Mục 1 - Lịch sử phát triển của Tiếng Việt

- Tiếng Việt thuộc dòng Môn-Khmer, họ Nam Á, có quan hệ cội nguồn ,quan hệ họ hàng và quan hệ tiếp xúc với tiếng Mường, tiếng Khmer, tiếng Ba-na, tiếng Ka-tu, tiếng Thái, tiếng Hán qua một số ví dụ cụ thể đã nêu trong SGK.

- Có một điều cần nhấn mạnh ở đây là tuy trong tiếng Việt hiện đại (cũng như tiếng Việt trong các giai đoạn lịch sử trước) có rất nhiều từ gốc Hán nhưng tiếng Việt và tiếng Hán không có quan hệ cội nguồn cũng như quan hệ họ hàng. Từ Hán Việt chiếm một tỉ lệ khá lớn trong vốn từ tiếng Việt, một số phương thức ngữ pháp của tiếng Việt giống tiếng Hán, nhưng những hiện tượng này chỉ là kết quả của sự tương đồng giữa hai ngôn ngữ về mặt loại hình (đều là ngôn ngữ đơn lập, âm tiết tính) và của quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa-ngôn ngữ kéo dài hàng ngàn năm lịch sử.

- Sự phát triển mặt từ vựng, phương thức, diễn đạt,... thích ứng với những bước phát triển của lịch sử dân tộc, của đời sống văn hóa xã hội và tinh thần thời đại. Ví dụ như: vốn từ ngữ ngày càng phong phú, tinh tế trong thơ Nôm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, trong các khúc ngâm và truyện Nôm; từ ngữ và phương thức diễn đạt mới mẻ trong thơ mới, văn chương báo chí, tiểu thuyết, kịch nói, kí sự, phóng sự, chính luận,...; trong cách đặt danh từ, thuật ngữ khoa học bằng cách phiên âm, chuyển dịch, sao phỏng,...; trong cách trình bày diễn đạt các nội dung thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ. Như vậy:

+ Tiếng Việt đã không ngừng phát triển qua các giai đoạn lịch sử, không ngừng vươn lên thực hiện đầy đủ các chức năng ngày càng rộng mở, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, ngày càng phong phú của đời sống xã hội, của tiến trình phát triển của đất nước.

+ Trong quá trình phát triển, tiếng Việt đã tiếp nhận và cải biến nhiều yếu tố ngôn ngữ từ bên ngoài đưa tới theo hướng chủ đạo là Việt hóa. Chính nhờ vậy mà tiếng Việt ngày càng trở nên phong phú, uyển chuyển, tinh tế, chuẩn xác. Để bảo vệ sự trong sáng, tính giàu đẹp của tiếng Việt, cần thực hiện một cách nghiêm túc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu trong Mục tiêu bài học, mà một trong những yêu cầu hàng đầu là cần hiểu đúng và dùng đúng từ ngữ Việt, chống thái độ tùy tiện trong việc nói và viết tiếng Việt, chống lạm dụng từ ngữ nước ngoài.

Mục II, về Chữ viết của tiếng Việt.

Tuy dựa vào chữ Hán, nhưng chữ Nôm đã đi xa hơn chữ Hán trên con đường xây dựng chữ viết, thể hiện rõ ở việc lấy “phương châm ghi âm” làm phương hướng chủ đạo. Vì không được chuẩn hóa cho nên chữ Nôm còn mang nhiều khiếm khuyết. Sự thay thế chữ Nôm bằng chữ quốc ngữ là một bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực chữ viết của dân tộc. Những ưu điểm cơ bản của chữ quốc ngữ như: đơn giản, thuận tiện, dễ viết, dễ đọc, tuy nhiên cũng cần phải chú ý đầy đủ đến các quy tắc chính tả.

GỢI Ý GIẢI BÀI TẬP

1. Tìm chọn ví dụ minh họa ngay trong các bài học về văn học (hoặc bài học thuộc các môn học khác) để phát huy khả năng tìm tòi, suy nghĩ và vận dụng tri thức đã thâu nhận được theo phương hướng liên môn nhằm nâng cao hiệu quả học tập.

2. Cần thêm ví dụ minh họa khi nêu các cảm nhận.

3. Trước tiên cần thống kê những thuật ngữ có trong một số bài học thuộc các bộ môn khoa học tự nhiên mà các em đã học, sau đó mới tìm các ví dụ phù hợp với ba cách thức đặt thuật ngữ khoa học đã nêu trong SGK.