A- NHỮNG KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Văn thuyết minh, cũng như nhiều loại văn bản khác, có thể được nhìn nhận, xem xét dưới nhiều góc độ:

- Đặc điểm, tính chất của văn thuyết minh (tính thông tin, tính khoa học, tính khách quan).

- Nội dung thuyết minh (giới thiệu con người, trình bày thuộc tính, giảng giải, phương pháp, ghi chép quá trình,...)

- Kiểu thuyết minh (kiểu thuật lại, kiểu tả lại, kiểu giới thiệu, kiểu giảng giải...)

- Thứ tự thuyết minh (theo thời gian, theo không gian, theo các bước của quá trình nhận thức, theo cách đi từ toàn thể đến bộ phận, theo cách đi từ chủ yếu đến thứ yếu,...)

2. Phương pháp thuyết minh có thể được hiểu là một hệ thống những cách thức mà người thuyết minh dùng để mong đạt tới mục đích mà mình đã đặt ra.

Như thế, không có nhu cầu và mục đích thuyết minh thì không có cơ sở nào để đi tìm phương pháp thuyết minh. Ngược lại, nhu cầu thuyết minh sẽ không thể thỏa mãn, mục đích thuyết minh sẽ không thể đạt được nếu người thuyết minh không có phương pháp phù hợp và hiệu quả.

Sự tìm hiểu phương pháp thuyết minh, do đó, chỉ có ý nghĩa khi nó được đặt trong mối quan hệ không thể tách rời với mục đích thuyết minh.

- Ở cấp THCS, HS đã được học một loạt phương pháp thuyết minh: nêu định nghĩa; liệt kê; nêu ví dụ; dùng số liệu; so sánh, phân loại, phân tích. SGK đã bổ sung thêm các phương pháp: chú thích; giảng giải nguyên nhân kết quả,...

– Hai phương pháp định nghĩa và chú thích có những nét khá giống nhau. Về đại thể, cả hai đều có cấu trúc cơ bản: A là B.

- Sự khác nhau nằm ở chỗ: phương pháp định nghĩa có những đòi hỏi chặt chẽ hơn. Phần B trong định nghĩa phải đạt được hai yêu cầu cơ bản:

+ Đặt sự vật (hoặc hiện tượng) cần thuyết minh vào trong một loại lớn hơn.

+ Chỉ ra yếu tố nói lên đúng đặc điểm bản chất của sự vật (hiện tượng), phân biệt nó với những sự vật (hiện tượng) cùng loại khác.

Phương pháp chú thích không buộc phải thỏa mãn cả hai yêu cầu đó. Mức độ chuẩn xác của phương pháp chú thích, do đó, có thể không cao như phương pháp định nghĩa.

- Sự giống nhau và khác nhau giữa hai phương pháp thuyết minh phân loại và liệt kê có phần dễ thấy hơn. Cả phân loại và liệt kê đều đòi hỏi người thuyết minh phải kể ra những bộ phận nhỏ, cụ thể được chứa đựng trong bộ phận lớn hơn, hoặc trong toàn thể. Nhưng ở phương pháp phân loại, người viết phải tiếp tục giới thiệu, trình bày về những bộ phận vừa được phân chia ra đó. Yêu cầu ấy không đặt ra với phương pháp liệt kê.

Việc phân loại và liệt kê có những nguyên tắc sau đây:

+ Thống nhất: Các phần nhỏ được nêu ra trong một lần được phân chia phải thuộc cùng một loại.

+ Đầy đủ: Người làm việc phân chia không được bỏ sót các bộ phận quan trọng, tiêu biểu nhất.

+ Rành, mạch: Các bộ phận được phân chia phải không trùng lặp nhau, không bao gồm nhau, không chồng chéo lên nhau. Để đạt được yêu cầu đó thì người nói (người viết) cần chú ý: trong mỗi lần phân chia, chỉ được sử dụng một - và chỉ một - căn cứ duy nhất.

B– BÀI HỌC

I- Tầm quan trọng của phương pháp thuyết minh

- Để làm tốt một bài văn thuyết minh thì người làm bài không thể không nắm vững phương pháp thuyết minh.

