I. TIÊU CHÍ CHỦ YẾU CỦA MỘT VĂN BẢN VĂN HỌC

- Nên tập trung nói đến quan niệm ngày nay được nhiều người công nhận về văn bản văn học (còn chuyện các thời đại, các quốc gia khác nhau quan niệm như thế nào là văn bản văn học chỉ lướt qua).

- Văn bản văn học nói chung không nhằm giải quyết cụ thể những vấn đề thực dụng cần thiết hằng ngày. Nhưng nếu từ những vấn đề hằng ngày, người viết lại chú tâm đi sâu vào đời sống tinh thần, tình cảm của con người (tình yêu, hạnh phúc, những băn khoăn đau khổ, ý chí, khát vọng vươn đến chân thiện mĩ,...) thì văn bản viết ra có thể thuộc phạm vi văn học.

- Văn học là nghệ thuật ngôn từ, vậy ngôn từ của tác phẩm phải là ngôn từ nghệ thuật (xây dựng được những hình tượng nhân vật, cảnh sắc đất nước, đi sâu diễn tả tư tưởng, tình cảm con người. Nếu viết “không có văn” sẽ không làm nên văn bản văn học).

- Văn bản văn học được viết theo những quy ước nghệ thuật (mã nghệ thuật). Xem chèo, xem tuồng phải theo những quy ước của nghệ thuật chèo, tuồng. Văn bản văn học, tùy theo thể loại, tùy theo thời đại, cũng được viết theo những quy ước nào đó.

II. CẤU TRÚC CỦA VĂN BẢN VĂN HỌC

- Làm rõ các tầng trong cấu trúc của một văn bản văn học, vị trí và mối liên hệ giữa các tầng đó.

- Cần thấy do sự phân tích khoa học, ta chia ra ba tầng chính của văn bản văn học. Ba tầng đó không tách rời mà liên hệ mật thiết với nhau tạo thành văn bản văn học. Không hiểu đúng tầng ngôn từ, tất không thể hiểu đúng tầng hình tượng, không hiểu đúng tầng hình tượng, tất không thể hiểu đúng tầng hàm nghĩa của văn bản. Đó là lẽ hiển nhiên.

- Lại phải thấy trong một văn bản học, tầng ngôn từ và tầng hình tượng hiện lên tương đối rõ, còn tầng hàm nghĩa khó nắm hơn. Tầng hàm nghĩa hiện dần trong tâm trí người đọc trong quá trình suy luận, phân tích khái quát. Càng trải nghiệm cuộc sống, càng thấu hiểu nghệ thuật, hàm nghĩa của văn bản văn học càng hiện lên sâu sắc, rõ ràng. Hàm nghĩa đó rất quan trọng. Đọc văn bản văn học mà không hiểu hàm nghĩa khác nào ta biết tên, biết mặt một con người mà không hiểu được phần sâu thẳm trong tâm hồn họ.

LUYỆN TẬP

1. Về bài Nơi dựa

a) Đây là bài thơ văn xuôi (nghĩa là bài có ý thơ, ngôn từ có nhịp điệu, khác với ngôn từ văn xuôi thông thường). Bài có hai đoạn gần như đối xứng nhau về cách cấu trúc câu: câu mở đầu và câu kết của mỗi đoạn. Các nhân vật được trình bày cốt làm nổi bật tính tương phản.

b) Thông thường người yếu đuối tìm “nơi dựa” ở người vững mạnh. Ở đây như ngược lại. Người mẹ trẻ khỏe dựa vào đứa con mới biết đi chập chững. Anh bộ đội dạn dày chiến trận dựa vào cụ già bước từng bước run rẩy trên đường. Từ hình tượng trong bài gợi lên suy nghĩ về nơi dựa. “Nơi dựa” nói ở đây là nơi dựa tinh thần: nơi con người tìm thấy niềm vui và ý nghĩa cuộc sống. Quả vậy, con người phải sống với tình yêu (tình yêu đối với con cái, tình yêu đối với bố mẹ và những người tiền bối đáng kính). Rộng hơn, phải sống với lòng hi vọng về tương lai, với lòng biết ơn quá khứ... Chính những tình cảm này làm nên phẩm giá nhân văn của con người, giúp con người vượt qua những trở ngại.

Như thế, ta thấy rõ ràng đây là một tác phẩm văn học (ngôn từ có sáng tạo, xây dựng được những hình tượng, và từ hình tượng nói lên những thể nghiệm sâu sắc về cuộc sống).

2. Về bài Thời gian

a) Bài thơ có thể chia làm hai đoạn rõ ràng. Câu 1, 2, 3, 4 nói lên sức mạnh tàn phá của thời gian. Trôi chảy từ từ, nhẹ im, tưởng như yếu ớt (“qua kẽ tay”), thời gian “làm khô những chiếc lá”. Chiếc lá gì vậy? Ta tưởng tượng mỗi đời người như một cái cây của sự sống. Những mảnh nhỏ của cuộc đời như những chiếc lá. Thời gian qua đi, những chiếc lá khô héo rụng dần. Và những kỉ niệm của đời người cũng rơi vào quên lãng, vô tăm tích (hòn sỏi rơi vào cái giếng bùn cát lấp thì chẳng có tiếng vang gì). Như thế cuộc đời và những kỉ niệm đều tàn tạ, đều bị thời gian xóa nhòa.

Các câu 5, 6, 7 nói lên những điều có sức sống mãnh liệt, tồn tại với thời gian:

Riêng những câu thơ còn xanh

Riêng những bài hát còn xanh

Nghệ thuật đạt đến độ tuyệt vời sẽ tươi xanh mãi mãi, bất chấp thời gian.

Câu kết:

Và đôi mắt em như hai giếng nước

“Đôi mắt em”: đôi mắt người yêu (kỉ niệm tình yêu), “giếng nước”: giếng nước không cạn, gợi lên những điều trong mát ngọt lành.

b) Ý nghĩa của toàn bài thơ: Thời gian xóa nhòa tất cả, thời gian tàn phá cuộc đời con người. Duy chỉ có văn học nghệ thuật và kỉ niệm về tình yêu là có sức sống lâu dài.

3. Về bài Mình và ta

a) Chế Lan Viên thường dùng thơ để nói lên những quan niệm của mình về văn học nghệ thuật. Đây là một bài thuộc loại ấy.

Mình là ta đấy thôi, ta vẫn gửi cho mình.

Sâu thẳm mình ư? Lại là ta đấy!

Câu thơ nói mối quan hệ thân thiết giữa bạn đọc (mình) và người viết (ta). Chỗ sâu thẳm trong tâm hồn người đọc cũng là chỗ sâu thẳm tâm hồn mà người viết tìm đến khai thác, diễn tả. Vì mối quan hệ tương thông (và tương đồng) đó, người viết mới có thể tiêu biểu cho tâm hồn dân tộc, có thể sáng tác những tráng ca của đất nước (tìm hiểu thêm tính nhân dân, tính dân tộc, tính nhân loại trong văn học).

b) Ta gửi tro, mình nhen thành lửa cháy,

Gửi viên đá con, mình dựng lại nên thành.

Với hai câu thơ này, Chế Lan Viên nói lên quá trình từ văn bản của nhà văn đến tác phẩm văn học trong tâm trí người đọc. Viết không phải là nói hết, cạn lời, cạn ý. Nhà văn cần dành cho người đọc cơ hội tái tạo lại, tưởng tượng thêm, suy nghĩ rộng hơn thế giới nghệ thuật được nói đến trong văn bản: từ tro nhen lên thành lửa, từ viên đá dựng nên thành.