I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Đây là văn bản cổ. Để hiểu tư tưởng của người viết cũng như cách trình bày tư tưởng đó, chúng ta cần đặt bài viết vào bối cảnh lịch sử cụ thể. Thế kỉ XV (khi bài tựa này ra đời) là thế kỉ mà tinh thần và ý chí độc lập dân tộc đang lên cao. Chúng ta vừa chiến thắng giặc Minh xâm lược tàn bạo, kẻ thù muốn hủy diệt nền văn hoá độc đáo của dân tộc ta và đồng hóa nhân dân ta. Sau chiến tranh, giữa vô vàn công việc xây dựng lại đất nước, công việc sưu tầm thơ văn của người Việt Nam là công việc rất có ý nghĩa.

2. Ta phải gắn bài viết với bối cảnh lịch sử mới hiểu được tư tưởng chính của tác giả. Chẳng hạn: Hoàng Đức Lương có nói về đặc trưng của thơ ca nhưng không nhằm bàn về vấn đề đặc trưng mà chỉ cốt nói về thơ ca là nghệ thuật tinh tế nên không phải ai cũng hiểu và yêu quý thơ ca, do đó mà ít người quan tâm sưu tầm thơ ca, khiến cho thơ ca đã bị thất lạc nhiều. Các lí do khác cũng đều tập trung diễn đạt tự tưởng chính: xót xa, thương tiếc cho di sản văn thơ của cha ông bị thất lạc, cần phải sưu tầm để cho người Việt Nam có thể học hỏi từ di sản đó mà không phụ thuộc vào thơ văn của người Trung Quốc.

3. Có hai vấn đề cần chú ý

- Thứ nhất là các nguyên nhân khiến cho thơ ca Việt Nam các thời đại trước thế kỉ XV không được truyền lại đầy đủ. Qua việc hiểu biết các nguyên nhân này, ta thêm hiểu những khó khăn và cố gắng to lớn của ông cha ta trong sự nghiệp xây dựng nền văn học dân tộc.

- Thứ hai là niềm tự hào và ý thức trách nhiệm của Hoàng Đức Lương đối với nền thơ ca dân tộc, ý thức độc lập thể hiện qua công việc sưu tầm gian khổ và cao đẹp này.

II. BÀI HỌC

1. Bài tựa có hai phần. Ở phần thứ nhất, tác giả đã trình bày những lí do vì sao mình lại biên soạn Trích diễn thi tập:

- Lẽ ra, Hoàng Đức Lương phải nói điều này ngay những dòng đầu tiên. Thế nhưng, điều này được nói ở cuối phần một. Tác giả muốn người đọc nhận thức rằng: Trích diễn thi tập ra đời là do yêu cầu khách quan của thời đại không phải do ý chí chủ quan của một người. Do đó, tác giả trình bày thực trạng tình hình di sản còn lại của thi ca lúc bấy giờ:

- Có sáu nguyên nhân khiến cho thơ văn không thể lưu hành hết đời.

+ Bốn nguyên nhân chủ quan là:

1) Chỉ thi nhân mới thấy được cái đẹp của thi ca.

2) Người có học lại ít để ý đến thi ca.

3) Người quan tâm đến thi ca thì không đủ năng lực và tính kiên trì.

4) Chính sách in ấn của triều đình: Nếu chưa có lệnh thì thơ văn không dám khắc ván lưu hành.

- Có hai nguyên nhân khách quan:

1) Thời gian làm hủy hoại sách vở.

2) Chiến tranh, hỏa hoạn (binh hỏa) đã làm thiêu hủy thư tịch.

- Sáu nguyên nhân trên khiến tác giả đau xót và lòng tự hào dân tộc bị tổn thương. Vì thế kết thúc phần nói về lí do, về nguyên nhân biên soạn Trích diễm thi tập là lời cảm thán cho ta thấy thực trạng thi ca thật đáng báo động:

“Như thế chẳng đáng thương xót lắm sao?”

Cũng cần hiểu điều mà Hoàng Đức Lương gọi là “trải qua bao cơn binh lửa” là điều có thật. Đời Trần, năm 1371, quân Chiêm Thành có lần đánh phá Thăng Long, đốt phá, cướp bóc nhiều giấy tờ sách vở. Quân Minh năm 1407 khi sang xâm lược nước ta đã nhận được đạo chỉ của Minh Thành tổ về việc đốt, phá, cướp tất cả các chứng tích văn hóa, văn học nước ta như bia, sách vở, giấy tờ nói chung. “Một khi binh lính vào nước Nam, trừ các sách kinh và bản in của đạo Phật, đạo Lão thì không thiêu hủy, ngoài ra hết thảy mọi sách vở, văn tự cho đến cả những loại sách ghi chép ca lí dân gian hay sách dạy trẻ như loại sách có câu “Thượng đại nhân, khưu ất dĩ”, một mảnh một chữ phải đốt hết. Khắp trong nước phàm những bia đá Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì đều giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá hủy tất cả, một chữ chớ để còn”.

Thông qua việc trình bày lí do biên soạn Trích diễm thi tập ta thấy được niềm tự hào về văn hiến dân tộc, ý thức trách nhiệm của tác giả trước di sản văn học của cha ông bị thất lạc, về tinh thần độc lập tự chủ, ý chí tự cường trong văn học là những động cơ thôi thúc Hoàng Đức Lương làm công việc sưu tầm, biên tập thi ca các đời.

Lần thứ hai, Hoàng Đức Lương thuật lại những việc mình đã làm để sưu tầm thơ văn của tiền nhân. Tiếp đó là nói về nội dung và kết cấu của tác phẩm.

- Thời tác giả (đọc lại phần I) việc sưu tầm thơ ca là hết sức khó khăn, vất vả.

+ Thư tịch cũ đã không còn.

+ Tác giả phải

• “nhặt nhạnh ở giấy tàn, rách nát”

• “hỏi quanh khắp nơi”

• “thu lượm thêm thơ của các vị hiện đang làm quan trong triều”

• “phân loại và chia quyển”

- Trích diễm thi tập gồm 6 quyển, chia làm hai phần.

+ Phần chính gồm thơ ca của các tác gia từ thời Trần đến thời Hậu Lê.

+ Phần Phụ lục là thơ ca của chính Hoàng Đức Lương.

- Phong cách phương Đông thời trung đại thường có cách nói kỉ êm nhường khi nói tới mình. Vì thế tác giả nói:

• Tôi không tự lượng sức mình.

• Trách nhiệm nặng nề mà tài hèn sức mọn

• Mạn phép phụ thêm

• May ra tránh được sự chê trách.