- HS có thể xem xét một đoạn văn bản mẫu (ví dụ: đoạn nói về Trần Quốc Tuấn trong Đại Việt sử ký toàn thư), để lần lượt làm rõ:

+ Người viết muốn thuyết minh điều gì? (Chẳng hạn, công lao tiến cử người tài giỏi cho đất nước của Trần Quốc Tuấn).

+ Người viết có thể đạt được mục đích của mình không nếu bản thân người viết còn chưa biết cách thuyết minh thế nào để làm rõ công lao ấy.

– Từ đó, thấy phương pháp thuyết minh có tầm quan trọng như thế nào.

- Cho HS ôn tập, đọc SGK để trả lời các câu hỏi sau:

+ Có khi nào các em rất muốn nói một điều gì đó mà không sao nói ra được hay không? Cho ví dụ.

+ Có khi nào các em nắm rất rõ một vấn đề mà không biết cách trình bày sao cho rõ hay không? Vì sao như thế?

⇒ Rút ra phương pháp thuyết minh có tầm quan trọng như thế nào.

II- Một số phương pháp thuyết minh

1. Ôn tập những phương pháp thuyết minh đã học bằng cách:

- Lần lượt làm các công việc theo đúng trình tự của SGK.

- Hoặc tìm hiểu các ví dụ để xác định rõ, trong mỗi ví dụ, tác giả muốn thuyết minh điều gì và đã thuyết minh bằng phương pháp cụ thể nào; từ đó, củng cố những hiểu biết về bản chất và tác dụng của từng phương pháp.

2. Yêu cầu đối với việc vận dụng phương pháp thuyết minh

- HS cần thấy rõ:

+ Việc sử dụng phương pháp thuyết minh (bao nhiêu phương pháp và những phương pháp cụ thể nào) phải do mục đích thuyết minh quyết định.

+ Ngoài mục đích làm rõ sự vật (hiện tượng) cần được thuyết minh, việc sử dụng phương pháp thuyết minh còn phải làm cho văn bản thuyết minh có khả năng gây hứng thú và trở nên hấp dẫn với người nghe (người đọc).

- Ngoài cách HS thảo luận các câu hỏi ghi trong SGK (trên cơ sở các em đã tìm hiểu câu hỏi và đã tìm cách tự trả lời) thì có thể cho HS tìm hiểu văn bản mẫu (có thể dùng lại một trong các văn bản đã nêu trong những phần trên) theo hướng:

+ Xác định các phương pháp thuyết minh mà tác giả đã sử dụng.

+ Cho biết vì sao tác giả đã sử dụng các phương pháp đó (chứ không phải phương pháp thuyết minh nào khác).

+ Việc sử dụng các phương pháp thuyết minh ấy giúp tác giả đạt được những mục đích gì?

Từ đó, rút ra kết luận cần thiết về việc sử dụng các phương pháp thuyết minh.

- Cần đọc kĩ lại toàn bộ phần Ghi nhớ để trả lời ý a) và b)

LUYỆN TẬP

1. Khi tìm hiểu phần văn bản được dẫn trong bài tập, cần lưu ý:

- Đây là một trích đoạn văn thuyết minh, được viết nhằm cung cấp những tri thức về một loài hoa được cả phương Đông và phương Tây tôn quý.

- Để viết được những đoạn trích như thế, điều kiện cần thiết đầu tiên và cơ bản là người viết phải có những hiểu biết thật sự khoa học, chính xác, khách quan về hoa lan ở Việt Nam.

- Tuy nhiên, hiệu quả thuyết minh của đoạn trích sẽ không cao nếu người viết không khéo chọn lựa, vận dụng và phối hợp các phương pháp thuyết minh như chú thích, phân loại, liệt kê, nêu ví dụ (điển hình).

2. Để làm được bài tập này, cần phải:

- Tìm tòi, học hỏi để có những hiểu biết chuẩn xác, đầy đủ về một trong những nghề truyền thống của quê hương tới mức có thể giới thiệu, trình bày trước bạn bè quốc tế.

- Nắm vững nội dung và đối tượng thuyết minh để có thể chọn lựa và phối hợp những phương pháp thuyết minh thích hợp.

- Đọc kĩ phần Đọc thêm và các tài liệu tham khảo (nếu có) để học tập cách thức trình bày, giới thiệu và vận dụng phương pháp thuyết minh.