCH ĐOẠN TRÍCH
1- Hồi trống Cổ Thành là một trích đoạn được lấy ra từ hồi 28 của Tam quốc diễn nghĩa:
Chém Sái Dương anh em hòa giải
Hồi Cổ Thành tối chúa đoàn viên
Những sự kiện xảy ra trước đó là: Lưu Bị cùng Đổng Thừa, Vương Tử Trực... bàn mưu kế chống lại Tào Tháo. Việc bại lộ, Tháo giết bọn Đổng Thừa và đưa hai mươi vạn quân đánh Lưu Bị, thua trận, ba anh em Lưu, Quan, Trương mỗi người chạy tan tác một nơi: Lưu Bị nương nhờ Viên Thiệu, Trương Phi về Cổ Thành, Quan Công buộc phải giã từ hàng Tào... Nghe tin Lưu Bị ở Nhã Nam, Quan Công lên đường đi tìm gặp Trương Phi ở Cổ Thành. Đến đây vào các sự kiện của đoạn trích.
Trích đoạn kể về việc giải quyết xung đột giữa Trương Phi và Quan Công do sự hiểu lầm một bên trọng nghĩa và một bên bội nghĩa.
- Ở đầu hồi truyện, Trương Phi phẫn nộ đòi giết Quan Công. Như đã nói ở trên, đó là do sự hiểu lầm. Ta cũng đã biết, ba anh em Lưu, Quan, Trương khi kết nghĩa đều đã thề rằng: “Dẫu rằng khác họ, song đã kết thành anh em, thì phải cùng lòng hợp sức, cứu khốn phò nguy, trên báo đền ơn nước, dưới yên lòng dân...”. Lời thề vườn đào này, cả ba đều khắc cốt ghi xương, Trương Phi hiểu nghĩa của lời thề này hoàn toàn theo nghĩa đen. Cho nên, khi bị Tào Tháo đánh cho tan tác, Lưu Bị về Nhã Nam với Viên Thiệu; Trương Phi chạy lên núi Mang Đường rồi chiếm Cổ Thành “chứa cỏ, tích lương”, chiêu dụ được “ba nghìn quân mã” chờ thời cơ gây lại cơ đồ nhà Hán; Quan Công bị vây, vì phải bảo vệ hai người vợ của Lưu Bị, đã “hàng” Tào sau khi Tào Tháo chấp nhận ba điều kiện, trong đó quan trọng nhất là: nếu biết Lưu Bị ở đâu sẽ về với anh mình. Tào Tháo đối xử với Quan Công rất hậu, cho vàng ngọc, phong tước hầu (thực ra đây chỉ là cách Tháo ngăn lối về với Lưu, Trương của Quan mà thôi!). Vì thế, khi Quan Công về với Lưu Bị, Tháo chỉ ra lệnh các tướng dưới quyền mình ngăn cản, thuyết phục chứ không được giết Quan Công. Quan Công đã vượt qua 5 cửa ải, chém 6 tướng Tào trên đường đến Nhã Nam với Lưu Bị. Có thể nói, chữ “trung” được Quan Công vận dụng khá linh hoạt, mềm dẻo. Người anh hùng “thân tại Tào doanh, tâm tại Hán” đã lùi tạm một bước để tiến hai bước, vừa bảo vệ được các chị dâu, vừa tìm về được với minh chúa. Trương Phi không chấp nhận quan niệm này với lí do khá cứng rắn “Trung thần thà chịu chết không chịu nhục. Có lẽ đâu đại trượng phu lại thờ hai chủ!”. Với Trương, hành động đã trình bày trên của Quan Công là không thể biện minh được.
Dĩ nhiên, bằng cách mềm dẻo và cả hành động của mình (chém tướng Tào) Quan Công đã thuyết phục được Trương Phi.
Ở đây, tính cách nhân vật đều thể hiện thông qua hành động trong một sự kiện.
2. Hai tính cách nổi bật nhất ở sự kiện này là tính cách Trương Phi và tính cách Quan Công.
- Trương Phi trước hết được khắc họa với nét tính cách có bản tính giản đơn cương trực. Cái giản đơn cương trực xuất phát từ một bản tính tự nhiên của con người mắt tròn, hàm én, mặt như ba trái táo chồng lên... Khi được tin Quan Công đến Cổ Thành, Trương đơn giản nghĩ là Quan Công đến để bắt mình nên “quyết liều sống chết” một phen với kẻ mà Trương cho là “đã bội nghĩa”. “Râu hùm vểnh ngược, hò hét như sấm, múa xà mâu chạy lại đâm Quan Công” là việc làm tất yếu của Trương Phi sau khi “Nghe xong chẳng nói năng gì, lập tức mặc áo giáp, vác xà mâu, lên ngựa để giết kẻ thù”. Cái giản đơn cương trực khiến Trương Phi kết tội Quan Công bội nghĩa, “thờ hai chủ” và mắng Quan Công bằng những từ thậm tệ nhất, thậm chí gọi là “mày”, bất chấp tình nghĩa cũ thiêng liêng. Cũng vì thế mà ngay cả khi Cam phu nhân và Mi phu nhân can gián, giải thích, Trương Phi vẫn chưa tin vì chưa đủ bằng cứ theo lối nghĩ của Trương... Sự thử thách của Trương Phi đối với Quan Công cũng thật quyết liệt: trong ba hồi trống phải giết được tướng Tào mới là thực bụng. Rõ ràng con người này chỉ đánh giá người khác qua hành động chính mình được chứng kiến.
Những chi tiết cuối cùng của hồi sách lại khắc họa một Trương Phi tình nghĩa đến bộc trực. Khó ai có thể nghĩ con người Trương Phi ở trên “nghe hết chuyện, rỏ nước mắt khóc, thụp xuống lạy Vân Trường...”. Cái tình của Trương Phi thể hiện thông qua hành động, giản đơn mà chân thật.
Cả hai nét tính cách này không hề mâu thuẫn mà luôn thống nhất. Viên tướng tài ba này là một con người cương trực, giản đơn, nhưng nghĩa tình thật sâu sắc. Trong những xã hội đảo điên, tín nghĩa và lòng cương trực thủy chung, vẫn luôn là những điểm sáng đạo đức chân chính của nhân dân. Có lẽ vì thế mà nhân vật Trương Phi luôn được nhân dân yêu quý, mến mộ và trở thành bất tử cùng với Tam quốc diễn nghĩa.
- Quan Công ở trích đoạn này tiếp tục được khắc họa là một viên tướng tài ba lừng danh, hơn hẳn người thường. Trước khi đến Cổ Thành, Quan Công đã chém 6 tướng giặc, vượt qua 5 cửa ải bằng thanh long đạo tuyệt đỉnh của mình. Ở đây, Quan Công chém Sái Dương khi Trương Phi “thẳng thắn đánh trống, chưa dứt một hồi”.
Nhưng có lẽ, tài năng của Quan Công được miêu tả đặc sắc nhất ở đây, là cuộc chống trả khi bị Trương Phi tấn công. Trương Phi “mặc áo giáp, vác xà mâu”, “mắt tròn xoe, râu vểnh ngược, hò hét như sấm, múa xà mâu chạy lại đâm Quan Công”. Trương Phi ra chiến trận, có chuẩn bị cẩn thận và nhất là đang nóng giận, chỉ “quyết liều sống chết”. Thế mà lúc ấy, Quan Công đã “mừng rỡ vô cùng, giao long đao cho Châu Thương cầm, tế ngựa lại đón Trương Phi”. Trong tình huống này, Quan Công hoàn toàn bất ngờ khi bị Trương Phi tấn công, trong tay không có vũ khí. Ai đã đọc Tam quốc diễn nghĩa không biết Trương Phi, người anh hùng chỉ hét một tiếng đã khiến tướng giặc vỡ mật mà chết, sẽ không khỏi giật thót tim khi Trương lao vào tấn công Quan Công. Nhưng khi thấy “Quan Công giật mình, vội tránh mũi mâu” hay “Quan Công vừa đỡ, vừa can” Trương Phi, người đọc vừa thở phào nhẹ nhõm, vừa nhận ra cái tài năng xuất chúng được La Quán Trung thể hiện thật khéo léo: Quan Công vừa bảo vệ được mình, vừa không được tấn công em; và còn phải thuyết phục nữa... Chiến đấu với kẻ thù, Quan Công lập chiến công khá dễ dàng. Buộc phải chiến đấu với em mình, Quan Công đã rất khó khăn, nhưng cuối cùng đã chiến thắng. Chính tài và đức của Quan Công đã ngăn cản được cơn nóng giận và làm rõ sự thật cho đứa em “nóng như lửa” vỡ lẽ ra, làm đứa em ấy phải cảm động đến “rơi nước mắt”.
Trong cùng một lúc, nét tính cách trầm tĩnh, nhẫn nại và mềm dẻo của Quan Công cũng được khắc họa. Biết Trương Phi nông nổi nên hiểu lầm, Quan Công đã lựa lời khuyên nhủ em. Những từ “hiền đệ”, “em”, “ta”; những lời giải thích vừa ngắn gọn, vừa đầy đủ và giàu tính thuyết phục, hành động nhận điều kiện mà Trương Phi đặt ra... đủ để minh chứng cho nét tính cách này.
Khác với Trương Phi, Quan Công tuy vẫn là con người tín nghĩa, nhưng sâu sắc, mềm dẻo, trí tuệ... nên ở mỗi việc, mỗi hành động nhân vật này đều có những cách giải quyết đạt lí, thấu tình hơn.
3. Cả trích đoạn đều tập trung ngợi ca những con người trung nghĩa, dù cách biểu hiện tấm lòng và phẩm chất ấy có thể khác nhau do tính cách. Quan Công, Trương Phi đều được khẳng định là những viên tướng đầy tài năng và tín nghĩa. Thành công lớn nhất về nghệ thuật ở đây là: xoay quanh một sự kiện, thông qua hành động của nhân vật, tác giả đã dựng nên được một đoạn truyện kể hấp dẫn, khắc họa rõ nét từng nét riêng của mỗi nhân vật mình định thể hiện. Đây cũng là một đặc trưng lớn của nghệ thuật “Tam quốc diễn nghĩa” nói riêng và của tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc nói chung.